MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu chứng khoán thời thất sủng

Thông tin không chính thức từ bộ phận môi giới của nhiều CTCK lẫn của chính NĐT cho biết, rất nhiều tài khoản đã đến mức “cháy” vì không xoay đủ tiền cho khoản đòn bẩy thời gian qua.

Trong thị trường giá xuống, cổ phiếu chứng khoán thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngược lại khi phục hồi, cổ phiếu ngành này lại có sức bật đầu tiên vì kỳ vọng doanh nghiệp có lợi nhuận tốt.

Lùm xùm... nợ

Thị trường mấy ngày gần đây xôn xao thông tin về vụ chủ tịch một công ty chứng khoán chạy làng quẳng lại đằng sau món nợ 100 tỷ đồng cho công ty. Không chỉ vậy, thông tin không chính thức từ bộ phận môi giới của nhiều công ty chứng khoán lẫn của chính nhà đầu tư cho biết, rất nhiều tài khoản đã đến mức “cháy” vì không xoay đủ tiền cho khoản đòn bẩy thời gian qua. Thị trường xuống dốc không phanh cũng là lúc xuất hiện tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa khách VIP và công ty. Khi khách hàng mất khả năng dù đắp margin, môi giới không thể liên lạc được thì công ty cũng đành cắn răng chủ động xử lý tài khoản để thu hồi vốn.

Áp lực bán gia tăng một cách bất thường từ đầu tuần đến nay đã tạo ra những phiên giảm mạnh hơn hẳn mức bình quân. Việc hạ giá hàng loạt trong phiên chứng tỏ nhu cầu cắt lỗ là rất kiên quyết. Rất có thể đây là tín hiệu của hoạt động giải chấp những tài khoản “vô chủ” của công ty chứng khoán.

Một điều nguy hiểm nữa là tổng giá trị đòn bẩy được phản ánh trong nợ phải thu của các công ty chứng khoán đến hết quý 1-2011 sơ bộ lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Dĩ nhiên không phải tất cả các khoản vay này đều phải giải chấp, nhưng nguy cơ tiềm ẩn là không nhỏ. Thị trường càng sụt giảm thì nguy cơ càng tăng vì có thể đến một thời điểm, đồng loạt các khoản vay đến hạn mức giải chấp và lực cầu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu bán.

Mặt khác, việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ dịch vụ đòn bẩy được thực hiện rất “cẩu thả” trong quý 1 – quý không bắt buộc phải soát xét báo cáo tài chính. Điều này sẽ bị “sờ gáy” trong báo cáo tài chính quý 2. Mặc dù báo cáo tài chính vẫn ghi nhận đầy đủ các khoản phải thu, nhưng rủi ro thị trường không được tính đến sẽ là yếu tố bất ngờ. Công ty chứng khoán sẽ phải làm thế nào nếu khoản cầm cố không thể bán đi được, hoặc bán không đủ để bù gốc? Lúc đó khoản thua lỗ sẽ phải ghi nhận, dù trước đó bảng kết toán vẫn “sạch”.

Tự doanh tài đến đâu?

Hai yếu tố cơ bản khiến tính đầu cơ của các cổ phiếu chứng khoán rất cao là, thứ nhất, công ty sẽ được hoàn nhập dự phòng. Thứ hai, triển vọng tự doanh tốt giúp công ty có lợi nhuận lớn.

Công ty chứng khoán khi tình trạng làm ăn bết bát của nhiều doanh nghiệp còn hơn cả nhà đầu tư cá nhân? Thị trường phục hồi dĩ nhiên khoản dự phòng sẽ được hoàn nhập. Kỳ vọng còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng chớp thời cơ, hay đúng hơn là tài năng của đội ngũ tự doanh. Để danh mục ngắn hạn phải lỗ nhiều trăm tỷ đồng và phải trích dự phòng thì rõ ràng năng lực có vấn đề.

Hiện tại hầu hết các cổ phiếu chứng khoán đều xuống dưới mệnh giá. Bình quân giá của 25 công ty niêm yết chỉ chưa tới 9.000 đồng. Cao nhất là SSI với 19.100 đồng/cổ phiếu (giá ngày 19-5). Giá nhiều cổ phiếu đang ở trong “mơ” nếu so với thời điểm thị trường bình thường. Tuy nhiên đó là mức chiết khấu hợp lý đối với những rủi ro mà các cổ phiếu này phải gánh chịu.

Một nguyên nhân đơn giản là thị trường định giá cổ phiếu chứng khoán chưa bao giờ theo phân tích cơ bản. Ngay với KLS, giá hiện tại mới chỉ tương đương lượng tiền mặt công ty đang nắm giữ chia cho số lượng cổ phiếu phát hành, tức là bỏ qua cả giá trị tài sản khác, đội ngũ nhân viên, thương hiệu... Còn với các công ty chứng khoán nhỏ, năng lực vừa thấp, tài sản vừa “bèo”, nợ nần chồng chất thì rủi ro càng cao. Thị trường đánh giá cổ phiếu chứng khoán hoàn toàn dựa vào triển vọng của thị trường. Nếu thị trường chưa có “cửa sáng”, cổ phiếu chứng khoán sẽ bị thất sủng.

Theo Hoàng Ngân

Đại đoàn kết

phuongmai

Trở lên trên