10 "tội đồ" của khủng hoảng nợ châu Âu
Chính người Hy Lạp và người Đức phải xem lại sai lầm của mình. Trung Quốc cũng phải gánh vác phần lỗi không nhỏ đối với cuộc khủng hoảng này.
- 24-05-2011“Con số biết nói” về thực trạng châu Âu
- 23-05-20113 lý giải cho đợt bán tháo trên TTCK châu Âu phiên ngày thứ Hai
- 16-05-2011Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ vỡ nợ đồng loạt?
Khi khủng hoảng nợ đang tàn phá châu Âu nặng nề hơn, chính phủ nhiều nước cố gắng giải quyết thâm hụt ngân sách tăng cao, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ và phải đứng ra giải quyết nó.
Từ thói quen làm việc của người Hy Lạp cho đến sự sụp đổ của các ngân hàng Iceland, người ta chỉ ra quá đủ yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của nhóm nền kinh tế tại châu Âu cũng như sự đi xuống của cả một châu lục từng là sức mạnh kinh tế quan trọng của thế giới hiện đại.
Ai phải chịu trách nhiệm thực sự? 10 cái tên được nêu ra dưới đây liệu đã đủ để nói hết về các đối tượng và nạn nhân của sự đi xuống kinh tế trên diện rộng?
1. Người Hy Lạp
Tháng 3/2010, một bài báo xuất hiện trên tờ báo lá cải của Đức gửi đến Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou chê bai về thói quen làm việc của người Hy Lạp và cho rằng người nước này nên học theo phong cách dậy sớm và làm việc suốt ngày của người Đức.
Trước đó, 2 chính trị gia Đức đã kêu gọi người Hy Lạp bán đảo và một số tượng đài để có tiền trước khi xin tiền từ EU.
Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp tăng cao ở thời điểm giữa những năm 2000 khi kinh tế tăng trưởng tốt và chính phủ không có ý định thắt chặt chính sách.
Thế nhưng đến năm 2008 khi khủng hoảng xảy ra, các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp bao gồm công nghiệp đóng tàu và du lịch chịu tác động nặng nề, Hy Lạp mất kiểm soát nợ.
Kế hoạch thắt chặt ngân sách để xin được hỗ trợ 110 tỷ euro tương đương khoảng 158 tỷ USD từ EU đã khiến hàng trăm nghìn người (40% trong số này làm việc trong lĩnh vực công) xuống đường biểu tình vào tháng 5/2010.
Các kế hoạch thắt chặt ngân sách đã giúp Hy Lạp có được thỏa thuận vay 45 tỷ euro từ EU và IMF vào tháng 5/2011 thế nhưng người Hy Lạp chịu tác động nặng nề và họ liên tục biểu tình.
2. Người Đức
Người ta chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc đưa ra quan điểm quá cứng rắn đối với việc hỗ trợ các thành viên thuộc Liên minh châu Âu thế nhưng người Đức thừa hiểu họ sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn trong các chương trình giải cứu.
Năm 2010, xuất khẩu của Đức tăng trưởng 18,5%, GDP tăng trưởng 3,6% trong khi kinh tế của phần lớn các nước còn lại thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và EU tụt hậu hoặc bên bờ vực phá sản.
Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng phần còn lại của châu Âu trở thành nạn nhân của việc kinh tế Đức tăng trưởng quá thành công. Khi 80% thặng dư thương mại của Đức đến từ thương mại trong EU, phía chỉ trích có quan điểm đúng của riêng họ.
Dù phần lớn người Đức cực kỳ phản đối việc phải chi thêm tiền nhưng rủi ro từ khả năng Ireland hay Bồ Đào Nha vỡ nợ quá lớn đến nỗi chắc chắn cường quốc này sẽ vẫn phải chi nhiều hơn.
3. Người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em (baby boomer)
Dù những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em này phải chịu thiệt bởi kinh tế đi xuống (trên phương diện tiền lương hưu, giá nhà, tiền tiết kiệm, giáo dục), sự thật rằng chính phủ nhiều nước phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn trong chi tiêu có nguyên nhân từ việc thế hệ người được sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đang đến tuổi về hưu.
Ông David Willets, Bộ trưởng Kinh tế của Anh, vào năm 2009 đã xuất bản cuốn sách tựa đề: “Người thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ em” đã lấy đi tương lai của con cháu họ như thế nào và họ phải trả lại nó?” Cụ thể, ông phân tích nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1965 nắm lượng tài sản lớn và lấy đi tương lai con cháu họ thông qua sự thống trị về kinh tế, nhân khẩu học và chính trị.
Chuyên gia Anatole Kaletsky viết trên London Times rằng việc mất đi thế hệ bùng nổ trẻ em trong thập kỷ tới sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách nhóm nước đang đương đầu với khủng hoảng “điên đầu”.
Tại Anh, chính phủ Anh đã có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 66 từ năm 2016, kế hoạch không chịu nhiều sự phản đối. Tại Pháp, chính phủ cũng đã quyết tâm áp dụng kế hoạch tương tự bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng.
4. Trung Quốc
Dù kinh tế phương Tây đang đi xuống, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mà phương Tây chỉ dám “mơ”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã không ngừng nói đến phương Đông khi ông nói đến yếu tố cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Nhìn chung, thế giới đang phàn nàn về đồng nhân dân tệ bị định giá quá thấp, Trung Quốc có lợi thế thương mại bất bình đẳng; quy định điều tiết lỏng lẻo liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cản trở đối với hàng nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc rất quan tâm đến việc kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt.
Thế nhưng phía các công ty châu Âu chỉ trích Trung Quốc về việc đã đưa ra hệ thống đầy bất lợi khiến các công ty nước ngoài không thể giành được các hợp đồng công.
Ông Yi Gang, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói: “Chúng tôi có niềm tin vào thị trường tài chính châu Âu và đồng euro.” Và trên thực tế Trung Quốc đầu tư mạnh vào nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu, tuy nhiên khi châu Âu muốn thâm nhập vào Trung Quốc, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
5. Các bên đầu cơ
Các nhà đầu cơ thường bị chỉ trích nặng nề khi thị trường đương đầu với bất kỳ biến động nào, dù đó là giá cacao hay nợ chính phủ. Từ Tổng thống Obama cho đến Thủ tướng Hy Lạp đều đã kêu gọi các nhà đầu cơ hạn chế bớt quyền kiểm soát của họ với thị trường.
Tháng 2/2010, truyền thông Hy Lạp đưa tin bộ phận tình báo phát hiện các hành vi đầu cơ trái phiếu chính phủ Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp gần đây khẳng định các lời đồn về Hy Lạp phải tái cơ cấu nợ chẳng qua đến từ nhóm nhà đầu cơ muốn trục lợi từ khả năng Hy Lạp vỡ nợ một phần.
6. Đồng euro
Khi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 1999, nhóm nước như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau này đến Hy Lạp vào năm 2001 đã phải từ bỏ quyền tự quyết về chính sách tiền tệ cũng như quyền lực hạ giá đồng tiền, nhóm nước trên đã nâng lãi suất.
Những người chỉ trích về đồng euro cho rằng sự bùng nổ trên thị trường bất động sản cũng như tín dụng giống như cái đã từng xảy ra tại Ireland đã có thể tránh được nếu Ireland được nắm quyền kiểm soát với chính sách tiền tệ của họ.
Dù khá công bằng khi cho rằng nhóm nước yếu trong khu vực đồng tiền chung châu Âu thường gặp khó khăn khi muốn cạnh tranh với cường quốc như Đức hay nhóm nước Bắc Âu, quan điểm cho rằng vấn đề họ đang đương đầu sẽ không tồn tại nếu họ không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu xem ra quá đơn giản.
Chuyên gia Silvia Wadhwa chỉ ra nhóm nước này khi vào khu vực đồng tiền chung châu Âu đã được hưởng lãi suất thấp, họ chi tiêu vô tội vạ vào hạ tầng và cải thiện đời sống của dân nước họ.
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, yếu điểm của các nền kinh tế này bộc lộ và cuối cùng họ không thể trả được nợ.
Sự đúng đắn của đồng euro, tham vọng lớn nhất của châu Âu, sẽ còn cần đến sự phán xét của lịch sử.
Trong nhóm đối tượng phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng nợ châu Âu, còn cần phải kể đến “siêu lừa” Fred Goodwin, Iceland, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và các cơ quan xếp hạng tín dụng.
Ngọc Diệp
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/CNBC