Ông Dominic Scriven: Kiến nghị Chính phủ lập "Lịch sự kiện kinh tế"
Nhóm NĐT nước ngoài kiến nghị lập một "Lịch sự kiện kinh tế" công bố dự trữ ngoại hối quốc gia, các thông tin về hệ thống ngân hàng, CPI...để tránh sự bất ổn định về thông tin.
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, trao đổi với ĐTCK.
Giải pháp nào cần phải thực hiện sớm theo quan điểm của các ông?
Bộ Tài chính/UBCK đang soạn thảo Thông tư mới về giao dịch chứng khoán. Thông tư sẽ điều chỉnh một loạt hoạt động như giao dịch nhiều tài khoản, giao dịch ký quỹ, mua/bán cùng phiên, các lệnh giao dịch mới như lệnh dừng, lệnh thị trường… Những quy định về giao dịch mới nêu trên là bước cải tiến cho thị trường và phản ánh nhu cầu thực tế của NĐT. Do đó, Nhóm đề nghị Bộ Tài chính/UBCK đẩy nhanh quy trình xây dựng văn bản pháp luật và sớm đưa những quy định mới trên vào thực hiện. Thêm nữa, một số vấn đề khác như tăng biên độ giao dịch, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài nên được triển khai.
NĐT nước ngoài gặp khó khăn gì khi tiếp cận TTCK Việt Nam, thưa ông?
Quy trình thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài rất phức tạp, cụ thể là đăng ký tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (cấp bởi NHNN) và mã số giao dịch chứng khoán (cấp bởi Trung tâm Lưu ký).
Từ năm 2008, NĐT cá nhân nước ngoài phải cung cấp bản lý lịch tư pháp để được đăng ký mã số giao dịch chứng khoán. Đây là một trở ngại cho các NĐT, không phải vì những vấn đề liên quan đến lịch sử hoạt động của NĐT, mà chủ yếu vì việc cấp giấy chứng nhận này ở một số quốc gia là rất khó khăn, đặc biệt đối với NĐT đến từ các quốc gia đang phát triển.
Ví dụ, đối với NĐT đến từ Ấn Độ, sẽ cần nhiều tuần để có được giấy chứng nhận này và sau đó cần một khoảng thời gian dài tương tự để văn bản này được xác nhận bởi Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Toàn bộ quy trình trên cần từ 2 - 3 tháng, không phải NĐT nào cũng sẵn sàng chấp nhận.
Gần đây, hoạt động của các tổ chức đầu tư nước ngoài khá im ắng, nhưng nổi lên việc đầu tư theo chỉ số của các quỹ nước ngoài, khiến VN-Index phản ánh không chính xác diễn biến thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?
VN-Index đã được sử dụng từ khi TTCK được thành lập. Cách tính VN-Index đang được áp dụng là cách tính chỉ số truyền thống. Tuy nhiên, sau 10 năm, cách tính này đang bộc lộ một số khuyết điểm nhất định. Trong đó, hạn chế lớn nhất của VN-Index là lấy toàn bộ giá trị vốn hoá của các công ty làm trọng số.
Nói cách khác, toàn bộ số cổ phiếu được niêm yết của công ty sẽ được tính vào chỉ số. Trong khi đó, trên thực tế, không phải tất cả các cổ phiếu này dù đã được niêm yết sẽ có thể được giao dịch dễ dàng.
Những NĐT dài hạn như cổ đông nhà nước, ban điều hành doanh nghiệp và NĐT chiến lược sẽ không giao dịch cổ phiếu do họ nắm giữ trong thời gian dài. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác có thể bị hạn chế chuyển nhượng trong một thời gian nhất định, như cổ phiếu phát hành cho cán bộ - công nhân viên và cổ phiếu phát hành riêng lẻ. Những cổ phiếu không giao dịch này sẽ không gây ảnh hưởng đến thị trường và do đó nên được loại ra khi xác định thay đổi giá bình quân của thị trường, mà cụ thể là VN-Index.
Tại nhiều nước trên thế giới, chỉ số thị trường đã được tính theo phương pháp này. Thay vì tính toàn bộ số cổ phiếu niêm yết, họ chỉ tính giá trị thị trường của phần cổ phiếu tự do lưu hành, sẵn sàng giao dịch (free-float). Đây là điểm quan trọng nhất giúp cho VN-Index không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một vài cổ phiếu lớn, nhưng ít được nắm giữ bởi số đông đại chúng.
Ngoài ra, Sở giao dịch vẫn chỉ có một chỉ số đại diện cho thị trường, bao gồm tất cả các cổ phiếu niêm yết, được gọi là chỉ số hỗn hợp (composite index). Với định hướng phát triển TTCK phái sinh và đa dạng hoá các hình thức quỹ đầu tư (trong đó có quỹ đầu tư theo chỉ số), việc xây dựng thêm bộ chỉ số gồm ít cổ phiếu hơn, nhưng là các cổ phiếu lớn có thể đại diện tốt cho thị trường là điều cần xem xét.
Việt Nam cần làm gì để thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài trong bối cảnh hiện nay, theo ông?
Nhóm kêu gọi một sự trao đổi giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng đầu tư về các chính sách tiền tệ và tài khóa quốc gia. Sự thiếu trao đổi về các chính sách điều hành có thể tạo ra những sự bất ổn định và để thị trường sống với những tin đồn.
Một số đề nghị cụ thể của chúng tôi là thiết lập một Lịch sự kiện kinh tế (Economic Calendar) để công bố các chỉ số, thông tin kinh tế (cụ thể bởi ai, khi nào). Ví dụ, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng vào lúc 9:00 sáng ngày 25 tháng kế tiếp. Tăng số lượng các chỉ tiêu kinh tế được công bố như chỉ số thất nghiệp, hàng tồn kho khu vực sản xuất, dữ liệu thị trường nhà đất…
Theo đó, Chính phủ nên xem xét công bố một số thông tin tương đối nhạy cảm như dự trữ ngoại hối quốc gia, các thông tin về hệ thống ngân hàng (số dư tiền gửi và số dư nợ cho vay; chi tiết khoản cho vay theo ngành nghề, khu vực, tổ chức/cá nhân, loại tiền tệ; chi tiết khoản tiền gửi theo khu vực, tổ chức/cá nhân, loại tiền tệ) trên cơ sở định kỳ. Đối với một số thông tin nhạy cảm, một độ trễ từ 3 - 6 tháng là có thể chấp nhận được.
Đối với một số chỉ tiêu kinh tế, cần phải bổ sung các thông tin chi tiết như chỉ tiêu vốn FDI thực hiện cần công bố chi tiết theo phần thực hiện bởi đối tác nước ngoài và bởi đối tác Việt Nam.
Bộ Tài chính/UBCK cũng cần thu thập, thống kê và công bố định kỳ số liệu đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và một số thông tin liên quan đến TTCK như tổng số tài khoản giao dịch, lượng tiền mặt trong các tài khoản mua bán chứng khoán.
Với một Lịch sự kiện kinh tế được thực hiện tốt, Chính phủ có thể chuyển tải đến cộng đồng đầu tư hình ảnh chân thực về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam. Một chính sách minh bạch sẽ tạo ra giá trị cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ Việt Nam cần chủ động tham gia, trình bày tại các hội thảo kinh tế quốc tế, các diễn đàn kinh doanh khu vực, nhằm gửi đi một thông điệp tích cực về triển vọng của Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế.
Cũng cần hành động để đưa Việt Nam vào chỉ số thị trường mới nổi MSCI. MSCI là tổ chức hàng đầu chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư cho hơn 5.000 định chế tài chính lớn trên thế giới. Hệ thống phân loại thị trường của MSCI gồm ba nhóm từ thị trường mới hình thành là "Thị trường biên" (Frontier), đến "Thị trường mới nổi" (Emerging) và cuối cùng là "Thị trường phát triển" (Developed). Ở khu vực châu Á, Việt Nam cùng với Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka được xếp vào nhóm thị trường "Frontier".
TTCK Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng phát triển, Nhóm nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một kế hoạch, dẫn đầu bởi các cơ quan Chính phủ, mà đại diện là UBCK, để đưa Việt Nam vào nhóm chỉ số thị trường mới nổi MSCI. Thực ra, điều này không nhằm mục đích để tìm kiếm một danh hiệu hay thành tích nào, mà chỉ nhằm nâng chuẩn Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực đầu tư quốc tế. Do đó, Nhóm đề nghị UBCK phối hợp với các cơ quan liên quan, các thành viên thị trường để nghiên cứu về vấn đề này.
Theo Anh Việt
Đầu tư chứng khoán