MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm cổ đông nhỏ trong tập đoàn lớn

27-05-2011 - 09:09 AM |

Việc CTCP Quạt Việt Nam (Asia Vina) đang ăn nên làm ra lại cho Tập đoàn SEB của Pháp mua lại 65% cổ phần, khiến dư luận đặt câu hỏi.

Tại sao Asia Vina không bán 49% để còn nắm quyền chi phối? Liệu Asia Vina có bị thâu tóm khi chỉ còn 35% cổ phần? Xung quanh vấn đề này ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông VŨ ĐÌNH PHƯƠNG, Chủ tịch HĐQT Asia Vina.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có phải Asia Vina chủ động bán 65% cổ phần, hay bị SEB thâu tóm?

Ông VŨ ĐÌNH PHƯƠNG: - Nói bán chưa hoàn toàn chính xác, vì thực chất chúng tôi muốn hợp tác với một tập đoàn lớn có thương hiệu toàn cầu, nhằm giúp DN phát triển mạnh hơn. Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất quạt điện chỉ đứng sau Trung Quốc.

Muốn cạnh tranh phải có khả năng tài chính mạnh, có sự phát triển nhanh, hệ thống quản lý và xúc tiến thương mại giỏi. Để làm được tất cả điều này, cần phải có tầm nhìn, trong lúc này hợp tác là bài toán tốt. Nhưng hợp tác cũng phải tìm đối tác thích hợp. Trước đây, một DN của Trung Quốc tìm mua lại cổ phần, tôi nhất định chỉ bán dưới 30%, vì họ muốn thâu tóm DN.

Nhưng nay, với SEB, tôi chủ động nâng lên 65% (vì khi nắm nhiều cổ phần họ buộc phải cùng tìm phương hướng cho DN phát triển). SEB chỉ có 2 lựa chọn, hoặc 40% hoặc 65% cổ phần. Giống như các liên doanh khác trên thế giới, SEB không có ý định thâu tóm, không can thiệp vào hoạt động điều hành.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này, bởi không thể SEB nắm 65% mà chịu để cho đối tác nắm 35% điều hành DN?

- Có một vài điều kiện cốt lõi trong hợp đồng mà tôi có thể chia sẻ. Thứ nhất, tôi vẫn là Chủ tịch HĐQT trong nhiệm kỳ 5 năm, tất cả quyết định đều phải có sự chấp thuận của tôi. Tôi là người có quyền quyết định cuối cùng. Việc gì liên quan đến DN đều phải có sự tham gia và quyết định của tôi.

Thứ hai, tất cả cơ cấu nhân sự của đơn vị là người Việt Nam, do tôi quyết định và SEB chỉ đưa chuyên gia hỗ trợ trong một số khâu kỹ thuật, thị trường, xuất khẩu… Từ ban điều hành trở xuống chúng tôi toàn quyền sắp xếp. Nếu có sa thải và thay đổi đều phải qua quyết định của chúng tôi.

Thứ ba, tất cả sản phẩm của Asia Vina mang ra nước ngoài bán, hoặc sản phẩm của Tập đoàn SEB muốn vào Việt Nam qua Asia Vina, đều phải theo luật và có mức lợi nhuận tối thiểu theo quy định, chứ không để tình trạng dùng DN làm bàn đạp.

- Như vậy, trong thương vụ này Asia Vina đã được lợi nhiều?

- Tôi cho rằng đây là việc hợp tác có lợi cho cả hai bên. Asia Vina có thể phát triển để cạnh tranh với các hãng quạt, trực tiếp là của Trung Quốc; có thể mang thương hiệu "made in Vietnam" ra toàn cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Rất nhiều người nghĩ chúng tôi bán DN, song việc nhượng lại 65% cổ phần không có nghĩa là mất.

Còn về phía SEB, không phải muốn lấy lợi nhuận hay thâu tóm, mà họ muốn toàn cầu hóa thương hiệu của họ. Đưa thương hiệu Asia Vina thành một thành viên trong tập đoàn của họ.

- Phải chăng trong 65% cổ phần SEB đang nắm giữ có tới 25% của Bank Invest bán lại cho SEB?

- Đúng thế! Bank Invest thực ra chỉ là cầu nối. DN muốn phát triển phải cơ cấu lại, tạo ra một DN chính quy toàn diện. Muốn như vậy phải có sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, tài chính. Do vậy chúng tôi kêu gọi Bank Invest vào đầu tư, giúp lớn mạnh, chính quy hơn và đây là thời điểm tốt để thoái vốn, vì mục tiêu của họ chỉ khoảng 3-5 năm. Khi gặp đối tác SEB, Bank Invest quyết định thoái vốn ngay.

Có một thực tế DN bình thường của Việt Nam thường rất khó hợp tác với đối tác chính quy, cùng ngành, trừ khi bị mua đứt. Khi hợp tác phải có trung gian giúp phát triển và hoàn thiện trước về cơ cấu và một số hoạt động của DN. Khi bắt tay với chúng tôi, SEB cũng thế, họ vào hợp tác và phát triển chứ không xây dựng lại, tiếp quản nền tảng và chỉ củng cố.

- SEB là tập đoàn lớn về đồ gia dụng nói chung, vậy sau hợp tác, sản xuất quạt có còn là sản phẩm chính của công ty?

- Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi vẫn là sản phẩm quạt điện. Song song đó nếu sau này làm tốt hệ thống phân phối có thể mở rộng thêm sản phẩm. Thực ra sản xuất quạt trong nước cũng vấp phải rất nhiều khó khăn, trong đó có 2 khó khăn chính.

Thứ nhất, khó khăn mùa vụ, mùa nắng quạt bán không kịp, mùa mưa hàng tồn dư nhiều, nhưng không thể làm mùa mưa chuẩn bị cho mùa nắng, chính vì thế phải tính bài toán xuất khẩu. Song xuất khẩu cũng còn nhiều khó khăn do khâu xúc tiến thương mại chưa tốt.

Thứ hai, cạnh tranh về giá bán giữa số ít các DN sản xuất quạt chính quy với các DN lắp ráp và sản xuất nhỏ lẻ, khiến cho hệ thống phân phối chưa thể về tới các vùng sâu, vùng xa. Nếu có sự hợp tác, chúng tôi sẽ làm tốt hơn là tự bơi và giải quyết hết khó khăn.

- Mặc dù vẫn nắm quyền điều hành nhưng việc san sẻ quá nửa “đứa con” của mình hẳn là một bài toán cân não của ông?

- Tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều vì quyền đang là của mình nay phải chia cho người khác. Trước đây mọi chuyện mình có quyền quyết định nhưng nay phải bàn bạc, thậm chí họ có thể đưa ra những quyết định phản đối. Song nếu nhìn lâu dài, theo tôi giải pháp này cũng là tất yếu.

Asia Vina đang chiếm 25% thị phần quạt Việt Nam và trong tương lai chúng tôi đặt mục tiêu 50%. Đây là điều chúng tôi hoàn toàn có thể làm được.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Dung
ĐTTC

duchai

Trở lên trên