MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng cần bao nhiêu vốn (1): Một tấm đệm và ba lớp lót

28-05-2011 - 05:58 AM | Tài chính quốc tế

Một hệ thống ngân hàng có quá ít vốn rất dễ gây khủng hoảng và sẽ thường xuyên phải xin giải cứu.

Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Hãy tưởng tượng có một loại bằng lái xe ghi lại đầy đủ “thành tích” của bạn trên đường. Bạn lái xe an toàn càng lâu thì càng được phép chạy nhanh cho đến khi xác suất gây tai nạn được đánh giá là ở mức trung bình, khi ấy bạn sẽ luôn di chuyển với tốc độ này.

Hãy hãy tưởng tượng một chiếc xe có phanh tốt hơn nhưng không có túi khí, hay động cơ máy bay đáng tin cậy hơn nhưng lại ít được bảo dưỡng hơn và cuối cùng khiến tính an toàn của máy bay hiện giờ chẳng khác gì thập niên 50. Mục đích chính của phát minh không phải là hạn chế rủi ro mà là giảm giá chiếc ô tô hay chiếc máy bay đó.

Kiểu tưởng tượng ấy thật ngớ ngẩn, ấy thế mà đó chính là những gì người ta nghĩ về ổn định tài chính trong suốt không chỉ ba thập kỷ qua và thậm chí còn trong cả thời gian sắp tới.

Vốn để làm gì?

Trọng tâm của cuộc tranh luận “ngân hàng nên an toàn đến đâu” là câu hỏi “nên yêu cầu ngân hàng nắm giữ bao nhiêu vốn”.

Một hệ thống ngân hàng có quá ít vốn rất dễ gây khủng hoảng và sẽ thường xuyên phải xin giải cứu.

Mặt khác, quá nhiều vốn có thể khiến nhiều bộ phận của ngành ngân hàng thua lỗ, đẩy chi phí tài chính tăng lên và giảm đà tăng trưởng kinh tế (dù không ai dám chắc về hai điểm này). Một nguy cơ lớn hơn là tiền và rủi ro có thể dồn về những bộ phận nhiều nguy hiểm và ít bị điều tiết hơn của nền kinh tế, khiến toàn hệ thống thậm chí còn bất ổn hơn.

VCSH của ngân hàng có rất nhiều tác dụng.

Thứ nhất là hấp thụ thua lỗ, trong đó nó đóng vai trò như một tấm đệm bảo vệ những ai đã tin tưởng giao tiền của mình cho một ngân hàng trước sai lầm của những người điều hành và sở hữu ngân hàng đó.

Thứ hai, vốn hạn chế bản chất liều lĩnh của giới ngân hàng bằng cách tăng phần đóng góp của họ. Rõ ràng trước khủng hoảng tài chính, một số ngân hàng đã có quá ít vốn. Royal Bank of Scotland cần gói giải cứu khổng lồ không phải vì thua lỗ của ngân hàng này quá lớn mà vì vào đầu khủng hoảng “tấm đệm vốn” của họ quá mỏng, chỉ 3,5%.

“Hiện đại” – “hại điện”

Nhờ hai phát minh mà điều này có thể thực hiện được.

Thứ nhất là chính các bộ nguyên tắc. Theo hiệp ước quốc tế gốc về vốn ký tại Basel năm 1988, ngân hàng phải có VCSH trị giá 8% tổng tài sản. Vì có một số loại tài sản an toàn hơn, và một số ngân hàng cho vay an toàn hơn nên việc cho phép ngân hàng tính toán số vốn họ thực sự cần dựa trên xác suất phá sản của các khoản vay nghe có vẻ sáng suốt.

Basel 2 năm 2004 công khai cho phép điều đó. Ngân hàng nào có khách hàng càng khả tín, càng được giữ ít vốn trong khi ngân hàng nào theo đuổi các thương vụ rủi ro hơn sẽ phải có nhiều vốn hơn. Dù vậy, mô hình tài chính xác định rủi ro của khoản vay khi đem thử nghiệm đã thất bại tuyệt đối vì nó được xây dựng trên dữ liệu thu thập trong điều kiện kinh tế ổn định một cách bất thường.

Loại phát minh thứ hai là về vốn. Trong những năm tiền khủng hoảng, vô số nhà ngân hàng (banker) và luật sư đã cho ra đời các công cụ mới mà với ngân hàng “rẻ” chẳng kém gì chứng khoán nợ (chi phí lãi vay ở nhiều nước được khấu trừ thuế trong khi cổ tức thì không), dù vậy vẫn đủ “giống” chứng khoán vốn để làm hài lòng cơ quan điều tiết.

“Tuần nào cũng có banker hoặc luật sư nào đó tuyên bố mình nghĩ ra một loại công cụ vốn mới,” một quan chức giám sát ngân hàng nói. “Đương nhiên là họ chỉ đang lách luật mà thôi.”

“Tấm đệm vốn” của Basel 3

Quy tắc mới về vốn, còn gọi là Basel 3, cố giải quyết tất cả những vấn đề trên bằng cách buộc ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu và yêu cầu phần lớn trong số đó phải là vốn đầu tư của chủ sở hữu (tức vốn cổ phần).

Về cơ bản, Basel 3 tăng gấp 3 lần số vốn đầu tư của chủ sở hữu mà phần lớn các ngân hàng lớn phải có so với giai đoạn trước khủng hoảng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ tăng từ 8% lên 10,5% trước năm 2019, nhưng nhiều ngân hàng sẽ về đích trước để chứng minh sức mạnh của mình.

Mức điều chỉnh theo Basel 3 này lớn hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ vì ngân hàng phải có 7% dưới dạng vốn đầu tư của chủ sở hữu, thứ bản vị vàng của vốn. Những quy định trên cũng khắc phục được các lỗ hổng cho phép ngân hàng nắm giữ ít vốn hơn, ví dụ như chuyển tài sản khỏi bảng cân đối kế toán hay phân loại chúng thành tài sản để giao dịch.Số vốn sắp tăng mạnh nên sức chịu đựng thua lỗ của ngân hàng cũng sẽ tốt hơn.

Nhưng “tấm đệm” ấy không rẻ chút nào. Standard & Poors’s nghiên cứu 75 ngân hàng lớn nhất thế giới và phát hiện họ sẽ phải huy động thêm 763 tỷ đôla vốn cổ phần chỉ để đạt mức vốn tối thiểu. Theo tính toán của McKinsey (có cả các tổ chức nhỏ hơn), ngân hàng Châu Âu sẽ cần thêm 1,1 nghìn tỷ đôla vốn cổ phần. Ngân hàng Mỹ sẽ phải huy động 870 tỷ đôla.

“Lớp lót” Cocos và Bail-in debt

Nhiều nước đang cân nhắc yêu cầu ngân hàng có thêm “lớp lót” là vốn có thể hoán đổi (convertible capital) và chứng khoán nợ giải cứu khẩn cấp (bail-in debt).

Công cụ vốn có thể hoán đổi, còn gọi là Cocos, là loại đơn giản hơn. Đó là các trái phiếu tự chuyển đổi thành cổ phiếu khi tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng xuống quá thấp.

Cho đến nay, cơ quan điều tiết Thụy Sỹ là nhiệt thành nhất với ý tưởng này. Họ đã yêu cầu hai ngân hàng lớn nhất nắm giữ lượng Cocos tới 9% tổng tài sản đã điều chỉnh theo rủi ro (trong số 19% VCSH). Theo họ, Cocos không chỉ là cách rẻ tiền để ngân hàng tăng dự trữ vốn mà còn khiến họ cẩn trọng hơn, vì cổ đông sẽ lỗ nặng do cổ phiếu bị pha loãng khi Cocos chuyển đổi.

Vẫn có một số lo ngại không rõ nhà đầu tư có mua hàng tỷ đôla Cocos sẽ được phát hành hay không, nhưng dù sao thì hồi tháng 2 Credit Suisse cũng đã huy động được 8 tỷ đôla theo cách này.

Một nguồn vốn nữa của ngân hàng là từ chuyển đổi một phần chứng khoán nợ dài hàn thành cổ phiếu, hay “giải cứu bằng chứng khoán nợ” (bail the debt in). Nó cũng tương tự như Cocos nhưng lý tưởng nhất là áp dụng cho tất cả chứng khoán nợ dài hạn của ngân hàng thay vì chỉ một phần nhỏ, thế nên ắt nó cũng sẽ gây nhiều tranh cãi hơn.

Bất ngờ là nhà đầu tư trái phiếu nhìn chung thích mua trái phiếu có thể bị “bail in” hơn Cocos. Theo cách nhìn của họ, “bail-in debt” chỉ chuyển đổi khi ngân hàng thực sự phá sản và khi ấy thì đằng nào họ cũng lỗ, chứ không phải là khi ngân hàng mới “hấp hối”. Nhưng dù có chuyển sang dùng công cụ nào thì cũng phải mất nhiều năm và chúng còn phải chứng minh được ưu điểm của mình trong một cuộc khủng hoảng nữa.

Minh Tuấn

ngocdiep

Economist

Trở lên trên