Ngân hàng cần bao nhiêu vốn (3): “Chàng béo” thích “lang chạ”
Khủng hoảng tài chính cũng như bệnh AIDS, chủ yếu lây lan do một số “đối tượng” có “liên kết” quá rộng.
- 29-05-2011Ngân hàng cần bao nhiêu vốn (2): “Sống” chưa đủ, còn phải “làm”
- 28-05-2011Ngân hàng cần bao nhiêu vốn (1): Một tấm đệm và ba lớp lót
Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về hệ thống ngân hàng toàn cầu.
“Lớp lót” cho các chàng béo
Khi tư duy về “tấm đệm vốn” mà các ngân hàng lớn trên thế giới phải có, nên coi đó là một loại hình bảo hiểm. Theo Basel 2, các ngân hàng lớn nhất thế giới nhìn chung được phép nắm giữ số vốn nhỏ hơn các ngân hàng nhỏ vì rủi ro của họ được phân tán rộng hơn.
Nhìn chung thì điều đó cũng có phần đúng. Nhiều ngân hàng lớn như HSBC và JPMorgan có công duy trì dòng chảy tín dụng trong khủng hoảng khi các ngân hàng nhỏ hơn tháo chạy. Dù vậy, sự sụp đổ của Lehman và gói giải cứu Citigroup và AIG cũng cho thấy các tổ chức tài chính lớn và liên kết rộng có thể gây tác hại lớn đến đâu nếu chúng đổ vỡ.
Một bài học nữa từ khủng hoảng là cơ quan giám sát nên quan tâm đến không chỉ sức khỏe của từng ngân hàng mà còn của cả toàn hệ thống tài chính. Vẫn có bất đồng về cách đánh giá tính liên kết hay tư duy về “cú sốc hệ thống”, dù vậy các ý kiến đã đi tới thống nhất rằng hệ thống ngân hàng là một hệ thống phức tạp, trong đó rủi ro có thể xuất phát từ những tương tác giữa các ngân hàng thay vì chỉ từ việc một ngân hàng riêng lẻ phá sản.
Lập luận này có nghĩa rằng hệ thống tài chính có thể sụp đổ ngay cả khi phần lớn các ngân hàng về cơ bản vẫn hoạt động tốt. Nó cũng cho thấy một số ngân hàng khỏe mạnh có thể phải giữ nhiều vốn hơn so với mức cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán nhằm bảo đảm cho phần còn lại của hệ thống hoạt động liên tục.
Đã “béo” còn hay “lang chạ”
Nhà kinh tế Andrew Haldane và nhà động vật học Robert May so sánh kinh tế học với sinh học trong một bài báo trên tạp chí Nature và cho rằng các tổ chức tài chính lớn là “những kẻ truyền bệnh nguy hiểm” trong một cơn đại dịch tài chính vì chúng liên kết với quá nhiều thành viên thị trường nhỏ hơn.
Haldane và May cho rằng cũng giống như phần lớn các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV-AIDS đều lây lan do một số ít người sống buông thả, một số ít các ngân hàng tổng hợp cực lớn liên kết với cực nhiều các ngân hàng nhỏ hơn và do đó tạo nên nguy cơ khủng khiếp. Chỉ buộc vài ngân hàng lớn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn hơn có thể giảm mạnh rủi ro trong hệ thống tài chính.
Một giải pháp là buộc các tổ chức tài chính lớn và có tính quan trọng cao đối với toàn hệ thống có thêm một “lớp lót vốn” nữa. Tuy vậy, có rất nhiều ý kiến phản đối “lớp lót” này, đặc biệt là từ các ngân hàng lớn nhất và “buông thả” nhất.
Họ nhận được sự ủng hộ từ cơ quan điều tiết ở vài nước đã gần như thoát được khủng hoảng, như Pháp và Nhật Bản. Những nước này cũng lập luận không kém phần hợp lý rằng chỉ nguyên quy mô là chưa đủ để đánh giá tầm quan trọng đối với toàn hệ thống hay tính rủi ro của ngân hàng.
Ví dụ như các ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đều tập trung vào thị trường nội địa và chủ yếu huy động vốn bằng tiền gửi tại Nhật. Nếu một trong số đó sụp đổ, những gì bên ngoài biên giới nước Nhật sẽ ít bị ảnh hưởng, vì thế buộc tất cả các ngân hàng lớn trên toàn cầu phải giữ thêm một “lớp lót” vốn nữa là không hợp lý.
Cũng có một số ý kiến về mặt lý thuyết phản đối việc đưa ra một danh sách các ngân hàng có tầm quan trọng với toàn hệ thống.Bất kỳ ngân hàng trong danh sách này cũng đều sẽ được xem là quá lớn để sụp đổ và do đó đáng được “giải cứu” nếu cần.
Elijah Brewer từ ĐH DePaul và Julapa Jagtiani từ FED Philadelphia nghiên cứu các vụ sáp nhập ngân hàng tại Mỹ từ năm 1991 đến năm 2004 và phát hiện thấy ngân hàng sẵn sàng trả một khoản phụ trội (premium) đáng kể để tổng tài sản vượt quá con số 100 tỷ đôla (khi ấy được xem là gấp 3 lần mức được coi là “quá lớn để sụp đổ”).
Một nghiên cứu khác của FED New York cho thấy khi danh sách liệt kê 11 ngân hàng Mỹ bị coi là quá lớn để sụp đổ năm 1984, xếp hạng tín dụng của họ tăng và chi phí huy động giảm.
Lợi vẫn nhiều hơn hại
Tuy vậy, lợi thế của “lớp lót vốn” trên vượt trên rủi ro nó mang lại ở ba điểm sau.
Thứ nhất, rất dễ dàng nhận ra ngân hàng nào được coi là quan trọng đối với toàn hệ thống. Cho họ vào một “danh sách” nào đó sẽ chẳng làm mọi chuyện khác đi mấy.
Thứ hai, một “lớp lót vốn” đủ lớn có thể giảm xác suất phải “giải cứu” do năng lực tài chính của ngân hàng được củng cố hơn.
Thứ ba, nếu “lớp lót” đủ dày để triệt tiêu lợi ích từ chi phí huy động thấp do nhận được bảo đảm ngầm từ nhà nước, nó có thể khuyến khích các “đại ngân hàng” trở nên nhỏ gọn và đơn giản hơn.
Khi ấy, mọi chuyện phần lớn phụ thuộc vào độ dày của “lớp lót” trên. Ủy ban Basel có lẽ sẽ đưa ra đề xuất về số vốn các ngân hàng lớn phải giữ thêm vào tháng 6. Con số này có lẽ sẽ vào khoảng 1-3% và chỉ bao gồm các công cụ vốn có thể chuyển đối, một dạng VCSH rẻ hơn nhưng có thể yếu hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Nếu vậy, “lớp lót” sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng, vừa không đủ lớn để giảm rủi ro sụp đổ hệ thống, vừa không đủ “đắt” để khuyến khích các ngân hàng lớn giảm số rủi ro họ gây ra đối với toàn hệ thống.
Gánh nặng nay đặt lên vai cơ quan điều tiết, với nhiệm vụ buộc ngân hàng cắt giảm các nghiệp vụ kinh doanh rủi ro, và có lẽ nên cân nhắc việc tách các hoạt động này khỏi ngân hàng để khiến bất kỳ một vụ sụp đổ nào, nếu có, bớt khủng khiếp hơn.
Minh Tuấn
Theo Economist