MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quỹ ETF trong tháng 5: Không thắng được thị trường!

Một thực tế đáng buồn là các quỹ đầu tư chỉ số ở Việt Nam không thắng được thị trường. Tính từ thời điểm thành lập quỹ, NAV của VNM ETF giảm 17,2%, FTSE ETF giảm 67,9%.

“Sell in May and go away”. Câu ngạn ngữ phố Wall có vẻ đã đúng trên TTCK Việt Nam khi chúng ta phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường đặc biệt từ nửa cuối tháng 5.

Đợt lao dốc của chỉ số chính VN-Index còn do một phần áp lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại đã bán ròng 6 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 263 tỷ đồng từ 20/5 đến 27/5 tạo ra nhiều giả thiết về sự thoái vốn của các quỹ ETF trên thị trường hiện nay.

Xem xét biến động NAV của các ETF so với biến động của chỉ số chính thị trường, chúng ta nhận thấy một thực tế đáng buồn là các quỹ đầu tư chỉ số ở Việt Nam không thắng được thị trường.

Tính từ thời điểm thành lập quỹ, NAV của VNM ETF giảm 17,2%, FTSE ETF giảm 67,9% trong khi VN-Index giảm tương ứng 14,7% và 47,9%.


VNM ETF NAV

FTSE ETF NAV

VNIndex

Tháng 5

-10.8%

-15.1%

-12.2%

Từ đầu 2011

-18.6%

-27.7%

-13.1%

Từ khi lập quỹ

-17.2%

-67.9%

-14,7%, -47,9%


Tính từ đầu năm, trong khi FTSE ETF đã không còn các đợt giải ngân mạnh mẽ như trước nữa, số lượng chứng chỉ quỹ (ccq) chững lại và đi ngang thì quỹ VNM ETF liên tục giải ngân mạnh trên thị trường, thể hiện rõ qua sự gia tăng liên tục của số ccq mới.

Số lượng ccq tăng từ 9,7 triệu lên 13,7 triệu ccq (4 triệu ccq), nếu tính NAV trung bình trong giai đoạn này hơn 20USD/ccq, lượng tiền giải ngân mới của ETF tương đương hơn 80 triệu USD ~ 1.600 tỷ VND.

Trong khi từ đầu năm, toàn bộ giá trị mua ròng của khối ngoại là hơn 2.100 tỷ, thì có thể thấy lượng mua ròng chủ yếu trên thị trường đến từ quỹ ETF của VanEck.


Biến động số lượng cổ phiếu quỹ

Sở dĩ VanEck liên tục huy động được tiền giải ngân mới là vì trong suốt giai đoạn từ cuối quý 3 năm ngoái, giá ccq VNM ETF được giao dịch cao hơn NAV, có thời điểm mức premium này lên đến hơn 15% giúp quỹ này phát hành ccq mới một cách dễ dàng để bán ngay trên TTCK Mỹ hưởng phần chênh lệch thặng dư.



Đối chiếu với thay đổi danh mục trong tháng 5, quỹ VNM ETF vẫn mua ròng mạnh mẽ các cổ phiếu trong rổ. Không có cổ phiếu nào bán ròng, trong đó mua ròng nhiều nhất phải kể đến có 1,2 triệu VCG, gần 1 triệu CTG, hơn 500 nghìn DPM, KLS, hơn 600 nghìn PVS, PVX, PPC, OGC…Và khi số lượng cổ phiếu nắm giữ đã vượt quá 5% vốn điều lệ, VNM ETF trở thành cổ đông lớn của nhiều công ty niêm yết.

Điều này gây chú ý hơn với các giao dịch của quỹ này khi họ phải công bố với Sở GD mặc dù thực tế, những thông tin mua bán đơn thuần chỉ có ý nghĩa thủ tục để thực hiện các giao dịch hàng ngày.

Một quỹ ETF được thành lập bao giờ cũng theo chiến lược đầu tư dài hạn, những hoạt động mua bán ngắn hạn được thực hiện trên thị trường thứ cấp, nơi CT QLQ đóng vai trò như nhà tạo lập thị trường sẵn sàng mua bán tức thời để san lấp mức chênh lệch giữa giá và NAV.

Hoạt động thoái vốn không mong muốn xảy ra khi giá ccq thấp hơn nhiều NAV trong một thời gian dài, đủ để cho một nhóm đầu tư mua trên thị trường thứ cấp và rút vốn trên thị trường sơ cấp hưởng chênh lệch NAV. May mắn là điều này vẫn chưa xảy ra với 2 quỹ ETF trên TTCK Việt Nam.

Thực tế, nếu hiểu được cơ chế huy động hay rút vốn đối chiếu với danh mục nắm giữ, chúng ta sẽ có cái nhìn xác đáng hơn với hoạt động gần đây của các quỹ này.

Cơ chế hoạt động

Một quỹ ETF được xây dựng theo mô hình quỹ mở (open-end fund) khác với quỹ đóng ở khả năng phát hành hay thanh lý chứng chỉ quỹ linh hoạt trong thời gian hoạt động.


Sau khi được UBCK chấp thuận hình thành nên quỹ ETF, Công ty quản lý quỹ (CT QLQ) hay còn gọi là Sponsor thỏa thuận với một ngân hàng thanh toán mua một rổ cổ phiếu trên thị trường địa phương, rồi quy đổi chúng thành các nhóm chứng chỉ quỹ (ccq) được gọi là creation units. 

Mỗi creation units tương ứng với hàng chục đến hàng trăm nghìn ccq (phổ biến là 50.000 ccq như quỹ của VanEck). Các nhóm ccq này sẽ được giao dịch trên thị trường sơ cấp, nơi các nhà đầu tư, thường là NĐT tổ chức mua bán trực tiếp với CT QLQ. 

Giá mua mỗi ccq được xác định bằng giá trị tài sản ròng NAV cộng với các chi phí liên quan. 

Người nắm giữ ccq sẽ có quyền chuyển đổi lấy rổ cổ phiếu hay tiền mặt theo tỷ lệ tương ứng. Danh mục nắm giữ sẽ được cập nhật thường xuyên cho các nhà đầu tư cùng với 2 chỉ số chính là AUM (Tổng tài sản quản lý) và NAV (Giá trị tài sản ròng trên một CCQ).


Giá trị rổ cp được tính bằng giá thị trường nhân với số lượng cp nắm giữ. Cần lưu ý thêm là trong danh mục còn có khoản Tiền mặt mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là tiền huy động chờ giải ngân. Thực chất, mục này chỉ là khoản tiền dôi ra khi quỹ tiến hành cơ cấu danh mục.

Tiền giải ngân mới không nằm trong danh mục của quỹ, mà được ngân hàng thanh toán nắm giữ và mua trực tiếp cp trên thị trường, sau đó lượng cổ phiếu mới lại được quy đổi lại thành các ccq mới. Vì thế để biết được quỹ ETF có giải ngân mới chỉ cần nhìn vào số lượng ccq có tăng hay không.

Ngoài những giao dịch trên thị trường sơ cấp, các ccq này còn được niêm yết trên thị trường thứ cấp là các Sàn giao dịch chứng khoán, nơi có mặt của các NĐT nhỏ lẻ. Lúc này, CT QLQ và các NĐT tổ chức nắm giữ ccq đóng vai trò như nhà phân phối, bán lại ccq trên sàn theo giá thị trường. 

Việc mua bán ngoài mục đích tăng tính thanh khoản cho ccq còn giúp CT QLQ và các NĐT tổ chức có thể kiếm lợi nhuận ngắn hạn thông qua chênh lệch giữa giá thị trường và NAV.

Khi giá > NAV (premium), CT QLQ bán ccq trên thị trường sau đó dùng tiền thu về giải ngân vào rổ cp để tiếp tục quy đổi thành các ccq mới theo NAV. Ngược lại, nếu giá < NAV (discount), CT QLQ mua ccq trên thị trường và bán rổ cp theo NAV để giảm số lượng ccq theo tỷ lệ tương ứng.

Như vậy, với cơ chế khá linh hoạt này chỉ cần thị trường thứ cấp có giao dịch premium, CT QLQ có thể huy động được lượng tiền mới dễ dàng để giải ngân vào rổ cổ phiếu.

Theo Phạm Bách - Chuyên gia phân tích
CTCP Chứng khoán VnDirect

phuongmai

Trở lên trên