MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ngày tàn” của nước Mỹ?

09-06-2011 - 10:38 AM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ hiện nay giống như Anh cách đây 1 thế kỷ - đế chế vẫn đang ở đỉnh cao sức mạnh, quyền lực nhưng dấu hiệu đi xuống bắt đầu.

Cường quốc kinh tế của thế kỷ 20 vươn lên từ Đại Khủng hoảng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng khi văn hóa đi xuống, cấu trúc suy yếu và tình trạng quá phụ thuộc vào tài chính trở nên căng thẳng hơn, nước Mỹ liệu có làm lại được những điều kỳ diệu trước đây?

Tuần trước, nước Mỹ lại đón thêm một tin xấu. Giá nhà tiếp tục giảm, và như vậy giá đã hạ tới 33% so với mức đỉnh; mức giảm này tồi tệ hiếm có trong lịch sử.

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ dù chưa tương đương mức trong thời kỳ Đại Khủng hoảng nhưng 9,1% dân số đang không có việc làm, Nhà Trắng điên đầu với vấn đề này. Vị Tổng thống gần nhất tái đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp trên 7,2% là Franklin Delano Roosevelt.

Nước Mỹ đang đương đầu với nhiều vấn đề. Cứ 6 người Mỹ có 1 người phụ thuộc vào chương trình hỗ trợ của chính phủ để có đủ thức ăn. Cách đây 1 thập kỷ, Mỹ có thặng dư ngân sách, nay chính trị gia nước này đang điên lên với mức thâm hụt ngân sách cũng chả “kém cạnh” so với Hy Lạp. Chính sách tại Washington dường như tê liệt.

Người ta kỳ vọng rằng vấn đề có thể nhanh chóng được giải quyết bởi kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới, duy nhất nước Mỹ có tầm ảnh hưởng quân sự lên toàn cầu, nước sở hữu dự trữ tiền tệ lớn nhất và nước có khả năng tự đổi mới sau mỗi một thế hệ.

Nước Mỹ sở hữu đại học hàng đầu thế giới, thu hút nhân tài xuất sắc nhất từ khắp các nước. Mỹ cũng đi đầu về tiến bộ công nghệ. Như vậy, Mỹ có thể sẽ đi lên mạnh hơn sau cơn ác mộng dài của khủng hoảng dưới chuẩn. Với tiềm lực tài chính mạnh, các công ty Mỹ có thể đầu tư ồ ạt trong vài năm tới.

Nước Mỹ năm 2011 cũng giống như Rome 200 năm sau công nguyên hay Anh trước thềm Chiến tranh Thế giới thứ Nhất: đế chế đang ở đỉnh cao quyền lực nhưng các vết rạn bắt đầu.

Những gì mà Rome và Anh đã trải qua cho thấy thật khó để ngăn xu thế đi xuống một khi nó đã bắt đầu. Có thể kể đến một số dấu hiệu đáng cảnh báo: chênh lệch giàu nghèo ngày một lớn, kinh tế đi xuống, người dân vay nợ quá nhiều và nhiều chính sách một thời phát huy tác dụng tốt nay không còn hiệu quả nữa. Sự suy đồi về văn hóa trong nội tại xã hội Mỹ đang ngày một tồi tệ hơn.

Các đế chế sụp đổ bởi nhiều lý do thế nhưng có một số lý do tồn tại. Ban đầu, người ta sẽ không muốn thừa nhận có quá nhiều điều để lo lắng, trên thực tế có không ít yếu tố đe dọa sắp xếp lại trật tự của thế giới. Trong trường hợp của Anh, đó là Mỹ, trong trường hợp của Mỹ, đó là Trung Quốc.

Sau năm 1914, nước Anh đi xuống thê thảm. Đến năm 1945, nước Anh chỉ có tiếng nói khiêm tốn trong thế giới song cực với sự thống trị của Mỹ và Liên Xô. Đồng bảng Anh, đồng tiền trung tâm của chế độ bản vị vàng thế kỷ 19, đã mất đi sức hấp dẫn trong vai trò đồng tiền dự trữ.

Cần nhớ, từ năm 1851, người ta đã nói đến việc Đức hay Mỹ sẽ có thể sẽ đe dọa sức mạnh bá chủ công nghiệp của Anh. Thế nhưng chính phủ Anh chẳng đưa ra chính sách nào.

Nửa sau thế kỷ 19, trọng tâm kinh tế Anh chuyển hướng, từ khu vực miền Bắc sang miền Nam, từ sản xuất sang tài chính, từ sản xuất sang sống nhờ vào thu nhập từ đầu tư.

Nước Mỹ ngày nay khác nước Anh cách đây 1 thế kỷ trên 2 phương diện. Kinh tế Mỹ có quy mô lớn hơn, như vậy có thể hưởng lợi từ hoạt động kinh tế liên châu lục, Mỹ còn có hiện diện trong các ngành mang tầm quan trọng chiến lược của thế kỷ 21.

Nước Anh năm 1914 quá phụ thuộc vào than đá và đóng tàu, những ngành cực kỳ khó khăn trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới và cho đến nay nước Anh vẫn không hiểu được thực sự tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ mới.

Dù vậy vẫn có điểm tương đồng. Kinh tế Mỹ bao lâu nay cũng chuyển hướng từ sản xuất sang tài chính. Thách thức đối với ngành sản xuất Mỹ đến từ các công ty trên khắp thế giới.

Xét đến sự tương phản rõ rệt giữa quá trình phục hồi kinh tế lần này và mô hình của các lần trước. Thông thường, khi kinh tế Mỹ phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm bởi lãi suất thấp khiến người tiêu dùng chi tiêu và ngành xây dựng xây thêm nhiều ngôi nhà mới.

Lần này mọi chuyện đã khác. Trong những năm kinh tế bùng nổ, hoạt động xây dựng phát triển điên cuồng. Nguồn cung bất động sản thừa mứa thậm chí trước cả khi giá bắt đầu hạ và thất nghiệp cao khiến tình trạng thu hồi nhà còn trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này khó có thể thay đổi trong nhiều năm.

Vài tháng gần đây, kinh tế Mỹ không ngừng đón tin xấu. Sự lạc quan về kinh tế Mỹ nay đã thay thế bởi lo lắng về khả năng kinh tế Mỹ có thể suy thoái lần 2.

Chính sách kinh tế vĩ mô hiện kém hiệu quả hơn bình thường. Ngân hàng Trung ương đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0% trong hơn 2 năm và tung ra 2 gói kích thích lớn, gói thứ 2 chuẩn bị kết thúc. Thâm hụt ngân sách quá cao, các cơ quan xếp hạng tín dụng đua nhau cảnh báo và dọa hạ xếp hạng tín dụng.

Chính phủ Mỹ dù luôn tuyên bố ủng hộ đồng USD mạnh nhưng lại duy trì đồng USD yếu với hy vọng xuất khẩu sẽ bù lại sự sụt giảm của tiêu dùng.

Chính trị gia Mỹ đang hướng nhiều đến tăng trưởng bởi họ lo sợ sự trở lại của thập niên 1930. Phản ứng yếu kém hiện nay cho thấy cấu trúc nước Mỹ hiện còn tệ hơn so với thập nien 1930, cách đây hơn 80 năm.

Chính phủ Mỹ cần giải quyết được tình hình thắt chặt tài chính trong nền kinh tế, đưa ra biện pháp tăng sức chi tiêu của người dân Mỹ, khiến họ giảm phụ thuộc vào nợ, hỗ trợ nhiều hơn cho thị trường nhà đất. Hơn hết, nước Mỹ cần tìm lại những tố chất đã giúp Mỹ trở nên hùng mạnh. Điều đó không phải dễ.

Ngọc Diệp
Theo Telegraph

ngocdiep

Trở lên trên