MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản: Có phải muốn là được!

Khác với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đôi khi muốn phá sản cũng không dễ.

Câu chuyện lùm xùm về Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã chứng khoán BBT) từ báo cáo lãi chuyển sang lỗ, tình trạng nội bộ rối ren cộng với tài chính kiệt quệ, để rồi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết 2 năm trước đã trở thành một giai thoại trong làng chứng khoán Việt Nam.

Thế nhưng, sau khi bị hủy niêm yết, công ty này cho đến nay vẫn tiếp tục hoạt động. Câu chuyện này dần chìm vào quên lãng, giới đầu tư cũng không còn biết thực trạng công ty giờ ra sao. Chỉ có điều chắc chắn là Bông Bạch Tuyết vẫn không phá sản.

Ngày 15.3 vừa qua, thị trường chứng khoán lại thêm một phen xôn xao vì sự kiện Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cadovimex (mã chứng khoán CAD) trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM họp báo công bố tình hình của doanh nghiệp. Rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng tựu trung là doanh nghiệp hiện đứng trên bờ vực phá sản.

Sau 11 năm kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, CAD là công ty thứ 2 sau BBT tuyên bố có khả năng phá sản. Vụ việc này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp đang làm ăn yếu kém.

Manh nha phá sản

Một trong những nguyên nhân góp phần vào khó khăn của doanh nghiệp là việc lãi suất liên tục tăng cao. Trung tuần tháng 5.2011, Bản tin Tài chính của VTV đưa tin mức lãi suất cho vay của các ngân hàng đã lên tới 25-27%. Với lãi suất như vậy, làm một phép toán đơn giản cũng thấy sự nhọc nhằn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỉ lệ nợ cao. Chính vì thế, không quá bất ngờ nếu như doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, bán bớt tài sản để giảm tỉ lệ nợ xuống mức an toàn, tránh khỏi phá sản.

Trong năm 2010, nhiều công ty như Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (DDM) hay Dược Viễn Đông (DVD) đã buộc phải bán bớt tài sản để thanh toán các khoản lãi vay đang treo lơ lửng trên đầu. Không chỉ riêng các doanh nghiệp nói trên, các doanh nghiệp niêm yết hay không niêm yết nếu sử dụng nhiều nợ vay, quản lý tài chính không hiệu quả thì việc lỗ và thậm chí phá sản là hệ quả khó tránh.

Ở nước ngoài, phá sản là chuyện bình thường. Thậm chí việc nộp đơn xin phá sản giúp cho doanh nghiệp hay cá nhân có một sự khởi đầu mới, cho phép họ cơ cấu lại các khoản nợ, giảm trừ những tổn thất nặng nề hơn.

Nhưng đó là chuyện ở trời Tây, còn đối với Việt Nam, phá sản là cụm từ vô cùng nặng nề và là đỉnh điểm của sự đổ vỡ về tình hình tài chính của tổ chức hay cá nhân. Doanh nghiệp Việt Nam cũng khác với doanh nghiệp nước ngoài, đôi khi muốn phá sản cũng không dễ.

Giữa muôn trùng khó!

Khi đệ đơn phá sản, không chỉ có doanh nghiệp gặp phiền toái, mà thậm chí đến các cơ quản lý hay tòa án cũng gặp khó khăn trong việc thụ lý hồ sơ phá sản của doanh nghiệp. Đơn cử như việc ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản. Luật Phá sản mới nhất năm 2004 có quy định rõ, tòa án chỉ có 30 ngày để ra quyết định trên, nhưng trên thực tế hồ sơ của doanh nghiệp khi đến tay thẩm phán trực tiếp thì thời hạn còn lại không đủ 30 ngày.

Thêm vào đó, để ban hành được một quyết định mở thủ tục phá sản đúng, thẩm phán phải triệu tập cuộc họp với doanh nghiệp và các bên có liên quan để xem xét chứng cứ liên quan đến tình trạng phá sản của doanh nghiệp. Đương nhiên với thời hạn chưa đầy một tháng, việc nghiên cứu, xem xét hồ sơ cũng như tổ chức các buổi gặp mặt là khó khả thi.

Mặt khác, Luật Phá sản cũng chưa quy định rõ ràng thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp phá sản, gây khó khăn trong việc thanh lý và quản lý tài sản nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản công nợ hay nợ tín dụng ngân hàng.

Trong khi Luật chưa thể sửa đổi thì tòa án thường “khuyến khích” các doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục kiểm toán và thẩm định giá trị tài sản, chia sẻ bớt “công việc” cho tòa án. Nhưng một khi chưa phải là yêu cầu bắt buộc, liệu có doanh nghiệp nào đang chuẩn bị phá sản lại thiết tha việc chia sẻ gánh nặng cho tòa án?

Đó là về mặt thủ tục hành chính, còn trên thực tế, nhiều đơn vị liên quan khác như chủ nợ (điển hình là ngân hàng), cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý trên thị trường chứng khoán chẳng ai muốn doanh nghiệp bị phá sản. Do đó, tất cả những đơn vị này thường tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp với mong muốn doanh nghiệp không bị phá sản.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 2 Sở Giao dịch Chứng khoán chắc chắn không bao giờ muốn chứng kiến doanh nghiệp niêm yết lại lâm vào tình cảnh bi đát như BBT, CAD… Bởi một công ty bị phá sản không những tạo tiền lệ xấu trên thị trường chứng khoán mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng nếu như cổ phiếu bị hủy niêm yết. Nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Đối với ngân hàng là chủ nợ của doanh nghiệp, tin phá sản của doanh nghiệp không thể là điều tốt lành vì dù có phát mãi tài sản đủ bù vào chỗ nợ của doanh nghiệp đi chăng nữa thì ngân hàng cũng phải chịu bao phiền phức.

Trong tình thế cực chẳng đã đó, ngân hàng thường chọn phương pháp ít tổn thương hơn là thỏa thuận lại với chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ngân hàng có thể tìm thấy lối ra bằng cách trở thành cổ đông của công ty đó (một cách bất đắc dĩ) hoặc rao bán lại số nợ cho bên thứ 3.

Đối với doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con hoặc có cơ quan chủ quản thì có vẻ dễ thở hơn, bởi công ty mẹ sẽ phải ra tay giúp đỡ, tránh gây nên hiệu ứng đôminô trong hệ thống các doanh nghiệp mà công ty mẹ đang quản lý.

Khó phá sản nhất có lẽ là các ngân hàng. Trong giai đoạn suy giảm kinh tế trong nước, nhiều ngân hàng thương mại nhỏ cũng bị đuối sức. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào phá sản.

Rõ ràng, Việt Nam đang sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính để nâng đỡ nền kinh tế. Không thể phủ nhận trong thời điểm hiện nay sự trợ giúp từ “bàn tay hữu hình” này là điều cần thiết, nhưng đến khi nền kinh tế bước sang một trang mới, Nhà nước bắt buộc phải rút bớt những tác động của biện pháp hành chính để nền kinh tế phát triển theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường. Đến lúc đó những doanh nghiệp yếu kém có lẽ chỉ còn cách con đường phá sản một gang tay.

Theo Đỗ Lê Phương
NCĐT

thanhtu

Trở lên trên