MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỹ nghệ lách lãi suất huy động của ngân hàng

16-06-2011 - 08:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Đến ngày thanh toán gốc và lãi NH không thanh toán, dẫn tới việc NH sẽ bị phạt chậm trả để số tiền phạt đúng bằng chênh lệch lãi suất 14% và lãi suất thực mà NH áp dụng.

Dù Ngân hàng Nhà nước khống chế mức lãi suất trần huy động VND là 14% nhưng thực tế, các ngân hàng có rất nhiều cách lách để đẩy lãi suất huy động lên 19-21%/năm nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Hệ quả là hạch toán của ngân hàng, doanh nghiệp trở nên méo mó...

"Quên" thanh toán để... chịu phạt

Theo quy định hiện nay, lãi suất trần huy động VND được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 14%/năm và không khó khăn để nhận thấy mức lãi suất này được niêm yết tại bất kỳ một phòng giao dịch của bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, khi bước vào trong, khách hàng sẽ được chào mời với các mức lãi suất rất khác nhau.

Cuối tháng 5 vừa qua, có được các khoản tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng, anh H ở Từ Liêm được nhân viên ngân hàng V giới thiệu mức lãi suất khá hấp dẫn 18,3%/năm nên đã quyết định gửi vào ngân hàng này với kỳ hạn 3 tháng dưới hình thức làm hợp đồng uỷ thác đầu tư. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau, anh tỏ ra nuối tiếc khi lãi suất lần lượt đẩy lên 19 rồi 19,5%/năm.

Đầu tháng 3/2011, có được khoản tiền nhàn rỗi hơn 2 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị K. ở Sơn Tây quyết định gửi vào ngân hàng B. với mức lãi suất 14%/năm với thời hạn 3 tháng.

Đầu tháng 6 vừa qua, khi nghe con gái thông tin về lãi suất cao tại các ngân hàng ở trung tâm Hà Nội, trong khi lãi suất ở ngân hàng B vẫn không đổi, bà K. đã quyết định rút toàn bộ số tiền này gửi vào ngân hàng V, chi nhánh Hà Nội.

Tại đây, các nhân viện giao dịch giải thích lãi suất mà bà K được hưởng là 19,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng nhưng phải ký hợp đồng uỷ thác đầu tư. Trong hợp đồng này, lãi suất uỷ thác bằng đúng mức lãi suất mà ngân hàng cam kết cho khách hàng, trong khi phí uỷ thác ở mức 0%/năm.

Tuy nhiên, khi ra về, bà K chỉ được cầm giấy xác nhận của ngân hàng đã nhận số tiền trên theo hợp đồng uỷ thác đầu tư mà không được cầm hợp đồng như trường hợp của anh H.

Theo chị N, em gái của chị vừa gửi tại ngân hàng T số tiền 200 triệu đồng và được ngân hàng này thanh toán luôn mức lãi suất chênh lệch so với mức 14%/năm ghi trên sổ tiết kiệm. Trong khi đó tại ngân hàng M, khách hàng sẽ được ngân hàng lập cho một tài khoản và ngân hàng này cam kết chuyển phần lãi chênh lệch vào tài khoản đó.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, hình thức phạt chậm trả cũng đang được một số ngân hàng áp dụng để lách lãi suất. Cụ thể, nhân viên ngân hàng sẽ giải thích cho khách hàng về việc đến thời hạn ghi trên sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ không thanh toán lãi và gốc, dẫn tới việc ngân hàng sẽ bị phạt chậm trả để sao cho số tiền phạt đúng bằng số chênh lệch giữa lãi suất 14% và lãi suất thực mà ngân hàng áp dụng cho khách hàng.

"Có ngân hàng nào đến mức độ đến ngày trả cho khách rồi mà quên không trả gốc và lãi cho khách không ? Xét về mặt quản lý, ngân hàng quản lý rủi ro rất kém. Trong một ngày có hàng trăm khách hàng bị ngân hàng quên trả gốc và lãi" - vị chuyên gia này phân tích sự bất hợp lý trong hình thức lách trần lãi suất bằng phạt chậm trả.

Nhắm mắt đua để đảm bảo thanh khoản

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank, nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc đua lách lãi suất trần huy động là yếu tố thanh khoản, trong đó việc các ngân hàng thương mại đang cho vay và đầu tư ở những kỳ hạn chưa hợp lý và lệch pha với nguồn huy động nên rất dễ rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản. Bên cạnh đó, việc người gửi tiền có thể tự do rút tiền trước hạn (có thể phải chịu lãi suất không kỳ hạn), trong khi ngân hàng không thể tự ý trả trước hạn cũng có thể khiến ngân hàng gặp khó và nâng lãi suất để đảm bảo thanh khoản.

Trên thực tế, ông Hải cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước có can thiệp bằng việc quy định lãi suất trần và kiểm tra gắt gao thì dù không muốn, các ngân hàng vẫn phải tìm cách lách để tăng cường huy động để giữ khách, tránh rủi ro về thanh khoản, chấp nhận áp lực về quản lý cũng như việc hợp thức hoá các khoản chênh lệch lãi suất. Do vậy, cuộc đua về lãi suất chuyển từ trạng thái công khai, sang ngấm ngầm và cơ quan quản lý dù biết nhưng chưa thể mạnh tay.

Hệ quả của cuộc đua ngầm này là lãi suất trần không phản ánh thực tế thị trường cũng như mất tác dụng, trong khi hạch toán của ngân hàng, doanh nghiệp trở nên méo mó, người gửi tiền bị đối xử không công bằng...

Theo Quỳnh Trang

VnMedia

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên