MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điều cần biết về khủng hoảng nợ tại Hy Lạp

18-06-2011 - 00:17 AM | Tài chính quốc tế

Vấn đề tại Hy Lạp tồi tệ đến đâu? Liệu các vấn đề tại Hy Lạp hiện nay có thể lan ra eurozone và tấn công nước Mỹ giống như thảm họa Lehman Brothers năm 2008?

Đối với nhà đầu tư, từ một thiên đường nghỉ dưỡng, Hy Lạp nay đã trở thành ác mộng tài chính.

Một lần nữa, khủng hoảng nợ Hy Lạp đang khiến các thị trường toàn cầu chấn động. Các thông tin về tình hình bất ổn tại Hy Lạp tác động xấu đến thị trường chứng khoán Mỹ ở thời điểm người Mỹ cũng đang khốn khổ với những vấn đề tài khóa của riêng họ.

Vậy vấn đề tại Hy Lạp tồi tệ đến đâu? Liệu các vấn đề tồi tệ tại Hy Lạp hiện nay có thể lan ra các nước khác thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và tấn công nước Mỹ giống như thảm họa Lehman Brothers năm 2008? Hay người ta thực ra lo lắng thái quá.

Dưới đây là 5 điểm cần biết về Hy Lạp:

Hy Lạp không phải duy nhất

Những vấn đề đang khiến Hy Lạp khốn khổ cũng chính là cái mà nhiều nước láng giềng đang đương đầu, khủng hoảng nợ có thể lan từ các ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu ra toàn thế giới. Hy Lạp có thể in tiền trả nợ và đồng nghĩa như vậy cũng hạ giá đồng tiền mạnh tay.

Tuy nhiên Hy Lạp không thể làm như vậy. Người ta đang nói nhiều hơn đến việc Hy Lạp quay lại dùng đồng drachma, đồng nội tệ trước đây của Hy Lạp.

Vấn đề ở đây là các ngân hàng đang cho Hy Lạp vay nợ có huy động lượng tiền không nhỏ từ các quỹ tiền tệ tại Mỹ.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng cho đến nay đã đưa ra cảnh báo với 3 ngân hàng lớn của châu Âu về việc cho Hy Lạp vay tiền.

“Căn bệnh” đang lây lan

Cần nhìn vào lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp Liên minh châu Âu để có thể thấy mọi chuyện đang rất xấu: Lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm tại Tây Ban Nha là 5,7%; của Bồ Đào Nha là 10,34%; Hy Lạp 17,58%.

Khủng hoảng Hy Lạp đang tác động xấu đến giá trị của đồng euro một thời lên giá mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ khắp các nước trong khu vực tăng lên cao.

Ông David Rosenberg, chiến lược gia kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Gluskin Sheff, nhận xét: “Liên minh châu Âu đã thất bại trong kiềm chế khủng hoảng nợ Hy Lạp. Bài học từ lịch sử cho thấy hiệu ứng dây chuyền sẽ xảy ra.”

Ông Rosenberg nhấn mạnh biến động trên thị trường tiền tệ và chỉ ra thanh khoản, từng bốc hơi sau khủng hoảng Lehman, hiện nay đang sụt giảm không chỉ tại châu Âu mà trên khắp thế giới.

Ông nói: “Khi chúng ta chứng kiến con thuyền châu Âu đang chìm, tình hình tại Mỹ cũng tồi tệ, các cuộc tranh cãi về trần nợ không còn thu hút quá nhiều sự quan tâm như trước.”

Khủng hoảng châu Âu có thể được coi như yếu tố cảnh báo cho những gì sẽ xảy ra tại Mỹ nếu nước này không giải quyết tốt vấn đề nợ nần.

“Thuốc tồi”: Hy Lạp sẽ tái cơ cấu

Các quan chức chính phủ châu Âu và chuyên gia tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra kế hoạch với tính toán trước về những gì có thể xảy ra: Hy Lạp sẽ phải tái cơ cấu nợ, trái chủ phải chịu thiệt hại đáng kể.

Các ngân hàng hiện đang cho Hy Lạp vay tiền là đối tượng không muốn điều này xảy ra nhất. IMF nhiều khả năng sẽ dành thêm 12 tỷ euro cho Hy Lạp, tính trước về khả năng tái cơ cấu sẽ xảy ra trong từ một hoặc hai tháng tới.

Ông Jonathan Loynes, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London, nhận xét: “Dù việc có thêm một gói giải cứu sẽ có thể ngăn được thảm họa trong ngắn hạn, đến mức độ nào đó, khả năng tái cơ cấu không thể tránh khỏi, tương lai Hy Lạp tiếp tục tồn tại trong liên minh tiền tệ còn đáng nghi ngờ hơn.”

Các nhà hoạch định chính sách hiện tại có thể đưa ra thêm các biện pháp cần thiết để giải quyết tình hình.

Ông Loynes nói: “Nếu các vấn đề chính trị và xã hội tiếp tục, áp lực buộc thị trường đưa ra giải pháp sẽ lớn hơn. Thế nhưng ngay cả khi áp lực giảm bớt và vào tháng sau có thỏa thuận nào được đưa ra, cũng sẽ chẳng có giải pháp nào được đưa ra để giải quyết các vấn đề kinh tế và tài khóa của Hy Lạp.”

Nỗi lo lớn về kinh tế toàn cầu

Bất chấp những gì đã xảy ra với khu vực đồng tiền chung châu Âu trong 18 tháng qua, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, thị trường đã tăng gần 13% từ tháng 1/2010.

Có 3 lý do chính đằng sau sự tăng điểm của thị trường: chương trình bơm thanh khoản của Fed, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vững vàng, niềm tin nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu không phải mối lo lớn.

Khi niềm tin đi xuống, thị trường đương đầu với khoảng thời gian khó khăn hơn.

Ông James Paulsen, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Wells Capital Management, nhận xét: “Nếu kinh tế Mỹ và nhóm nước phát triển tiếp tục tăng trưởng dưới mức 2%, khi đó có thể coi mỗi lo xung quanh tình hình Hy Lạp và châu Âu đã hơi quá.” Một số chuyên gia lạc quan như Paulsen vẫn tin hoàn toàn có thể kiềm chế được tình hình.”

Tâm lý đám đông

Hãy quên đi mức trần nợ 14,5 nghìn tỷ USD và thâm hụt ngân sách 1,3 nghìn tỷ USD của Mỹ cũng như sự sụp đổ của các mong muốn chính trị để đưa ra giải pháp thực cho vấn đề tài kháo của Mỹ. Hành vi của đám đông có thể quyết định biến động của thị trường.

Ông Nicholas Colas, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại ConvergEx, phân tích hành vi của đám đông, áp dụng với trường hợp của Hy Lạp và khẳng định tâm lý hành động theo số đông của nhà đầu tư tiềm ẩn rủi ro với thị trường.

Đình Hảo - Ngọc Diệp
Theo CNBC

ngocdiep

Trở lên trên