MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ANZ: Tiền đồng vẫn chịu áp lực hạ giá khoảng 3% - 4%

ANZ đánh giá rằng chính sách lãi suất và ổn định thị trường ngoại hối của Việt Nam đang đi đúng hướng và phát huy tác dụng tích cực.

GDP của Việt Nam quý 2/2011 tăng 5,7%; tăng 0,3% so với quý 1/2011, nhưng thấp hơn 0,5% so với quý 2/2010.

Tuy nhiên tính cả quý 2/2011, tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ không thay đổi so với con số 14,3% của quý 1/2011. Sản xuất công nghiệp thực của tháng 6/2011 tăng trưởng 13,1% so với tháng 6/2010; thấp hơn so với mức tăng trưởng 16,1% của tháng 5/2011. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của tháng 6/2011 cũng hạ xuống còn 21,9%.

Quý 2/2011, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng lần lượt 25,1% và 24,3% (so với cùng kỳ); thấp hơn so với con số 35,8% và 29,6% trong quý 1/2011. Xuất khẩu tháng 6/2011 tăng 23,4% (xuất khẩu vàng tăng mạnh); cao hơn so với mức tăng 14,5% trong tháng 5/2011.

Tăng trưởng nhập khẩu tháng 6/2011 giảm xuống chỉ còn 16,2% từ mức 20,4% trong tháng 5/2011 bởi nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt đồng loạt giảm. Thâm hụt thương mại tháng 6/2011 hạ mạnh xuống 406 triệu USD từ mức 1,4 tỷ USD của tháng 5/2011.

Tháng 6/2011, CPI tăng 20,8% so với cùng kỳ từ mức 19,8% của tháng 5/2011. Giá các loại thực phẩm tăng 30,2% và đóng góp 12% vào mức tăng của lạm phát nói chung. Giá cả dịch vụ giao thông tăng 20,3% còn giá nhà đất và vật liệu xây dựng tăng 21,7%.

Kinh tế Việt Nam quý 2/2011 tăng trưởng chậm hơn bởi tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng giảm, hậu quả trực tiếp của các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dấu hiệu này có thể coi như tích cực bởi nó cho thấy chính phủ đang đi đúng hướng trong việc bình ổn nền kinh tế. GDP Việt Nam năm 2011 có thể tăng trưởng 5,9%, thấp hơn so với mức 6,8% trong năm 2010.

Áp lực lạm phát tuy nhiên vẫn còn tồn tại và chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2012. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 là 6% và lạm phát 15%.

Dự báo về tỷ giá tiền đồng

Tỷ giá tiền đồng dự kiến sẽ vẫn ổn định trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2011. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn còn, tiền đồng có thể được điều chỉnh hạ giá thêm một lần nữa vào quý 1/2012.

Một số chỉ báo gần đây cho thấy các biện pháp bình ổn thị trường ngoại hối và khôi phục niềm tin vào tiền đồng đang phát huy tác dụng tích cực. Từ đợt hạ giá tiền đồng vào tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng một số loại lãi suất chính thức thêm 500 điểm cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền USD thêm 600 điểm cơ bản. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi tiền USD đã bị giới hạn ở mức 2% đối với người gửi tiền cá nhân và 0,5% với tổ chức. Kết hợp với một số biện pháp hành chính khác, các chính sách này đã giúp giảm nhu cầu USD nội địa.

Tuy nhiên, tiền đồng Việt Nam được dự báo sẽ vẫn hạ giá trong năm 2012, mức độ hạ giá khoảng 3 đến 4% trong quý 1/2012. Dù đã hạ giá tới 30% so với đồng USD từ đầu năm 2008 đến nay, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn chưa vững. CPI vẫn tăng nóng, hiện nay lên tới 20,8% so với cùng kỳ trong khi mức tăng so với cùng kỳ của thời điểm này năm 2010 chỉ là 8,7%.

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng lạm phát tại Việt Nam sẽ lập đỉnh vào quý 3/2011 nhưng sau đó sẽ vẫn ở mức 2 con số cho đến năm 2012. Diễn biến này sẽ vẫn sẽ khiến nhu cầu đối với USD tăng.

Để kiềm chế lạm phát và khôi phục cán cân thanh toán, chính phủ Việt Nam cần giảm được nhu cầu nội địa. Nửa đầu năm 2011, kinh tế chỉ tăng trưởng được 5,6% trong khi đó mức trung bình của 5 năm đạt 6,4%. ANZ vẫn thiên về dự báo tỷ giá USD/VND tăng.

ANZ cho rằng để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nâng các loại lãi suất chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản trong tháng 7/2011.

Ngọc Diệp
Theo ANZ

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên