MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT: Chờ ý kiến Chính phủ về việc giải quyết 708 tỷ đồng tiền đặt cọc cho EVN

21-07-2011 - 15:21 PM | Doanh nghiệp

FPT dự kiến EPS năm nay là 8.300 đồng - tăng 30% so với mức 6.500 đồng của năm 2010.

Đó là những kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011, mà lãnh đạo của FPT đã chia sẻ với báo chí trong buổi họp công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011 của FPT ngày 21/7/2011.

Việc hoán đổi cổ phần có ảnh hưởng như thế nào đến EPS của Công ty, dự kiến mức EPS năm 2011 như thế nào? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động vốn của FPT gặp phải khó khăn gì không?

Ông Nguyễn Thế Phương –Phó Tổng Giám đốc FPT: Như  phương án tái cấu trúc của Công ty tư vấn Bản Việt đã trình ĐHCĐ và đã được  ĐHĐCĐ nhất trí thông qua, thì bản thân việc phát hành cổ phần ra công chúng không làm pha loãng EPS. Bởi vì thu nhập của các cổ đông thiểu số trước đây mang lại đã đủ bù đắp cho FPT phát hành ra trên 19 triệu cổ phần để tiến hành hoán đổi.

Đối với kế hoạch EPS 2011: Kế hoạch tăng trưởng mới  của FPT được nâng từ 20% lên 30%, vì vậy dự kiến kế hoạch tăng trưởng EPS năm nay cũng tăng trưởng tương ứng khoảng 30%. Năm 2010, EPS của FPT đạt năm 6500, thì năm 2011 dự kiến đạt khoảng 8.300 đồng. Việc tạm ứng cổ tức khi có kết quả kiểm toán 6 tháng đầu năm tới đây sẽ có mức cổ tức cụ thể.

Đến nay, trong bảng cân đối kế toán của FPT thì tổng vốn chủ sở hữu khoảng 4.000 tỷ đồng, tổng nợ dài hạn  khoảng 1.800 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng. Chỉ số nợ là khá thấp do đó việc gọi vốn cho sản xuất kinh doanh khá dễ dàng, các tố chức quốc tế rất mong muốn hỗ trợ FPT do đó không gặp khó khăn gì.

Chiến lược kinh doanh của FPT Telecom trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Phương –Phó TGĐ: Chiến lược của FPT Telecom là xây dựng hạ tầng và kinh doanh băng thông rộng. Để FPT Telecom có thể mở rộng kinh doanh dịch vụ trên hệ thống cáp của mình, trong 6 tháng đầu năm công ty này đã khởi  động cáp đường trục trên toàn quốc, bao gồm có hai trục quan trọng là trục phía Bắc và trục phía Nam.

Về mạng liên kết quốc tế như mở rộng cổng kết nối quốc tế Việt -Trung để đảm bảo chất lượng, và nâng cao dung lượng, tăng kinh doanh dịch vụ cho FPT telecom. Nâng cấp hạ tầng cáp quang xuyên Á, một trong những tuyến cáp đầu tiên FPT telecom kết nối ra quốc tế.

Chiến lược mở rộng thị trường của FPT telecom trong 6 tháng đầu năm, ngoài việc mở rộng ra các tỉnh trong nước. Đầu tháng 4 năm 2011, FPT telecom đã trở thành đối tác của hai công ty viễn thông của Lào. Dự kiến tháng 8 tới đây sẽ cung cấp các dịch vụ viễn thông với 2 công ty viễn thông này.

Thị trường Viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt, một số đơn vị khai thác đều có chiến lược mới như Vietel, CMC hoạt động mạnh, điều này ảnh hưởng đến FPT thế nào?

Ông Trương Đình Anh – Tổng Giám đốc: Thị trường viễn thông thì cạnh tranh rất khốc liệt từ nhiều năm nay, chứ không chỉ riêng năm 2011. FPT cũng đã cạnh tranh rất khốc liệt trên toàn địa bàn, trong nhiều năm qua đã sống sót và tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2011 bản thân FPT telecom vẫn tăng trưởng doanh thu 35% và lợi nhuận khoảng 24%.

Các nhà khai thác tại Việt Nam đã triển khai mạng 3G thì cũng phần nào đó đã ảnh hưởng đến thị phần của mảng cố định. Bản thân FPT cũng đã nhận thấy áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ mảng 3G.

FPT cũng nhận thấy với tốc độ đường truyền của mảng cố định hiện nay thì cũng khó có thể cạnh tranh với 3G. Tuy nhiên, với chiến lược nâng cấp toàn diện dịch vụ này , đặc biệt là những phân khúc thị trường quan trọng như Hà Nội và Tp.HCM, với chuẩn VDSL. 6 tháng cuối năm 2011 có thể triển khai đại trà dịch vụ này. FPT telecom hiện nay chưa có giấy phép kinh doanh di động, nên FPT cũng đang nổ lực kinh doanh trong phân khúc kết nối cố định

Thương vụ EVN giải quyết thế nào?

Ông Trương Đình Anh: Đây là bài toán rất đau đầu, quý 2 năm 2011, FPT đã thương lượng với EVN, cách đây khoảng 1 tuần FPT đã đạt được thỏa thuận sơ bộ. Cả hai bên đã thống nhất một công văn chung gửi Thủ tướng chính phủ về việc hoàn trả lại khoản tiền đặt cọc, và hiện đang chờ ý kiến của Chính phủ về vấn đề này.

Trên thực tế thì FPT và EVN đã ký kết với nhau nhiều văn bản, vì thế không có lý do gì để có thể mất tiền đặt cọc. Với thỏa thuận hai bên đã ký vào năm 2010 liên quan đến việc FPT mua 60% cổ phần của EVN telecom, nhưng bị vướng mắc một số quy định của pháp luật nên thương vụ không thành công.

Chẳng hạn như Chính phủ  chỉ cho phép EVN bán tối đa 49% cổ phần của EVN telecom, điều này đã không phù hợp với Hợp đồng mà hai bên đã ký. Bên cạnh đó, Nghị định số 25 được Chính phủ ban hành vào 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó có liên quan đến việc sở hữu cổ phần tại các công ty viễn thông. Một doanh nghiệp đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một đơn vị viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn cổ phần của đơn vị viễn thông khác. Trong khi đó, hiên FPT đang sở hữu 43,6% FPT telecom, do đó, thương vụ mua bán này cũng không phù hợp với pháp luật.

Trong thời gian sớm nhất có thể FPT sẽ thu hồi khoản tiền này, bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất cao, thì nếu có được 708 tỷ đồng điều đó cũng sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cho FPT.

Nokia có chính sách mới thay đổi về phân vùng kinh doanh phân phối, ảnh hưởng đến FPT như thế nào?

Ông Trương Đình Anh: Trước đây Nokia có 3 nhà phân phối là Petrosetco, FPT và một doanh nghiệp nữa…ba đơn vị này phân phối trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và cạnh tranh trên toàn bộ lãnh thổ. Sau khi Nokia gặp phải cạnh tranh từ những nhà khai thác khác và Nokia đã thay đổi chiến lược. Đó là từ phân vùng lãnh thổ phân phối, FPT được phân phối từ Đà Nẵng trở ra, còn 2 đơn vị còn lại phân phối từ Đà Nẵng trở vào.

Ngoài ra FPT còn được quyền quản lý các chuỗi bán lẻ quan trọng, trên thực tế 6 tháng đầu năm 2011, đã vận hành tốt và kết quả đạt được khá tốt thể hiện rất rõ trong việc chiếm giữ thị phần nhiều hơn.
Hiện nay, FPT là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nokia tại Việt Nam. FPT sẽ đẩy mạnh hoạt động phân phối các sản phẩm của Nokia, đặc biệt trong 2012 hi vọng Nokia sẽ khai trương nhà máy tại Bắc Ninh ngoài những sản phẩm điện thoại, sẽ tạo được những bước phát triển mới.

Ông có thể nói rõ hơn về hợp tác kinh doanh với hai công ty viễn thông tại Lào, các dịch vụ mà FPT cung cấp tại Lào như thế nào? Kế hoạch kinh doanh trên thị trường quốc tế của FPT như thế nào?

Ông Trương Đình Anh: Tại thị trường Lào liên quan đến FPT telecom, trong 3 năm qua đã đặt ra vấn đề kinh doanh thị trường quốc tế. Công thức kinh doanh của FPT tại thị trường quốc tế được chia thành một số giai đoạn như

Giai đoạn đầu FPT xây dựng kết nối D Core đến đường biên, và ứng dụng tại đường biên FPT cung cấp dung lượng Ip, dung lượng viễn thông cho các nhà khai thác ở đó. Nước đầu tiên FPT làm là Campuchia, 3 năm qua cho đên nay thì FPT đã tạo ra được cuộc cách mạng về băng thông tại Cawmpuchia. Trước đây, giá của 1 megabit băng thông quốc tế tại Campuchia khoảng 1.000 USD thì đến này đã giảm xuống còn khoảng 300 USD, tạo ra cơ hội kết nối băng thông internet cho nhân dân Campuchia. Hiện nay FPT cung cấp khoảng ½ thị phần băng thông quốc tế tại Cămpuchia

Giai đoạn đoạn tiếp theo, FPT sẽ mua lại Công ty khai thác dịch vụ tại Campuchia và cung cấp trực tiếp dịch vụ này.

Đối với thị trường Lào, thì FPT cũng sẽ xây dựng các giai đoạn tương tự như đã thành công ở Campuchia. Một trong những bằng chứng cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế đó là Công ty FPT Software có đến 90% doanh thu là từ việc cung ứng dịch vụ ra thị trường quốc tế. Trong 3 năm gần đây, một đơn vị khác của FPT cũng đã có được bước tiến quan trọng trên thị trường quốc tế là FPT hệ thống thông tin như ở Nhật Bản, Trung cận Đông,…thông qua đó để FPT cung cấp dịch vụ toàn diện đến những thị trường này.

Ở một số lĩnh vực tại Việt Nam FPT đang chiếm thị phần khá lớn, nên cách tốt nhất và phải ra quốc tế để có bước tăng trưởng mới. Tuy nhiên, không phải là đơn giản vì còn nhiều bước cản như văn hóa, trình độ nhân viên, ngôn ngữ…

Gia Hân (ghi)

thuatvk

Trở lên trên