MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân nghĩa: Nợ xấu của ngành NH theo chuẩn quốc tế có thể là 6%

29-07-2011 - 16:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu của ngành ngân hàng VN tính đến cuối tháng 6/2011 là 3%, nhưng nếu chiếu theo chuẩn quốc tế thì có thể là 6% và cần thận trọng với rủi ro tín dụng BĐS.

Lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng hiện vẫn cao hơn trần quy định, gây sức ép lên thanh khoản. Đồng thời, mục tiêu bằng mọi giá phải hạ dư nợ tín dụng phi sản xuất sẽ gây sức ép lên lợi nhuận, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng tăng, nhất là đối với tín dụng bất động sản.

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư sáng 28/7 tại TP. HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng,tổng nợ xấu của ngành ngân hàng tính đến tháng 6/2011 vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm qua tăng lên 3,1% vào cuối tháng 6/2011, trong đó nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%.

Đáng chú ý là với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ vốn các nhà băng cho vay vào khu vực này tính đến tháng 3/2011 chiếm khoảng 10,8% trong tổng dư nợ, so với Thái Lan chỉ có 6% và Malaysia là 7%. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu đối với tín dụng bất động sản ở Việt Nam đã chiếm 4% trong tổng dư nợ bất động sản.

"Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối tháng 6/2011 là 3%, nhưng nếu chiếu theo chuẩn quốc tế thì có thể là 6%", ông Nghĩa nói và cho rằng, cần thận trọng với rủi ro tín dụng bất động sản.

Theo TS. Nghĩa, mặc dù kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất, song diễn biến từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế. Do tổng phương tiện thanh toán (M2) 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3%, nên tăng trưởng GDP quý III và quý IV dự báo chỉ tăng khoảng 4%, do tác động của tình trạng cung tiền thấp sẽ có độ trễ khoảng 6 tháng.

Mặt khác, với sự chênh lệch khá lớn giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ hiện nay sẽ khiến DN không còn mặn mà với tín dụng nội tệ. Điều này dẫn đến tình trạng cung ảo - cầu thực về ngoại tệ. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng qua lên tới 23% (trong khi nội tệ chỉ tăng 3%) cũng tạo áp lực lớn lên tỷ giá khi nợ ngoại tệ đáo hạn.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng thừa nhận, hoạt động của ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn và thách thức trong những tháng còn lại của năm.

Trong đó, rủi ro lớn nhất phải kể đến là rủi ro về thanh khoản. Với cơ cấu vốn của thị trường hiện nay, phần lớn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi đó vốn ngân hàng đang đầu tư hầu hết là trung hạn.

Rủi ro thứ hai trong giai đoạn hậu khủng hoảng, với cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư của DN sẽ làm cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên.

Với bản thân hoạt động của các ngân hàng, theo ông Vinh, cũng không tránh khỏi các khó khăn bởi tín dụng bị hạn chế, trong khi nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận chủ yếu vẫn từ hoạt động tín dụng. Trong tổng lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng 6 tháng qua của Techcombank thì nguồn thu từ tín dụng chiếm 50%. Dư nợ tín dụng của Techcombank tính đến thời điểm này là 12%.

"Hiện nay, hoạt động tín dụng cũng như từ kinh doanh tiền tệ trên thị trường liên ngân hàng rất rủi ro, nên nguồn thu đóng góp từ lãi vào lợi nhuận cũng rất bấp bênh. Còn phát triển mảng dịch vụ để gia tăng nguồn thu là một chiến lược quan trọng đối với các ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng, nhưng để đạt được điều này đòi hỏi phải có thời gian", ông Vinh nhận định.

Mặc dù kết quả hoạt động 2 quý đầu năm vừa được nhiều ngân hàng công bố ở mức tương đối khả quan, nhưng nếu xét trên tổng vốn điều lệ và tổng tài sản thì khả năng sinh lãi cũng không quá hấp dẫn. Đồng thời, những đơn vị có mức lãi tuyệt đối cao phần lớn rơi vào những nhà băng lớn đã xây dựng được uy tín trên thị trường. Còn hều hết nhà băng nhỏ vẫn phải chật vật với kế hoạch lợi nhuận xây dựng cho cả năm nay.

Rủi ro chéo từ chính sách tài khóa sang hệ thống ngân hàng sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua ở mức thấp, chỉ trên 7%, nhưng cũng rất khó để đẩy mạnh vốn cho vay trong những tháng cuối năm.

Vì thế, kiến nghị được đưa ra từ một số chuyên gia tài chính là cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng liều lượng hợp lý và phù hợp với chu kỳ kinh doanh; tăng cung tiền hợp lý hơn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần bác bỏ các quy định hành chính như: trần lãi suất tiền gửi; không áp dụng tăng trưởng tín dụng cào bằng 20%.

Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng hiệu lực điều tiết thị trường mở (OMO), ổn định thị trường liên ngân hàng, đảm bảo thanh khoản của ngân hàng nhỏ và từng bước giảm lãi suất, cũng như tạo đường cong lãi suất chuẩn.

Theo Thùy Vinh

ĐTCK

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên