MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tim Armstrong & Arianna Huffington: "Cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng"

03-08-2011 - 15:52 PM |

Tim Armstrong đầy tuyệt vọng với mong muốn vực dậy thương hiệu và doanh thu của hãng internet Mỹ AOL, còn Arianna Huffington đầy tham vọng thì muốn xây dựng đế chế báo chí có thể "tranh hùng" với New York Times.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng internet Mỹ AOL Tim Armstrong dường như đã tìm thấy người bạn đời lý tưởng ở Arianna Huffington, đồng sáng lập trang web tin tức Mỹ Huffington Post (HuffPo). Ông cần một người giúp ông vực dậy bộ phận biên tập rất mờ nhạt, tạo cho nó một sắc thái đặc biệt để có thể thu hút độc giả và các công ty quảng cáo giữa lúc doanh số quảng cáo của AOL đang ngày càng lao dốc.

Arianna đã đem đến cho HuffPo tất cả những điều đó. Chỉ trong 6 năm, trang web của bà đã trở thành một trong những trang web tin tức hàng đầu thế giới và đang bắt đầu sinh lợi. Armstrong, giữa lúc đang tuyệt vọng, như tìm thấy một vị cứu tinh. Ông đã không ngại ngần bỏ ra tới 315 triệu USD để mua lại HuffPo vào tháng 2.2011, một cái giá gấp 32 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của trang web này. Đồng thời, ông đưa Arianna vào vị trí Tổng Biên tập, quản lý tòa soạn gồm 1.200 người của AOL.

Khi “gắn kết đời mình” với Arianna, ông hy vọng sẽ giúp cổ đông lấy lại giá trị đã mất (AOL từng đạt mức vốn hóa thị trường 163 tỉ USD nhưng hiện nay chỉ dao động quanh mức 2 tỉ USD). Thế nhưng, điều đó sẽ khó mà đạt được khi đó là một cuộc “hôn nhân” đồng sàng dị mộng.

Một Tim Armstrong đầy tuyệt vọng

Trong vòng 2 năm kể từ khi cầm cương tại AOL, Armstrong đã thành công trong việc tách AOL khỏi Time Warner, chấm dứt cuộc hôn nhân thảm họa kéo dài 10 năm. Nhưng điều đó không có nghĩa AOL đã bỏ lại đằng sau quá khứ đau buồn. AOL vẫn còn phải lệ thuộc vào bộ phận dịch vụ truy cập internet đang sụt giảm mạnh, vốn chiếm tới hơn 40% trong 551 triệu USD doanh thu quý I/2011 của Công ty. Bộ phận này sống nhờ vào việc tính phí đối với 3,6 triệu thuê bao (mức phí trung bình mỗi tháng chỉ 18 USD) trong khi con số thuê bao đang giảm mạnh, từ mức 4,1 triệu vào cuối tháng 6.2010.

Trong khi đó, kế hoạch sốt sắng của Armstrong nhằm tái định vị thương hiệu AOL thành một nhà cung cấp nội dung gốc vẫn chưa mang lại kết quả. Patch (một mạng lưới gồm 800 trang web tin tức địa phương mà AOL đã mua lại năm 2009) đã tiêu xài hết 40 triệu USD do Công ty bơm vào trong quý I/2011 nhưng vẫn không tạo ra được doanh thu đáng kể. Đó là chưa nói đến số tiền 75 triệu USD AOL đã rót vào Patch năm ngoái. Armstrong đã cam kết bộ phận quảng cáo hiển thị của AOL sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 20% mỗi năm, nhưng cho đến nay, mức cao nhất cũng chỉ là 4%.

Giữa lúc ông đang tuyệt vọng, HuffPo đã xuất hiện. HuffPo là một trong những trang web tin tức được ưa chuộng nhất thế giới, đặc biệt tại Mỹ, trong khi lại là một công ty có tổ chức hoạt động rất tinh gọn với lực lượng nhân viên dưới 200 người. Năm ngoái, HuffPo đã lần đầu tiên báo lãi trên mức doanh thu 30 triệu USD và con số này có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2011. HuffPo có 3 điều mà AOL chưa bao giờ có được: một bộ phận biên tập có tiếng nói nặng ký, lượng truy cập không ngừng tăng cao và mức độ gắn kết với người sử dụng rất lớn. Bằng cách thâu tóm tài sản có giá trị HuffPo, sáp nhập với bộ phận nội dung của AOL và với sự hỗ trợ của một nền tảng quảng cáo mới có tên gọi là Devil, Armstrong tin rằng ông có thể thu hút độc giả mới và các nhà quảng cáo.

Đây là một viễn cảnh quá tốt đẹp và không phải là không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, một lý do chính khiến giới phân tích Phố Wall không dám tin là cam kết quá mạnh miệng của Armstrong. Ông cam kết rằng lợi nhuận hoạt động sẽ tăng lên vào năm 2013 (AOL đã lỗ 782 triệu USD vào năm 2010 và kiếm được chỉ 4,7 triệu USD trong quý I/2011). Bà Laura Martin, chuyên gia phân tích của Needham & Co. (Mỹ) cũng đặt nhiều kỳ vọng ở thương vụ HuffPo nhưng bà cũng còn lo ngại rằng “còn phải chờ xem quá trình triển khai (sau khi sáp nhập) như thế nào”.

Một Arianna Huffington đầy tham vọng

Điều khiến nhiều người trong cuộc lo ngại cho sự thành bại của AOL chính là tham vọng của Arianna. Arianna là người luôn đặt lợi ích của bản thân trước lợi ích các đối tác của bà. Tại HuffPo, Arianna thường đối đầu với các thành viên hội đồng quản trị khác, vì theo bà, họ đã ngăn cản tham vọng của bà trong việc xây dựng một cơ quan tin tức có thể “xưng hùng” với tờ New York Times.

Greg Coleman, cựu Giám đốc Doanh thu của HuffPo, cho biết: “Tôi biết Arianna rất rõ. Bà ấy muốn 3 thứ: 1 túi vàng lớn, 1 hợp đồng lớn và quyền được quyết định mọi thứ”.

Điều này có thể thấy rõ qua cách bà cố thực hiện cho bằng được kế hoạch sáp nhập với AOL mặc cho sự phản đối của một số thành viên hội đồng quản trị. “Mục tiêu của chúng ta là phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn là xây dựng một công ty để rồi bị một công ty truyền thông khác thâu tóm”, chuyên gia đầu tư mạo hiểm Fred Harman thuộc Oak Investment Partners (công ty này đã bơm 25 triệu USD vào HuffPo năm 2008) đã phản đối khi Arianna đề cập đến vụ sáp nhập.

Nhưng Arianna đã áp đảo cả quyết định của hội đồng quản trị. Thương vụ này là ý kiến của bà và bà không dễ cho qua. Harman và các thành viên hội đồng quản trị khác hầu như không có sự lựa chọn vì HuffPo được xây dựng dựa trên các mối quan hệ xã hội và thương hiệu cá nhân của Arianna. “AOL và Tim Armstrong là một bệ phóng giúp Arianna có thể tăng tốc hoàn thành tham vọng thống lĩnh ngành báo chí của HuffPo”, Harman nói.

Trong chuyên đề vào tháng 10.2010, Tạp chí Forbes cũng mô tả Arianna là một “người yêu thích quyền lực và nắm trong tay nhiều quyền lực. Năm 2003, bà là ứng cử viên độc lập tranh cử chức Thống đốc bang California với ứng cử viên Arnold Schwarzenegger của đảng Cộng hòa. Thế nhưng, bà thậm chí chưa có được 1% phiếu bầu.

Tuy vậy, bà vẫn không từ bỏ tham vọng quyền lực. Khi đồng sáng lập HuffPo, bà muốn trang web tin tức này có thể xưng hùng với các tờ báo khác như Wall Street Journal, New York Times. Đó là động lực trên hết để bà đưa HuffPo có được sức ảnh hưởng như ngày hôm nay.

Sau “tuần trăng mật”

Khi nhìn vào những “yêu chiều” của Armstrong đối với Arianna, rõ ràng ông đã không ngại đầu tư tiền của để bà thực hiện những tham vọng làm báo của mình. Đó là điều hội đồng quản trị ở HuffPo ngày trước không bao giờ dám thực hiện. Và điều này đã khiến Arianna vô cùng bức bối trong khi đang rất nôn nóng hoàn thành giấc mơ xây dựng một đế chế tin tức. Đây chính là lý do khiến Arianna đeo đuổi vụ mua bán sáp nhập với một đối tác khác và thúc giục Hội đồng Quản trị phải làm theo ý bà. “Bà đã tìm được người thích hợp. Tim Armstrong cho bà ấy mọi thứ bà ao ước và hơn thế nữa”, Coleman nói.

Thực vậy, Arianna đã lao vào vụ săn lùng nhân sự xa xỉ trong nhiều tháng, chiêu dụ phóng viên từ các tờ báo lớn như New York Times, USA Today. Một số được bà trả mức lương rất cao, ít nhất là so với mặt bằng chung của nghề báo. Chẳng hạn, mùa thu năm ngoái, bà đã tuyển dụng 2 biên tập viên từ tờ Times là Tim O’Brien và Peter Goodman, với mức lương trên 300.000 USD mỗi năm. Để có chỗ nhét hết những người mới này, AOL đã phải sa thải hầu hết các phóng viên và biên tập viên cũ.

Arianna là người thích sự nổi tiếng và không ngừng nói về “một nghề báo vĩ đại” hơn là doanh thu AOL thu được trên mỗi người sử dụng. Tính luôn cả hàng trăm con người ở Patch, bà hiện quản lý khoảng 1.300 phóng viên làm toàn thời gian, một lực lượng hùng hậu hơn cả đội ngũ của tờ Washington Post hay Wall Street Journal. Trong khi đó, tại HuffPo, bà chỉ quản lý khoảng 70 người. “Arianna là một chính trị gia, một chuyên gia về làm truyền thông và một thiên tài về giao tế nhân sự nhưng bà không phải là nhà quản lý nhiều kinh nghiệm”, Coleman nhận xét.

Dĩ nhiên, kế hoạch xây dựng đế chế tin tức của Arianna sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu lượng thuê bao tăng mạnh. Thế nhưng, với đà giảm hiện tại, sẽ khó có chuyển biến trong vòng 2-3 năm tới, thời điểm Armstrong cam kết lợi nhuận hoạt động sẽ bắt đầu tăng lên. Để giữ lời hứa của mình, Armstrong phải tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong doanh số quảng cáo hiển thị. Và mức tăng đó phải là 20% mỗi năm thì mới có thể đảm bảo lợi nhuận không bị giảm xuống.

Để đạt điều đó là thách thức cực kỳ lớn cho Armstrong. Bởi lẽ, quảng cáo hiển thị là phân khúc đang sinh lợi trên thị trường quảng cáo, nhưng cũng rất khó tiếp cận. “Tôi không nghĩ họ có thể làm được với đội ngũ quảng cáo hiện tại. Cái mà Armstrong cần là một Arianna trong lĩnh vực quảng cáo, chứ không phải một Arianna trong lĩnh vực biên tập”, nguyên một nhà điều hành đã rời khỏi AOL vào tháng 3 nhận định.

Nếu xét điều Arianna đang thúc giục Armstrong thực hiện - tạo nên một “nghề báo vĩ đại” và xét cái Armstrong đang cần hiện nay - tạo nên một sự đột phá trong mảng doanh số quảng cáo, Armstrong có thể đã sai lầm khi chọn người bạn đời của mình. Một tương lai mà AOL đối mặt sẽ là: doanh thu quảng cáo hiển thị có tăng trưởng nhưng không tăng với tốc độ đủ nhanh để có thể bù đắp cho lượng thuê bao giảm mạnh.

Năm 2013 đang đến gần, Armstrong buộc phải chọn giữa việc giữ lời hứa với giới phân tích Phố Wall hoặc giữ đúng cam kết với Arianna. Sức ép của các cổ đông có thể sẽ buộc Armstrong phải bội ước với Arianna và giấc mơ xây dựng 1 đế chế tin tức hùng mạnh tại Mỹ của Arianna sẽ bị tiêu tan. Lúc đó, có lẽ Arianna sẽ ra đi và Armstrong sẽ nhận thấy mình quay trở về với xuất phát điểm cách đây 6 tháng khi ông bắt đầu có ý định thâu tóm HuffPo.

Theo Ngô Ngọc Châu

Nhịp cầu đầu tư / Forbes

thuthuy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên