MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính mới?

05-08-2011 - 09:46 AM | Tài chính quốc tế

Bất bình đẳng về thu nhập tại Mỹ sẽ tăng lên. Trong khi chính yếu tố này từng góp phần quan trọng đẩy nước Mỹ và thế giới vào khủng hoảng tài chính.

Khi thời hạn của việc nâng trần nợ đến gần, người ta nói nhiều về việc thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm sâu đến thế nào nếu Washington không đi đến thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra.

Vào tuần trước, khi thông tin từ Washington phát đi tín hiệu rõ ràng của việc trần nợ Mỹ sẽ được nâng, phố Wall bắt đầu giảm điểm sâu. Và nay khi thỏa thuận cuối cũng đã có được, mức độ sụt giảm của các thị trường còn tồi tệ hơn.

Phiên ngày thứ Năm hôm qua đủ minh chứng cho luận điểm đó. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 500 điểm. Tính cả nhiều ngày giao dịch trước đó, thị trường đã giảm 9/10 phiên, chuỗi ngày mất điểm dài nhất trong những năm gần đây.

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng yếu kém, các nền kinh tế ngoài nước Mỹ cũng gặp không ít khó khăn. Trong tuần, báo cáo kinh tế cho thấy tiêu dùng người dân và hoạt động sản xuất đều tăng trưởng yếu.

Trên khắp thế giới, lạm phát đang hạ, dấu hiệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đi xuống. Chỉ báo mới nhất cho thấy báo cáo về thị trường việc làm Mỹ vào tối nay có thể gây thất vọng.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải đưa ra thêm biện pháp cải thiện tình hình tài chính của Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác để tránh khả năng chính phủ vỡ nợ hàng loạt.

Tất cả các yếu tố này đè nặng lên tâm lý thị trường tài chính khắp thế giới.

Để có được thỏa thuận về nâng trần nợ, chính phủ Mỹ sẽ phải giảm chi tiêu. Việc giảm chi tiêu, dù đến từ phía chính phủ hay người dân, trong bối cảnh suy thoái kinh tế sẽ chỉ khiến có thêm người mất việc làm.

Tác động trực tiếp từ thỏa thuận nợ đối với nền kinh tế nhiều khả năng không lớn đến như vậy bởi chương trình 2,1 nghìn tỷ USD thắt chặt chi tiêu trong thập kỷ tới sẽ chưa lớn trong vài năm tới.

Ông Thomas Lam, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức tài chính OSK/DMG tại Singapore, tính toán rằng tác động lên nền kinh tế của chính sách thắt chặt chi tiêu trên sẽ là tăng trưởng kinh tế giảm 0,3 điểm phần trăm/năm trong 2 năm tới, điều không phải quá tồi tệ. Vậy tại sao phố Wall lại phản ứng đến như vậy?

Bởi tác động chính của gói cắt giảm chi tiêu không phải ở tiêu dùng. Trong quá trình đàm phán về trần nợ, đã có lúc người ta tưởng tăng thuế đối với người giàu và thêm trợ cấp cho người thất nghiệp hoặc cả hai.

Cuối cùng chẳng có gì cả. Người ta nhận được thông tin về chương trình cắt giảm chi tiêu lớn, mà phần lớn số tiền cắt giảm nằm trong chương trình hỗ trợ người nghèo.

Bất bình đẳng về thu nhập tại Mỹ sẽ tăng lên. Trong khi bất bình đẳng từng góp phần quan trọng đẩy nước Mỹ và thế giới vào khủng hoảng tài chính. Thế nhưng không chỉ có vậy, bất bình đẳng sẽ khiến kinh tế Mỹ phục hồi khó khăn hơn.

Thành quả của quá trình phục hồi kinh tế cho đến nay chủ yếu dành cho người giàu. Chi tiêu vào hàng xa xỉ tăng.

Khi ngày một nhiều tiền rơi vào tay số ít người Mỹ hơn, nền kinh tế chẳng được lợi gì. Người giàu cũng chỉ chi tiêu ở mức độ nhất định, họ sẽ ôm tiền. Ở hiện tại, kinh tế Mỹ cần tăng chi tiêu chứ không phải tiết kiệm.

Theo thỏa thuận về trần nợ, chính phủ Mỹ hiện nay dường như không hề có kế hoạch nào giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Hy vọng của nền kinh tế đặt vào thỏa thuận giảm thuế, dù cho doanh nghiệp hay tầng lớp trung lưu Mỹ.

Tuy nhiên khi chẳng có thỏa thuận tăng thuế nào áp dụng với người giàu, nhiều khả năng chương trình giảm thuế từ thời kỳ cựu Tổng thống Bush sẽ bị chấm dứt.

Thuế áp dụng với mọi đối tượng đều tăng. Kinh tế Mỹ còn khốn khổ hơn. Vậy quá đủ lý do để TTCK thế giới mất điểm mạnh phiên ngày thứ Năm.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Time

Trở lên trên