MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng” giá cả “dìm” vận tải biển

Nguyên nhân hàng loạt DN thuộc Vinalines đang bị thua lỗ trong sản xuất kinh doanh được nhận định là do chi phí đầu vào tăng vọt.

Thông tin đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây khiến dư luận giật mình. Chưa bao giờ TCty này lại phải đối mặt với khó khăn tài chính lớn như vậy. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2011, có tới 90% DN thuộc TCty báo lỗ.

Chi phí đầu vào tăng vọt

Nguyên nhân hàng loạt DN thuộc TCty đang bị thua lỗ trong sản xuất kinh doanh được nhận định là do chi phí đầu vào tăng vọt. Theo đại diện Vinalines: Giá dầu cũng như giá vật tư đầu vào không ngừng leo thang. Có thời điểm giá dầu FO lên tới 700USD/tấn, tăng 35% so với tháng 12.2010. Tỉ giá ngoại tệ tăng 9,3%, lãi suất cao, giá cước vận tải biển giảm, nguồn hàng khan hiếm dẫn đến tình trạng các DN vận tải biển lao đao.

Một số Cty trước đây được xem là có tiềm lực mạnh như Cty vận tải biển dầu khí Falcon cũng lỗ 48 tỉ đồng, Cty VTB Vinalines lỗ 110 tỉ đồng; chi nhánh Vinalines tại TPHCM lỗ 140 tỉ đồng, Cty VTB Biển Đông lỗ 75 tỉ đồng, Cty Vinashinlines lỗ 78 tỉ đồng... Cty CP vận tải biển Việt Nam (Vosco) luôn có kết quả kinh doanh khả quan từ nhiều năm nay dù đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2011, Cty vẫn không thể hoàn thành kế hoạch được giao. Tổng doanh thu chỉ đạt 1.548 tỉ đồng, đạt 46,3% so với năm 2011. Từ nay đến cuối năm với tình hình khó khăn này, Cty chỉ dám “mơ” hoàn thành chỉ tiêu năm 2011.

Ngoài các Cty vận tải biển đang bị lỗ, Cty TNHH cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cty SP – SPA (dự án cảng liên doanh giữa Vinalines, Cảng Sài Gòn và Tập đoàn SPA - Singapore) cũng báo lỗ tới 460 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do 2 cảng này đang trong quá trình xây dựng, mới đưa vào khai thác nên chi phí khấu hao phân bổ chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng chi phí những năm đầu hoạt động.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2011, Vinalines đã lỗ tới 660 tỉ đồng.

“Xin” được bảo hộ bằng cơ chế

Trong cơn “sóng giá”, các DN vận tải biển bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, lập hàng rào bảo hộ bằng cơ chế. Nhiều DN đề nghị được Nhà nước cho phép áp mức thuế suất giá trị gia tăng xuống bằng 0%, hoặc ít nhất cũng là 5% như một số năm trước đây để giảm bớt chi phí. Với các khoản vốn vay ưu đãi trung - dài hạn để mua và đóng mới tàu biển Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất. Đồng thời dãn nợ gốc của các khoản vay trung và dài hạn; cơ cấu lại thời gian trả nợ của những dự án mua và đóng tàu; tăng thời gian trả nợ từ 3 - 5 năm đối với các dự án đã và đang thực hiện; tạm thời ân hạn chưa thu nợ gốc...

Đại diện Cty VTB Biển Đông cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách bảo hộ đối với các tàu vận tải nội địa. Bởi theo thông lệ quốc tế các hãng tàu nước ngoài (hoặc tàu nội địa treo cờ nước ngoài) không được tham gia vận tải nội địa. Đây cũng là một cách để giữ thị phần nội địa cho các đội tàu nhà.

Nhiều DN vận tải biển cũng kiến nghị nhà nước xem xét về mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thuyền viên. Bởi đây là loại hình lao động đặc biệt, làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, luôn phải xa gia đình... nên ít người muốn làm. Vì thế các DN phải trả lương cao để thu hút lao động. Tuy nhiên, mức tính thuế TNCN hiện nay áp dụng cho mọi trường hợp mà chưa tính đến đặc thù nghề nên các DN phải mất thêm khoản chi cho thuế.

Theo Bích Liên

Lao động


thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên