MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DVD phá sản, cổ đông có thể mất trắng

Việc DVD phá sản, nhiều cổ đông của công ty này đứng trước nguy cơ mất trắng phần vốn góp, đặc biệt là đối với những NĐT vừa mua cổ phiếu DVD gần đây.

Thông tin Ngân hàng ANZ thông báo tới HOSE là đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) gây chấn động TTCK trong ngày 25/8. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật hợp danh Luật Việt.

Thưa ông, theo các quy định hiện hành, DN như thế nào thì được coi là phá sản?

Theo Điều 3, Luật Phá sản, DN không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. DN chỉ được xem là phá sản khi có quyết định của thẩm phán TAND có thẩm quyền tuyên bố DN đó bị phá sản, sau khi đã áp dụng đầy đủ các thủ tục phá sản theo luật định đối với DN nhưng vẫn không thể phục hồi hoạt động kinh doanh (HĐKD).

Vậy thủ tục xin phá sản DN như thế nào, mất bao lâu?

Thông thường, thủ tục phá sản sẽ được thực hiện qua các bước cơ bản sau:

Thứ nhất, chủ nợ, người lao động, chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, cổ đông/thành viên DN nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản cho tòa án có thẩm quyền khi DN lâm vào tình trạng phá sản.

Thứ hai, toà án sẽ cử một thẩm phán (nếu ở cấp huyện) hoặc một/một tổ thẩm phán (nếu ở cấp tỉnh) sẽ được chỉ định để giải quyết vụ việc phá sản.

Thứ ba, thẩm phán sau khi xem xét hồ sơ sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản, hoặc không mở thủ tục phá sản. Nếu quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán sẽ quyết định thành lập một tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Thứ tư, tổ quản lý, thanh lý tài sản sẽ lập bảng liệt kê toàn bộ tài sản hiện có của DN và lập danh sách các chủ nợ.

Thứ năm, thẩm phán sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ, tại đây DN bị lâm vào tình trạng phá sản phải trình bày các giải pháp tổ chức lại HĐKD. Nếu hội nghị chủ nợ đồng ý với phương án phục hồi HĐKD, thì thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận nghị quyết của hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi HĐKD trong thời hạn tối đa 3 năm. Nếu DN không thực hiện được phương án phục hồi HĐKD hoặc hội nghị chủ nợ không thành thì thẩm phán sẽ ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản.

Thời gian hoàn tất thủ tục phá sản phụ thuộc vào việc thực hiện phương án phục hồi HĐKD của DN. Trường hợp không tổ chức thành công hội nghị chủ nợ, việc giải quyết tuyên bố phá sản DN có thể kéo dài tới 3 năm.

Trong trường hợp DVD phá sản, việc phân chia tài sản ra sao?

Trong trường hợp DVD không thể xây dựng phương án phục hồi HĐKD, hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án đã đề ra, toà án sẽ ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của DN. Thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo Điều 37 Luật Phá sản. Trước tiên là trả phí phá sản, sau đó là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội…, tiếp đến là các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ và cuối cùng là cổ đông.

Riêng với trường hợp DVD còn giữ của NĐT gần 70 tỷ đồng mua cổ phiếu từ đợt phát hành thêm (bị UBCK hủy), nhưng chưa hoàn trả, thì các cổ đông này đồng thời là chủ nợ không có bảo đảm của DVD.

Theo thông báo của Ngân hàng ANZ tới HOSE, toà án đã ra quyết định cho phép mở thủ tục phá sản đối với DVD từ ngày 5/8/2011, nhưng DVD không công bố thông tin, gây thiệt hại cho NĐT mua cổ phiếu DVD gần đây. Ông nhận xét gì về việc này?

Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD, nên ngân hàng này không phải là trung gian để qua đó DVD thông báo việc mở thủ tục phá sản. Ngày 5/8/2011, TAND TP. HCM đã ra Quyết định số 426/2011/QĐ-MTTPS cho phép mở thủ tục phá sản đối với DVD theo Điều 29, Luật Phá sản.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của toà án mà DVD không công bố thông tin, thì DVD đã vi phạm pháp luật về công bố thông tin và NĐT có quyền khởi kiện DVD nếu hành vi này gây tổn hại đến quyền lợi của mình.

Theo Ngọc Giang

ĐTCK

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên