Vafi: Đề xuất xoá bỏ hoàn toàn thị trường vàng miếng
Với quan điểm Thông điệp chính sách mới về quản lý thị trường vàng mà Tân Thống đốc đưa ra mới đây là không khả thi, VAFI vừa đề xuất nên cấm hoàn toàn việc mua bán vàng miếng.
- NHNN phải trả phí cho các NHTM về phí huy động, chuyên chở, bảo quản và thậm chí trả cho dân một khoản lợi tức.
- Số vàng huy động từ dân là khoản nợ không kỳ hạn, chuyển sang USD thì sẽ có những rủi ro như: biến động giá vàng, giá USD.
- Khó xử lý khi người dân ồ ạt rút vàng để bán khi thấy có lời.
- Vafi cho rằng chính sách quản lý vàng phải như chính sách quản lý ngoại tệ thì mới bịt được những lỗ hổng trong chính sách quản lý ngoại hối.
Theo nội dung kiến nghị cuối tuần qua của VAFI, những cố gắng của NHNN trong việc bình ổn thị trường vàng đã bị vô hiệu hóa và tốn kém (cho nhập 10 tấn vàng, công bố thông điệp chính sách mới về quản lý thị trường vàng )….
VAFI cho rằng các biện pháp sắp được NHNN áp dụng như là chỉ cho phép một số tổ chức kinh doanh vàng miếng, huy động vàng trong dân... là không xoá bỏ được những tiêu cực của thị trường vàng.
Trước hết, với việc chỉ cho phép một số tổ chức kinh doanh vàng miếng, VAFI cho rằng điều này chỉ làm lợi cho các tổ chức kinh doanh lớn mà không chấm dứt được tình trạng đầu cơ vàng, gây bất ổn trên thị trường tiền tệ mỗi khi giá vàng thế giới biến động.
Về đề xuất đang được ủng hộ gần đây rằng Nhà nước sẽ là tổ chức duy nhất đứng ra để huy động vàng trong dân, “giữ hộ vàng cho dân” và chuyển số vàng huy động này thành dự trữ ngoại hối, chuyển hóa sang ngoại tệ, VND, thế chấp vay vốn trên thị trường thế giới…, VAFI cũng lên tiếng phản đối với các lý do:
Thứ nhất, để thực hiện điều này NHNN sẽ thuê các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân, có thể thuê họ lưu giữ và hoàn trả lại cho người dân khi có yêu cầu. NHNN phải trả phí cho các NHTM về phí huy động, chuyên chở, bảo quản và thậm chí có thể trả cho dân một khoản lợi tức hàng năm .
Thứ hai, NHNN sẽ sử dụng số vàng huy động để tăng dự trữ quốc gia, để hoán đổi một phần sang ngoại tệ và có thể cho các NHTM vay lại, dùng một phần số vàng huy động được để bình ổn thị trường. Nhìn vào phương thức hoạt động thì thấy rằng, số vàng huy động từ dân không phải của NHNN mà nó là khoản nợ không kỳ hạn (Người dân sẽ không chấp nhận gửi vàng có kỳ hạn nếu họ không nhận được mức lãi suất cao và có cạnh tranh ) ;
Nếu khoản nợ này được chuyển một phần sang USD thì sẽ có những rủi ro như: biến động giá vàng, giá USD.
Thứ ba, NHNN sẽ xử lý ra sao khi người dân ồ ạt rút vàng để bán khi họ thấy có lời (giá thế giới lên rất cao ). Rất có thể số vàng tương đương hàng tỷ đô la sẽ được rút ra.
Cuối cùng, VAFI khẳng định rằng kết thúc vàng hóa là rất dễ dàng và đơn giản nếu làm kiên quyết và không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. VAFI cho rằng chống vàng hóa tức là xóa bỏ hoàn toàn thị trường kinh doanh vàng miếng theo như Dự thảo cũ về quản lý thị trường vàng đã nêu. Như vậy sẽ khóa ngay mọi dòng vốn đổ vào mua vàng miếng, tức là cấm mua vàng miếng.
Về lượng vàng còn trong dân, theo VAFI, NHNN sẽ tổ chức thu mua vàng miếng trong dân theo giá quốc tế để tăng dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng vật chất, chuyển đổi sang ngoại tệ mạnh
Và một khi đã công khai tuyên bố xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng thì lượng người mua vàng sẽ giảm đi 90%, thị trường mất thanh khỏan hoàn toàn thì không còn có đầu cơ, coq quan quản lý không còn lo đối phó với những cơn sốt vàng
VAFI khẳng định rằng việc cấm người dân mua vàng miếng là một quyết sách kinh tế lớn bởi vàng là ngoại tệ, chính sách quản lý vàng phải như chính sách quản lý ngoại tệ thì mới bịt được những lỗ hổng trong chính sách quản lý ngoại hối, nhằm kết thúc tình trạng vàng hóa, đô la hóa đang diễn ra trầm trọng trong nền kinh tế. Việc mua vàng, sở hữu vàng còn nguy hại hơn so với ngoại tệ vì dòng vốn đầu tư, đầu cơ vào vàng là dòng vốn chết.
Nếu còn để thị trường vàng tồn tại dưới dạng kinh doanh vàng miếng như hiện nay hoặc dưới dạng “cải lương“ như khôi phục lại sàn vàng, thì sẽ không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế mà ngược lại là nguồn gốc cho bất ổn kinh tế vĩ mô và chẳng có giải pháp nào để ngăn chặn được những nguy hiểm mà “vàng hóa" đã gây ra.
Theo Hoàng Yến
VnMedia