MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu biệt khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Xác định DN thành lập ở VN có cổ phần, vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài có phải là NĐT nước ngoài, là mấu chốt của những bất cập trong thực thi pháp luật về đầu tư có yếu tố nước ngoài.

Tóm tắt:

- Tỷ lệ 30% hay 49% để xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất ít cơ sở khoa học để bảo vệ.

- Thủ tục thành lập doanh nghiệp, góp vốn thành lập và các quy định về quản trị doanh nghiệp sẽ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

- Ý kiến đề nghị thống nhất thủ tục cấp đăng ký và thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất.

- Quy định về kiểm soát tiến độ chuyển tiền vào Việt Nam qua hệ thống ngân hàng cần được bổ sung.

Nếu trả lời được câu hỏi DN được thành lập ở VN có cổ phần, phần vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài có phải là NĐT nước ngoài hay không, hàng loạt rối rắm trong thực thi pháp luật về đầu tư có yếu tố nước ngoài sẽ được gỡ bỏ.

Đây là một trong những thông điệp chính mà Nhóm rà soát Luật Đầu tư (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì), đúc rút khi lấy ý kiến doanh nghiệp về những tồn tại trong thực hiện Luật Đầu tư.

Khi đó, nhà đầu tư có đủ thông tin để quyết định sử dụng công cụ nào để đầu tư tại Việt Nam, xác định những điều kiện, hạn chế (ví dụ như các điều kiện trong thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) mà họ sẽ phải chịu khi quyết định sử dụng công cụ đầu tư đó. Chắc chắn, vụ xin rút niêm yết của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar do bị giới hạn kinh doanh khi có phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài với vô vàn hệ luỵ sẽ không còn cơ hội trở lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Trưởng nhóm rà soát cho biết, phương án doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bất kể với tỷ lệ là bao nhiêu, khi thực hiện các dự án đầu tư đều là nhà đầu tư nước ngoài đang được ủng hộ.

“Thực tế, tỷ lệ 30% hay 49% để xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất ít cơ sở khoa học để bảo vệ. Thứ nhất, sự thay đổi tỷ lệ góp vốn trong các doanh nghiệp là thường xuyên, nếu căn cứ vào tỷ lệ % vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị thay đổi địa vị pháp lý liên tục. Hai là, việc kiểm soát tỷ lệ này không thể thực hiện được khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này tiến hành góp vốn ở các công ty con, cháu khác… Khi đó, giá trị pháp lý và ý nghĩa thực tiễn của tỷ lệ này rất bấp bênh”, ông Hiếu phân tích.

Mấu chốt là, việc thay đổi địa vị pháp lý này sẽ dẫn đến thay đổi tính chất của dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Luật sư Phạm Chí Công, Luật sư điều hành Công ty Luật Khai Phong phân tích, nếu dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư không làm lại thủ tục khi có sự thay đổi tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài, việc phân loại dự án đầu tư không còn ý nghĩa. Nếu phải làm lại, các nhà đầu tư luôn trong tình trạng bị động và rủi ro. Còn về góc độ quản lý nhà nước về đầu tư, việc kiểm soát được sự biến động của tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài là trách nhiệm bất khả thi.

Nếu đề xuất doanh nghiệp dù có tỷ lệ bao nhiêu vốn của nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận, việc tách bạch giữa thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và các điều kiện để thực hiện thương quyền sẽ được thực hiện.

Có nghĩa là, thủ tục thành lập doanh nghiệp, góp vốn thành lập và các quy định về quản trị doanh nghiệp sẽ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Các thủ tục về đầu tư sẽ được thực hiện tuỳ theo tính chất dự án doanh nghiệp tham gia. Việc kiểm soát điều kiện hay những giới hạn về thương quyền sẽ do các luật chuyên ngành thực hiện với các quy định về điều kiện, giới hạn của từng ngành nghề, lĩnh vực.

Đặc biệt, cũng có ý kiến đề nghị thống nhất thủ tục cấp đăng ký và thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất để đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Các quy định về kiểm soát tiến độ chuyển tiền vào Việt Nam qua hệ thống ngân hàng cũng cần được bổ sung để đảm bảo đúng tính chất của đầu tư nước ngoài là hoạt động đưa vốn từ bên ngoài vào Việt Nam để đầu tư…

Có thể lường trước, những thay đổi này sẽ khiến nhà đầu tư phải chịu thêm không ít thủ tục, song như luật sư Công nói, nhà đầu tư nước ngoài không ngại sự phức tạp khi tiến hành các thủ tục đầu tư, cái họ sợ là sự không minh bạch, thiếu thống nhất và hay thay đổi.

Theo Bảo Duy

Báo đầu tư

kyanh

Trở lên trên