MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cung tiền tháng 8 tăng đột biến: Lý do và hệ quả ?

12-09-2011 - 07:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Riêng cung tiền trong tháng 8 đã bằng 1.5 lần cả 7 tháng đầu năm. Vì sao lại có đột biến đó? Lý giải hợp lý là do hoạt động ủy thác đầu tư của các NHTM.

Tóm tắt:
 
- Tổng phương tiện thanh toán tăng từ 3,57% sau 7 tháng lên 9,16% sau 8 tháng.
- Tăng cung tiền M2 đột biến có thể do các NHTM ủy thác đầu tư bằng cách gửi vào NH khác thông qua công ty con.
- Hệ quả là một số NHTM sẽ căng thẳng thanh khoản khi khoản ủy thác của NH bạn phải rút về do việc huy động khó khăn bởi trần lãi suất.
- NHNN sẽ có 2 lựa chọn: tăng cung tiền cơ sở để đảm bảo thanh khoản gây hệ lụy lạm phát, hoặc kiểm soát cung tiền cơ sở, dẫn đến có thể vượt rào lãi suất để đảm bảo thanh khoản.
 
Theo ngân hàng Nhà nước, đến 30.8.2011, tổng phương tiện thanh toán (hay cung tiền mở rộng – M2) tăng 9,16%. So sánh với mức tăng 3,57% từ đầu năm tới ngày 20.7.2011 thì chỉ trong vòng hơn một tháng, tổng phương tiện thanh toán đã tăng thêm tới 5,3%.
 
Do hoạt động uỷ thác của các ngân hàng thương mại?

M2 được cấu thành từ tổng lượng tiền huy động và tiền lưu thông ngoài hệ thống của hệ thống ngân hàng thương mại.

Tính tới ngày 19.8.2011, tốc độ tăng tiền mặt ngoài hệ thống là 4,42%. Mức tăng này bằng toàn bộ mức tăng từ đầu năm tới ngày 19.8.2011 nhưng thực chất chỉ đóng góp khoảng 0,5% vào mức tăng 5,3% của M2 vì hiện nay, tiền ngoài hệ thống chỉ chiếm khoảng 12% M2 của Việt Nam. Nói cách khác, tốc độ tăng M2 đột biến trong tháng 8 chủ yếu là do tăng tổng huy động của hệ thống ngân hàng thương mại vì tính đến ngày 19.8.2011, tốc độ tăng tổng huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại là 3,04% so với tháng trước, trong đó huy động VND tăng 3,32%, huy động ngoại tệ tăng 1,81%. Lượng tiền gửi tăng đột biến trong bối cảnh lãi suất huy động có dấu hiệu “buộc phải hạ” sau tháng 8, vì sao lại như vậy?
 
 
 
Trước tín hiệu lãi suất huy động trong tháng 9 sẽ bị buộc phải hạ về mức trần, có khả năng người dân và doanh nghiệp sẽ “tranh thủ” rút tiền khỏi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, và ngoại tệ để chuyển sang tiết kiệm. Tuy nhiên, khả năng này đã không xảy ra vì trong tháng 8, thị trường nhà đất vẫn đóng băng, chứng khoán, vàng, và tỷ giá lại tăng giá khiến một lượng tiền đồng đáng kể bị hút sang từ kênh tiết kiệm thay vì theo chiều ngược lại.
 
Việc tốc độ huy động ngoại tệ tăng trở lại trong tháng 8 có thể được lý giải bởi thông tin từ Bloomberg, rằng ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra khoảng 1,5 tỉ USD để bình ổn thị trường ngoại tệ. Tiền đồng bị chuyển sang các kênh đầu tư khác nên đáng ra tốc độ huy động VND phải sụt giảm chứ không thể tăng.

Vậy thì tốc độ tăng tổng huy động tiền gửi có thể do ngân hàng Nhà nước bơm tiền cơ sở để hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, giá trị cho vay trên thị trường mở trong cả tháng 8.2011 ổn định ở mức 5.000 tỉ đồng nên nếu ngân hàng Nhà nước có tăng tiền cơ sở thì chỉ có thể qua kênh tái cấp vốn hoặc tái chiết khấu với lãi suất 13 – 14%. Thế nhưng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại trong tháng 8 lại khá ổn định. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hầu như ở mức dưới 11%. Vì thế, nếu ngân hàng Nhà nước có tăng cung tiền qua kênh này thì cũng không thể quá nhiều. Các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản hoàn toàn có thể vay tiền, ngay lập tức, từ ngân hàng bạn với mức lãi suất thấp hơn mức 13 – 14%.

Lý giải hợp lý nhất cho tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đột biến trong tháng 8 là các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động uỷ thác. Trước khi có thông tư 22, các ngân hàng chỉ được sử dụng 80% lượng tiền gửi để cho vay, 20% còn lại dùng để đáp ứng các nhu cầu dự trữ, kinh doanh trái phiếu và liên ngân hàng. Do hoạt động kinh doanh trái phiếu và liên ngân hàng trong tháng 8 không hấp dẫn, đặc biệt trước nguy cơ bị áp trần huy động 14% trong tháng 9, để có thể giảm chi phí huy động lãi suất, nhiều ngân hàng đã tăng cường hoạt động uỷ thác, tức là mang phần lớn trong 20% vốn huy động giữ lại gửi vào các ngân hàng khác thông qua các công ty con của mình. Lượng tiền gửi này tuy không mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng nhưng cũng giúp các ngân hàng không bị lỗ vì trước đó phải huy động vốn với mức lãi suất thoả thuận cao 16 – 18%.

Khi một ngân hàng thương mại gửi uỷ thác vào một ngân hàng thương mại khác thì nó không làm tăng trưởng tín dụng mà làm tăng khoản mục “phải thu khác” của ngân hàng thương mại đó. Các ngân hàng thương mại nhận tiền uỷ thác từ ngân hàng thương mại kia lại đem uỷ thác vào ngân hàng khác nữa khiến hệ số nhân tiền tăng lên tương tự quá trình ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay tiền. Kết quả là cung tiền và tổng huy động được ghi nhận tăng nhưng tín dụng lại không tăng. Đây là lý giải hợp lý, nhất là khi nó được củng cố bởi con số tăng trưởng tín dụng thấp của hệ thống ngân hàng thương mại. Đến ngày 19.8.2011, tín dụng chỉ tăng 0,59% so với tháng trước, trong đó tín dụng VND bị giảm 1,05%.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đúng khi nói rằng nếu tính cả các hoạt động uỷ thác thì tín dụng phải tăng 11% trong tám tháng đầu năm chứ không phải chỉ có 8,15%. Khoản chênh lệch xấp xỉ 3% của hoạt động uỷ thác thực chất là một loại tín dụng ảo. Nó không chảy ra ngoài nền kinh tế mà chỉ lòng vòng trong hệ thống ngân hàng. Tuy hệ thống ngân hàng thương mại không bị lỗ vì sự lòng vòng này nhưng nó làm năng suất của hệ thống giảm do phải thực hiện nhiều nghiệp vụ dư thừa.

Ảnh hưởng của hoạt động uỷ thác trong thời gian tới

Trước hết, do các ngân hàng thương mại không thể tách biệt được khoản huy động nào là khoản từ khu vực dân cư và khoản nào là từ ngân hàng thương mại uỷ thác nên đứng trước việc huy động tăng, các ngân hàng thương mại có thể giải ngân tín dụng mạnh hơn. Xu hướng sẽ càng mạnh trong tháng tới nếu lãi suất cho vay giảm xuống mức 17 – 19% như cam kết của các ngân hàng thương mại.

Việc gia tăng giải ngân tín dụng trong khi huy động thực từ khu vực dân cư không tăng sẽ khiến các ngân hàng thương mại bị căng thẳng thanh khoản. Do lãi suất tiền gửi bị áp trần 14% nên khi đến hạn, các ngân hàng thương mại sẽ rút các khoản uỷ thác từ ngân hàng bạn về để hỗ trợ thanh khoản. Quá trình này một khi diễn ra sẽ làm giảm sút đáng kể lượng tiền huy động của hệ thống ngân hàng thương mại. Như một vòng xoáy, việc rút tiền uỷ thác sẽ khiến cho tốc độ huy động giảm nhanh như tốc độ tăng mà nó gây ra trong tháng 8. Trong quá trình này, một số ngân hàng thương mại sẽ bị căng thẳng thanh khoản và cần sự hỗ trợ của ngân hàng Nhà nước. Mặc dù ngân hàng Nhà nước có cam kết hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhỏ nhưng điều này thường diễn ra chậm hơn so với diễn biến của thị trường. Khi đó, ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng cung tiền của thị trường mở. Các ngân hàng thương mại lớn có thanh khoản tốt cũng sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Trên thực tế, quá trình này dường như đã bắt đầu khi tuần trước, ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ròng thêm 21.000 tỉ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh trở lại, ở mức 13 – 14%, sau một thời gian im ắng. Nếu quá trình này tiếp tục, hai kịch bản có thể xảy ra.

Thứ nhất, ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục tăng cung tiền cơ sở để đáp ứng nhu cầu tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Hành động này sẽ gây ra hệ luỵ lạm phát trong năm 2012 như đã diễn ra vào năm 2011 khi cung tiền tăng mạnh vào cuối 2010.

Thứ hai, ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền để phòng chống lạm phát. Nếu điều này xảy ra, các ngân hàng thương mại nhỏ sẽ bị mất thanh khoản do không có khả năng huy động tiền từ khu vực dân cư khi lãi suất huy động bị cào bằng ở mức 14%. Để tồn tại, chỉ còn cách phá rào và như vậy, đồng thuận trần lãi suất huy động 14% sẽ khó có thể giữ vững.

Ngân hàng Nhà nước sẽ không muốn tăng cung tiền cơ sở. Còn nếu kiểm soát cung tiền, hoạt động huy động sẽ bị xáo trộn một lần nữa. Đấy chính là nguy cơ của hoạt động uỷ thác mà ngân hàng Nhà nước sẽ phải đương đầu trong thời gian tới.
 
Theo Nguyên Minh Cường
SGTT

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên