MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Trò chơi” lợi hại (2): “Đại chiến” gói gọn trong một cái click chuột

12-09-2011 - 12:53 PM | Tài chính quốc tế

Tác dụng của phần mềm lý thuyết trò chơi còn vượt ra khỏi phạm vi kinh tế học.

Tóm tắt:

- Mỹ sử dụng phần mềm lý thuyết trò chơi để biết Bin Laden sống ở đâu hay có nên điều tàu sân bay đến Bắc Triều Tiên không.

- Phần mềm này còn có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán.

- Một ngày nào đó, hai bên tham chiến có thể nhập dữ liệu vào phần mềm, click chuột và biết ngay ai thắng ai thua, đỡ phải đổ máu!

Công ty PA Consulting của Anh thiết kế các phần mềm chuyên biệt để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, năng lượng tái tạo và sản xuất các show truyền hình. Các cơ quan thuộc chính phủ Anh đã yêu cầu PA Consulting xây dựng các mô hình kiểm nghiệm các bộ luật và pháp lệnh.

Một ví dụ đơn giản: có hai người bán kem khôn ngoan chia sẻ một bãi biển dài, họ sẽ đều dựng quán tại điểm chính giữa. Theo “modeller” Stephen Black từ trụ sở của công ty tại London, họ làm vậy để gần với nhiều khách hàng nhất. Nhưng chính họ cũng ngăn không cho người kia chuyển sang bán ở vị trí khác. Thế nên các khách hàng ở hai đầu bãi biển sẽ rất khó mua được kem.

Tuy vậy, nếu có thêm một người bán nữa, điểm cân bằng tĩnh trên sẽ bị phá vỡ kéo theo hàng loạt động thái như thay đổi địa điểm bán hàng và điều chỉnh giá. Sử dụng mô hình hóa khiến các khách hàng doanh nghiệp sẵn sàng thi hành các chiến lược dài hạn hơn, TS. Black nói.

Bin Laden trốn ở đâu? Để hỏi “mô hình” đi …

Tác dụng của phần mềm lý thuyết trò chơi còn vượt ra khỏi phạm vi kinh tế học. Năm 2007, quân đội Mỹ cung cấp cho ông Bueno de Mesquita thông tin mật để chạy được mô hình đánh giá tác động chính trị của việc đưa một tàu sân bay tới gần Bắc Triều Tiên (ông từ chối tiết lộ kết quả).

Phần mềm lý thuyết trò chơi còn giúp xác định nơi ẩn náu của bọn khủng bố. Để chạy được mô hình, Guillermo Owen từ trường Cao học Hải quân tại Monterey, California đã sử dụng tin tức tình báo từ Không quân Hoa Kỳ để ước tính trên thang điểm 100 tầm quan trọng của những thứ mà một kẻ bị truy nã thích (ví dụ như cá) hay những thứ hắn ưu tiên (nằm im hay tuyển mộ những kẻ đánh bom liều chết). Những yếu tố ấy quyết định việc tên khủng bố ẩn náu tại đâu và như thế nào. Phần mềm lý thuyết trò chơi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lần ra tung tích của Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, ông Owen nói.

Phần mềm hòa bình

Những tiến bộ ấy sẽ đi tới đâu? Bên cạnh việc chạy đua xây dựng những phần mềm ngày càng tinh vi hơn, các “modeller” còn nỗ lực phát triển phần mềm có thể hỗ trợ đàm phán và hòa giải.

Hai thập kỷ trước ông Clara Ponsatí, một học giả người Tây Ban Nha, đã đưa ra một ý kiến đầy thông minh khi suy nghĩ về tiến trình đàm phán hòa bình đầy gian khổ Israel-Palestine.

Nhà đàm phán nào cũng biết, bên nào ngửa bài trước xem mình sẵn sàng hy sinh cái gì sẽ mất rất nhiều lợi thế đàm phán. Mất đi lá bài tẩy trong tay, nếu gặp phải một đối thủ thông minh, họ sẽ bị dồn vào thế chân tường. Nhưng nếu cả hai bên đều không chịu nhượng bộ, đàm phán sẽ bế tắc hoặc đổ vỡ. Trong một nghiên cứu xuất bản năm 1992, TS. Ponsatí đề xuất việc sử dụng phần mềm để phá thế bế tắc kể trên.

Những cuộc đàm phán cam go có thể nhờ các nhà trung gian trung lập mà có tiến bộ, đặc biệt là nếu nhà trung gian này được cả hai phía tiết lộ xem họ có thể nhượng bộ đến đâu. TS. Ponsatí cho rằng nếu không tin một nhà trung gian bằng xương bằng thịt, hoặc có thể chẳng có nhà trung gian nào cả, một máy tính có thể đảm nhận công việc này.

Hai bên sẽ nhập vào phần mềm các thông tin tuyệt mật và đề xuất một thỏa thuận. TS Ponsatí (nay là Chủ tịch Viện Phân tích kinh tế, ĐH tự trị Barcelona) nói những “cỗ máy trung gian” như thế có thể “bôi trơn” quá trình thương thảo nhờ biết được các thông tin mà các bên sẽ dấu kín trước đối thủ hoặc một nhà trung gian là con người.

Một phần mềm như thế đang dần hiện hữu. Nhà lý thuyết trò chơi Barry O’Neill tại ĐH California, Los Angeles nói nó có thể hỗ trợ giải quyết ly dị. Vợ và chồng mỗi bên đều được cho một số điểm nhất định và phải phân phối số điểm đó vào những tài sản mà mình muốn.

Ví dụ như vợ sẽ cho phần mềm biết mình đánh giá chiếc xe hơi là 15 điểm. Nếu chồng cho rằng giá trị của chiếc xe là 10 điểm, sau này ông ta không thể nói rằng mình đáng phải nhận được nhiều hơn vì đã mất chiếc xe hơi.

Gói gọn chuyện binh đao trong ổ cứng máy tính?

Các bên liên quan phải chắc chắn được rằng công nghệ trung gian ấy hoàn toàn trung lập. Với các thỏa thuận lớn, các công ty kiểm toán giám sát chặt chẽ việc phát triển và sử dụng các phần mềm loại này để đảm bảo không bên nào có thể bí mật thu thập thông tin về bên kia, nhà lý thuyết trò chơi Benny Moldovanu từ ĐH Bonn nói.

Ông đang tư vấn cho các công ty thiết kế phần mềm đàm phán sử dụng trong thị trường điện bán buôn và các kế hoạch tư nhân hóa. Ông tin tưởng phương pháp này sẽ được áp dụng cho các thị trường dịch vụ công khác như nước sạch.

Liệu trung gian sử dụng phần mềm có thể đi từ hôn nhân gia đình tới các tranh chấp chính trị - quân sự? Các nhà lý thuyết trò chơi cho rằng đó chỉ là những biến thể của cùng một vấn đề và đã phát triển một mô hình lý thuyết rất thú vị về chiến tranh.

“Nguyên lý hội tụ” cho rằng về bản chất xung đột vũ trang chính là hoạt động thu thập thông tin. Các bên tham chiến nổ súng để xác định sức mạnh quân sự và giải pháp chính trị của địch thủ. Khi những đánh giá chính xác và tương đồng của các bên đều đã “hội tụ” có thể dẫn tới việc đầu hàng hay ký hiệp ước hòa bình.

Mỗi bên tham chiến đều có động cơ để gây thiệt hại nặng cho đối phương vì điều đó thể hiện họ đánh giá rất cao chiến thắng. Nhưng một mô hình như thế lại chẳng liên quan gì tới bản chất con người. Một số nhà lý thuyết trò chơi cho rằng mô hình ấy có thể được chỉnh sửa lại để đàm phán ngoại giao có thể thay thế cho xung đột vũ trang.

Ngày nay phần mềm lý thuyết trò chơi vẫn chưa đủ tiến bộ để làm trung gian cho các nước tham chiến. Nhưng một ngày nào đó, các nước đang trên bờ vực chiến tranh có thể sử dụng chúng để trao đổi thông tin mà không phải đánh giết lẫn nhau.

Họ có thể biết chiến tranh sẽ dẫn tới đâu, bỏ qua chuyện binh lửa và tiến tới ngay một thỏa thuận, ông Bueno de Mesquita nói. Có lẽ là thật quá lạc quan, nhưng riêng về tương lai, thì ông ấy là chuyên gia cơ mà!

Minh Tuấn

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên