MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá: Bóng không hoàn toàn trong chân Ngân hàng Nhà nước

14-09-2011 - 17:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Động thái hạn chế tăng tín dụng ngoại tệ gần đây không loại bỏ được rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá từ chuyện tăng tín dụng ngoại tệ mạnh vốn đã diễn ra từ trước.

Thông điệp về chính sách điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước (NHNN) là từ nay đến cuối năm sẽ theo hướng ổn định, nếu cần điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh không quá 1% theo diễn biến tỷ giá thực của VND, và NHNN sẵn sàng can thiệp để bình ổn tỷ giá. Nếu chuyện hạ lãi suất của NHNN phụ thuộc nhiều vào chính sách của NHNN, vì NHNN nắm các công cụ chủ lực để bơm vốn và thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế, thì mục tiêu giữ tỷ giá ổn định từ đây đến cuối năm của NHNN lại không đơn giản như vậy.

Thứ nhất, nếu ngân hàng Nhà nước muốn giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp thì người dân sẽ phải quan tâm tới kênh đầu tư thay thế như vàng và đôla Mỹ. Thị trường vàng quốc tế không bị sự chi phối của NHNN nên nếu giá vàng thế giới tăng cao, người dân đổ qua mua vàng nhiều, nhu cầu mua đôla Mỹ để nhập vàng tăng thì tỷ giá USD/VND khó mà có thể được giữ vững như ý NHNN muốn (nếu ngân hàng Nhà nước muốn giữ tỷ giá, hạn chế nhập vàng thì hiện tượng giá vàng Việt Nam bỏ xa giá vàng quốc tế sẽ lại là vấn đề).

Thứ hai, tỷ giá bị tác động bởi dòng tiền từ xuất nhập khẩu, dòng tiền đầu tư quốc tế và nhu cầu chuyển đổi tài sản từ VND sang đôla Mỹ của người dân. Những yếu tố này có tính bất ổn cao và có tính thời vụ lớn (chẳng hạn nhập siêu cuối năm thường tăng), vì vậy không phải ngân hàng Nhà nước muốn can thiệp bình ổn tỷ giá lúc nào cũng được. Con số 16 – 17 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Việt Nam, do IMF ước tính, hiện tại vẫn còn kém xa con số 20,7 tỉ USD được công bố vào năm 2008. Vậy mà từ đó đến nay, do những biến động ngoài dự đoán của thế giới và trong nước, VND vẫn giảm giá đáng kể so với USD bất chấp mong muốn bình ổn thị trường ngoại hối của Chính phủ.

Cuối cùng, là vấn đề xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hơn 20% trong sáu tháng đầu năm. Bao nhiêu phần trong các khoản tăng tín dụng ngoại tệ từ năm 2010 đến nay (theo số liệu từ NHNN thì trong năm 2010 dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 48%, sáu tháng đầu năm nay tăng 22%) sẽ đáo hạn, và liệu doanh nghiệp đi vay có đổ xô đi mua đôla Mỹ để trả nợ vào cùng một thời điểm hay không vẫn là một ẩn số. Động thái tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% của ngân hàng Nhà nước là hướng đi đúng nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (tăng tỷ lệ dự trữ thì về lý thuyết sẽ làm giảm nguồn cung có thể cho vay và làm tăng chi phí vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng thương mại), nhưng lại chỉ mới diễn ra, trong khi số tín dụng ngoại tệ tăng mạnh thì đã diễn ra lâu rồi. Do đó, động thái hạn chế tăng tín dụng ngoại tệ gần đây không loại bỏ được rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá từ chuyện tăng tín dụng ngoại tệ mạnh vốn đã diễn ra từ trước.

Với triển vọng hiện tại về dòng vốn quốc tế và tình hình dự báo cán cân thanh toán có thể thặng dư, việc ngân hàng Nhà nước có thể giữ tỷ giá ổn định không phải là không thể, nhưng với mục tiêu mức biến động từ nay đến cuối năm chỉ trong khoảng 1% (nghĩa là USD chỉ tăng giá tối đa 1% so với VND) thì người viết băn khoăn. Một thông điệp như vậy, nếu bị một lý do xui rủi nào đó (chẳng hạn biến động giá vàng hay thâm hụt thương mại tăng đột biến) khiến nó không đạt được mục tiêu, có thể làm mất đi uy tín của ngân hàng Nhà nước, làm giảm hiệu quả tác động của các thông điệp chính sách trong tương lai.

Theo Hồ Quốc Tuấn

Nghiên cứu sinh tiến sĩ,
đại học Manchester, Anh

SGTT

hangnt

Trở lên trên