MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo huy động vốn giảm

14-09-2011 - 09:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc đưa lãi suất tiết kiệm về mức trần quy định 14%/năm đang khiến không ít ngân hàng quy mô nhỏ đối mặt nguy cơ vốn huy động có thể giảm.

Nhiều ngân hàng lo ngại về khả năng vốn huy động sẽ giảm, do áp lực lạm phát còn ở mức cao và các kênh đầu tư khác (vàng, chứng khoán, bất động sản…) đang dần hấp dẫn trở lại đối với tiền nhàn rỗi.
Trên thực tế, trong 2 quý đầu năm 2011, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tiếp tăng tạo sức ép lên lãi suất và nguồn vốn huy động bằng tiền đồng sụt giảm so với tiết kiệm ngoại tệ. Tâm lý lo ngại tiền đồng mất giá trước sức ép của lạm phát, nên không ít người đã chuyển hướng sang nắm giữ ngoại tệ, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trần lãi suất đối với tiết kiệm USD chỉ còn 2%/năm, thì vốn tiết kiệm VND mới có dấu hiệu tăng trở lại.
 
Nguồn vốn huy động tiền đồng có dấu hiệu tăng trưởng trong những tháng gần đây và số liệu vừa được đưa ra từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 19/8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 3,04% so với tháng trước.

Sở dĩ vốn huy động tiết kiệm tiền đồng tăng trong những tháng gần đây là do mức lãi suất thực mà ngân hàng phải trả cho khách hàng trên trần quy định 14%/năm dưới hình thức thỏa thuận “ngầm”, phổ biến 17 - 18%/năm và thậm chí còn lên đến 19 - 20%/năm cho những khoản tiền gửi trị giá hàng tỷ đồng. Mặt khác, với trần lãi suất huy động ngoại tệ phải về dưới 2%/năm, đã buộc nhiều người chuyển hướng từ gửi tiết kiệm bằng USD sang VND để được hưởng mức lãi suất thực cao hơn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi các ngân hàng phải thực hiện Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN về việc đưa lãi suất tiết kiệm về mức trần quy định 14%/năm, đã khiến không ít ngân hàng lo ngại. Đáng chú ý là, với những ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao và thị phần huy động tiền gửi còn hạn chế.

Vì thế, một khi phải cào bằng lãi suất huy động về mức cao nhất còn 14%/năm, thì phân khúc ngân hàng nhỏ sẽ gặp phải khó khăn trong việc thu hút tiền tiết kiệm để bổ sung thanh khoản và đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng dịp cuối năm, nếu không có sự hỗ trợ từ phía NHNN. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ mới ở mức 3.000 tỷ đồng trên địa bàn TP.HCM cho rằng, với mức trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng được cào bằng và các ngân hàng lớn đang áp dụng đồng đều ở mức này, chắc chắn người gửi tiền không muốn gửi ở các ngân hàng quy mô nhỏ.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, tình hình huy động tiết kiệm tiền đồng vốn đã khó khăn do sức ép lạm phát còn ở mức cao, đặc biệt là trước sức nóng của thị trường vàng trong thời gian gần đây đã “hút” tiền tiết kiệm. Đến nay, mức trần lãi suất tiếp tục duy trì với tiết kiệm VND và được cào bằng ở tất cả các loại ngân hàng, thì khả năng thu hút tiền gửi của các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ khó khăn hơn.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng quy mô lớn lại khá lạc quan khi tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình ban hành Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN về việc thanh, kiểm tra gắt gao đối với các ngân hàng “vượt” trần lãi suất huy động và sẽ mạnh tay xử lý lãnh đạo của những ngân hàng không chấp hành nghiêm trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm.

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành cho rằng, cần kiên định trong việc giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng về đúng mức trần quy định. “Có như vậy, lãi suất cho vay thỏa thuận VND mới có thể giảm xuống 17 - 19%/năm và kỳ vọng sẽ sớm giảm thêm trong thời gian tới khi lạm phát hạ nhiệt”, ông Thành cho biết.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về lãi suất, các ngân hàng thương mại đã tuân thủ đúng quy định. Trong đó, với lãi suất huy động theo thống kê của NHNN đưa ra, tính đến ngày 8/9, đã có 34/42 ngân hàng thương mại ban hành văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống về việc chấp hành đúng quy định của NHNN về mức lãi suất huy động VND và USD; các ngân hàng thương mại khác đang triển khai ban hành văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống.
 
Theo Thùy Vinh
Báo đầu tư

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên