Trắng tay vì giải chấp!
Hiện tượng vay tiền bên ngoài để giải chấp khoản vay ngân hàng đang rất phổ biến. Nhiều rủi ro đã xảy ra cho cả người đi vay lẫn người “nhảy” vào giải chấp
Anh Khôi, nhà ở quận Gò Vấp - TPHCM, cho biết vừa gửi đơn kiện ra tòa yêu cầu đòi lại tài sản. Nguyên nhân là do anh đã cho một người quen vay tiền để giải chấp khoản nợ ngân hàng (NH) đến hạn. Nhưng sau đó, người này đã không trả được nợ cho anh.
Kiện cáo, mất nhà…
Theo lời anh Khôi, cuối năm 2008, anh cho người quen vay 600 triệu đồng để họ trả nợ NH. “Thấy bà ấy có nhà, có đất nên tôi tin tưởng cho vay, cũng làm hợp đồng vay mượn nhưng không thế chấp tài sản. Người vay hứa sau khi đáo hạn sẽ được NH cho vay lại sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Vậy mà sau đó, họ chỉ trả lãi được tháng đầu, đến nay số nợ gốc và lãi tính ra hơn 700 triệu đồng vẫn không chịu trả. Tôi đành kiện ra tòa để đòi lấy lại tiền”- anh Khôi than thở.
TAND huyện Hóc Môn- TPHCM cũng đang thụ lý vụ tranh chấp đòi tài sản giữa hai doanh nghiệp. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến vụ việc cũng xuất phát từ việc giải chấp nợ NH. Trước đó, tháng 11-2010, công ty T. (huyện Hóc Môn) chuyên kinh doanh giấy nhám có lập hợp đồng hứa mua bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nhà và đất) cho công ty Đ.P với giá trị hợp đồng là 15 tỉ đồng (thực chất là vay tiền để giải chấp nợ NH).
Dù toàn bộ số tài sản trên đang được công ty T. thế chấp tại NH Phương Nam, chi nhánh Sài Gòn nhưng đơn vị cho vay vẫn đồng ý. Sau khi nhận một phần tiền, công ty T. đem tiền trả cho NH rồi lấy tài sản về nhưng không trả cho doanh nghiệp giải chấp mà đem tài sản trên thế chấp tiếp ở một NH khác vay số tiền 13,4 tỉ đồng.
Bức xúc, công ty Đ.P gửi đơn ra tòa đòi tài sản tham gia thế chấp. Bản thân công ty T., sau khi vay 13,4 tỉ đồng mới cũng không có khả năng chi trả, số tiền vay trở thành nợ quá hạn buộc NH cho vay phải giám sát toàn bộ hàng hóa, tài sản nhà đất và các giấy tờ có giá trị để yêu cầu công ty T. trả nợ...
Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn D. và bị đơn là ông Nguyễn Đức G., ngụ quận Thủ Đức vừa được TAND TPHCM đưa ra xét xử. Theo hồ sơ, từ năm 2006, vợ chồng ông G. có vay tiền NH lấy vốn làm ăn. Đến ngày đáo hạn, do không có tiền trả NH họ quay sang vay tiền ông D. trả NH. Thế nhưng sau đó, NH không cho vay tiếp, còn số nợ vay của ông D. gồm cả gốc và lãi hơn 2,6 tỉ đồng cứ tăng dần lên. Rốt cuộc, vợ chồng ông G. phải dùng căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (được định giá khoảng 3 tỉ đồng) làm tài sản thế chấp bảo đảm.
“Hợp đồng hứa mua bán căn nhà này có điều kiện đi kèm là sau 3 tháng nếu vợ chồng ông G. không trả được lãi sẽ bị đăng bộ hồ sơ và có khả năng mất nhà” – luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, người tham gia bào chữa cho bị đơn, cho biết.
Rủi ro rất lớn
Theo luật sư Công, thời gian qua, một số vụ tranh chấp đòi tài sản có nguyên nhân từ việc vay tiền để giải chấp, đáo hạn trong NH. Để tránh bị mất uy tín với NH, người vay thường nhờ bên thứ ba tham gia giải chấp bằng hợp đồng hứa mua hứa bán nhà hoặc hợp đồng chuyển nhượng tài sản…
Sau đó, nhiều trường hợp không được NH cho vay lại. Trong khi lãi vay của bên thứ ba lại quá cao khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Rốt cuộc bên thứ 3 kiện ra tòa và người vay tiền phải mất nhà.
Theo một cán bộ tín dụng một NH thương mại cổ phần ở TPHCM, không ít trường hợp khách hàng cầm sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất đến NH vay tiền rồi cho vay lại dưới dạng giải chấp nhằm hưởng lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, khách hàng mang sổ đỏ đến NH thế chấp vay 600 triệu đồng lãi suất 22%/năm (giá trị căn nhà được NH định giá 1 tỉ đồng). Ba tháng đầu, khách hàng trả lãi đúng hạn nhưng đến tháng thứ 4, khách hàng không đóng lãi.
“Tìm hiểu mới biết, khách hàng vay vốn NH rồi cho bên thứ ba vay lại (để giải chấp nợ) nhằm hưởng lãi suất trung bình lên tới 5%/tháng (60%/năm). Khi bên thứ ba mất khả năng chi trả khiến khách hàng của NH cũng không có tiền trả lãi NH. Khi đó, chúng tôi đành phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ” – cán bộ này cho biết.
Hiện nay, tình trạng giải chấp trong NH diễn ra khá phổ biến góp phần làm tăng nợ xấu của NH. Điều này có thể do nhân viên NH chưa khảo sát đánh giá đúng khả năng chi trả, tình trạng kinh doanh… của khách hàng. Nhưng cũng không loại trừ khả năng cán bộ tín dụng “bắt tay” với bên thứ ba tham gia giải chấp nên vẫn ký hợp đồng tín dụng.
Trong các vụ kiện đòi tài sản có nguyên nhân từ giải chấp, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người vay tiền vì phải chịu lãi suất rất cao. Khả năng mất nhà rất lớn nếu không trả được nợ. Nếu có, cũng chỉ lấy lại được một phần tiền chênh lệch giữa tiền vay và giá trị căn nhà. Luật sư Nguyễn Thành Công , Giám đốc Công ty Đông Phương Luật |