MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến cuối cùng của Tổng thống Obama

25-09-2011 - 07:17 AM | Tài chính quốc tế

Kế hoạch của ông Obama có thể sẽ bị triệt tiêu ở Hạ viện Mỹ nhưng ông sẽ có thể hãnh diện mang nó vào cuộc tranh cử năm 2012 như bằng chứng cho thấy Đảng Cộng hòa không sống vì người dân thường Mỹ.

Hôm thứ Hai, 19-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra kế hoạch khống chế nợ công và cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ, chấp nhận bước vào một giai đoạn xung đột mới với đảng Cộng hòa đối lập.

Kế hoạch được gọi là “cân bằng” của ông Obama thực chất đã làm nổi rõ sự đối lập sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa: dù cùng nhắm tới mục tiêu giảm thâm hụt nhưng một bên chỉ muốn tăng thu ngân sách, một bên chỉ muốn giảm chi ngân sách. Theo kế hoạch của ông Obama, việc cắt giảm ngân sách dường như được chia đều cho cả hai bên, khoản tăng ngân sách sẽ nhiều bằng khoản tiết kiệm từ giảm chi.

Bản kế hoạch dài 67 trang của ông Obama nhắm tới cắt giảm 4.000 tỉ đô la Mỹ thâm hụt ngân sách chính phủ trong vòng 10 năm tới, ngoài khoản cắt giảm 912 tỉ đô la Mỹ đã nêu trong thỏa thuận nâng trần nợ công hôm 2-8, số 3.100 tỉ đô la còn lại sẽ dựa trên ba lĩnh vực chủ yếu: cải tổ các chương trình phúc lợi mục tiêu để tiết kiệm 580 tỉ đô la, tăng thu ngân sách 1.500 tỉ đô la bằng cách tăng thuế đối với người giàu và tiết kiệm 1.100 tỉ đô la chi phí chiến tranh nhờ kết thúc chiến tranh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Theo kế hoạch, mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Mỹ sẽ giảm từ 1.300 tỉ đô la năm nay xuống 685 tỉ đô la năm 2021, từ 8,5% GDP hiện nay xuống 2,9% GDP. Tỷ lệ nợ công sẽ được duy trì ở mức 74% GDP trở xuống, từ mức hơn 85% GDP hiện nay.

Lấy của người giàu hỗ trợ người nghèo

Đối với các chương trình phúc lợi mục tiêu (entitlement programs) - vốn là cốt lõi trong chính sách của đảng Dân chủ nhưng bị đảng Cộng hòa phản đối quyết liệt - ông Obama hy vọng đạo luật về chăm sóc y tế mà ông đã ban hành trước đây có thể giúp tiết kiệm 248 tỉ đô la chi phí cho chương trình Medicare (hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi) và 72 tỉ đô la cho chương trình Medicaid (hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho người nghèo không có bảo hiểm y tế) mà không cần phải cắt giảm đầu tư của chính phủ và không cần phải nâng độ tuổi tối thiểu được hưởng Medicare từ 65 tuổi hiện nay lên 67 tuổi theo yêu cầu của đảng Cộng hòa.

Về thuế, ông Obama hy vọng việc chấm dứt hiệu lực đạo luật về miễn giảm thuế cho người giàu và các tập đoàn dầu mỏ thực hiện từ thời Tổng thống George Bush trước đây và sẽ hết hạn vào cuối năm nay có thể mang về cho ngân sách khoảng 800 tỉ đô la tiền thuế.

Ngân sách cũng có thể thu thêm khoảng 700 tỉ đô la trong 10 năm nhờ cải cách chính sách thuế, lấp các lỗ hổng hiện hành và điều chỉnh mức giảm trừ thuế cho những người có thu nhập hàng năm trên 200.000 đô la, những gia đình có thu nhập trên 250.000 đô la. Nhưng điểm mấu chốt trong chính sách tăng thuế của ông Obama là “Luật Buffett”, theo đó các triệu phú, tỉ phú (có thu nhập trên 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm) phải đóng thuế với tỷ lệ tối thiểu không thấp hơn các nhân viên của họ.

Chính kế hoạch tăng thuế này là điểm nóng xung đột giữa hai đảng, vì đảng Cộng hòa vẫn có truyền thống chống lại việc tăng thuế, nhất là đối với giới người giàu và các tập đoàn.

Hồi tháng 7, thỏa thuận lưỡng đảng về nâng trần nợ công để Chính phủ Mỹ khỏi vỡ nợ ủy quyền cho một ủy ban lưỡng đảng, lưỡng viện xem xét và đề xuất một kế hoạch cắt giảm nợ công; nếu đến ngày 23-12-2011 mà ủy ban này không đưa ra được kế hoạch hoặc kế hoạch không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thì một chương trình cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ được tự động kích hoạt vào đầu năm 2013. Chương trình tự động này không bao gồm việc tăng thuế, tăng nguồn thu ngân sách mà chủ yếu chỉ cắt giảm ngân sách trong các lĩnh vực phúc lợi (y tế, giáo dục) và quốc phòng nhằm giảm 1.200 tỉ đô la ngân sách chính phủ Mỹ trong vòng 10 năm.

Đối mặt với sự sụt giảm trong tỷ lệ ủng hộ của dân chúng dành cho nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama nhấn mạnh rằng, bất kỳ kế hoạch cắt giảm nợ công dài hạn nào cũng sẽ không được cắt giảm phúc lợi xã hội (Medicare và Medicaid) nếu không đồng thời tăng thuế đánh lên những người giàu nhất và các công ty lớn nhất.

Và trái với bản tính “dĩ hòa vi quý” thường thấy ở ông, ông Obama đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ kế hoạch nào chỉ đòi hỏi cắt giảm chi tiêu của chính phủ mà không đồng thời bao gồm việc tăng thu thông qua tăng thuế. “Tôi sẽ không ủng hộ - tôi sẽ không ủng hộ - bất kỳ kế hoạch nào đặt mọi gánh nặng về thu hẹp thâm hụt ngân sách lên vai người dân thường Mỹ. Và tôi sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào thay đổi quyền lợi của những người phải phụ thuộc vào Medicare mà không nâng cao thu nhập cho ngân sách thông qua việc yêu cầu những người Mỹ giàu có và các tập đoàn phải trả phần công bằng của họ. Chúng ta sẽ không có một thỏa thuận đơn phương gây tổn thương cho những người dễ tổn thương nhất”, ông Obama nói tại Nhà Trắng sáng thứ Hai vừa qua.

Đảng Cộng hòa: “Chiến tranh giai cấp”

Trong tuần qua, trước khi ông Obama công bố kế hoạch của mình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, cũng là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng hòa, ông John Boehner, đã nhiều lần tuyên bố rằng ông không ủng hộ bất kỳ dự luật nào có bao gồm việc tăng thu ngân sách dưới hình thức tăng thuế. “Việc Chính phủ nhấn mạnh vào biện pháp tăng thuế đánh lên những người tạo ra công việc làm và từ chối tiến hành các bước cần thiết để củng cố các chương trình phúc lợi mục tiêu là lý do khiến tôi và tổng thống không đạt được thỏa thuận trước đây. Và rõ ràng ngày hôm nay những rào cản ấy vẫn tồn tại”, ông Boehner nói.

Hôm Chủ nhật, một ngày trước khi kế hoạch của ông Obama được chính thức công bố, nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã mang điều “Luật Buffet” ra chế nhạo; họ cho rằng nó sẽ kích hoạt cuộc chiến tranh giai cấp (class warfare) và là một thủ đoạn chính trị nhắm tới việc xuyên tạc hình ảnh các đối thủ chính trị của ông Obama như là những người vô cảm với nỗi khó khăn mà người dân trung lưu Mỹ đang đối mặt. Dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện và là người ủng hộ hàng đầu việc cắt giảm chi tiêu cho các chương trình phúc lợi như Medicare, nói rằng, luật tăng thuế của chính phủ sẽ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế đang trì trệ. Nó sẽ “gây thêm bất ổn cho hệ thống, thêm mơ hồ và cản trở việc tạo ra nhiều công ăn việc làm”.

“Chiến tranh giai cấp có thể nhắm tới nền chính trị tốt, nhưng nó cũng nhắm tới kinh tế hư hỏng”, ông Ryan nói. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, bang Kentucky, một trong các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, nhận xét: “[Tăng thuế] là việc làm tồi tệ giữa lúc kinh tế đang suy thoái”. Nhìn chung, đảng Cộng hòa nói rõ rằng, họ không chấp nhận việc tăng thuế đánh lên những người giàu với niềm tin rằng, nó sẽ không khích lệ người ta đầu tư và do đó sẽ không giúp tăng trưởng kinh tế cũng như không góp phần tạo ra công ăn việc làm - mối quan tâm lớn nhất của xã hội Mỹ hiện nay.

Những tổ chức có thiên hướng tự do có vẻ đang ngả về phía ông Obama. “Kế hoạch của tổng thống bắt buộc người giàu phải đóng thuế nhiều hơn thư ký của họ là tin tức tốt lành mà chắc chắn cử tri sẽ ủng hộ mạnh mẽ. Chúng tôi hoan nghênh tổng thống đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của những người tiến bộ”, Roger Hickey, đồng giám đốc Chiến dịch vì Tương lai nước Mỹ, ra tuyên bố cho biết.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Obama có ít cơ hội biến thành luật trừ phi đảng Cộng hòa chịu nhượng bộ - một điều rất khó hy vọng vào lúc này.

Cuộc chiến cuối cùng của ông Obama

Bằng kế hoạch vừa công bố, ông Obama dường như đã từ bỏ sách lược mà ông theo đuổi hơn một năm qua, kể từ khi đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ. Sách lược đó là tìm cách thỏa hiệp với đảng Cộng hòa, nhất là xây dựng quan hệ với cá nhân ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện, với hy vọng tạo ra được sự đồng thuận lưỡng đảng trong các vấn đề lớn của đất nước, đồng thời giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ và dân biểu độc lập. Tuy nhiên, nhiệt tình thỏa hiệp của ông Obama càng khiến đảng Cộng hòa lấn tới, gây ra tình trạng “trâu bò húc nhau” trên chính trường Mỹ như được biểu lộ trong cuộc thảo luận về nâng trần nợ công của Mỹ hồi tháng 6 tháng 7 vừa qua dẫn tới việc Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Mỹ, khiến các đảng viên Dân chủ thất vọng và các nhà lập pháp độc lập xa rời ông. Sau 10 tháng nhường nhịn, giờ đây ông Obama nhận ra rằng, để vùi dập nhiệm kỳ tổng thống của ông và ngăn ông đắc cử một nhiệm kỳ nữa, đảng Cộng hòa sẵn sàng chống lại mọi đề xuất, mọi sáng kiến của chính phủ.

Chỉ còn 15 tháng nữa nước Mỹ sẽ đi bầu tổng thống mới và ông Obama cần phải thay đổi cái nhìn của công chúng đối với khả năng lãnh đạo của ông thì mới hy vọng tái ứng cử thành công. Bằng cách chấp nhận đối đầu một cách kiên quyết với đảng Cộng hòa để giữ vững các nguyên tắc của đảng Dân chủ trong vấn đề tăng thuế, giảm thâm hụt ngân sách, ông Obama vừa củng cố sự ủng hộ trong đảng Dân chủ, đồng thời thể hiện quyết tâm theo đuổi những chính sách mà ông tin tưởng là có lợi cho đất nước sẽ giúp ông thu phục lòng tin của những người độc lập không đảng phái. Bằng kế hoạch mới, ông Obama sẽ đặt đảng Cộng hòa trước một sự lựa chọn chính trị mang tính lịch sử: hoặc bảo vệ cho tầng lớp thượng lưu của nước Mỹ hoặc thỏa hiệp với Chính phủ Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát để làm giảm thâm hụt ngân sách, tránh cho thế hệ tương lai một núi nợ nần.

Kế hoạch của ông Obama có thể sẽ bị triệt tiêu ở Hạ viện Mỹ, nhưng theo bình luận của báo The Economist, đó là một tài liệu mà ông Obama có thể hãnh diện mang vào cuộc vận động tranh cử sắp tới như một bằng chứng cho thấy đảng Cộng hòa là đồng minh hết lòng hết dạ của những kẻ giàu - một thông điệp sẽ có tiếng vang trong công chúng cử tri của mùa bầu cử sắp tới.

Theo Thái Bình

Thời báo kinh tế Sài Gòn

ngocdiep

Trở lên trên