MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất chào vay liên ngân hàng lên 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng

19-10-2011 - 11:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Thực tế, số đông giao dịch với mức lãi suất 22 – 24%/năm trong ngày 17/10, còn ngày 18/10 thì cao hơn chút, từ 24 – 25,5%/năm

Chia sẻ với ĐTCK, tổng giám đốc một NHTM cho biết, cuối buổi sáng ngày 18/10, nhân viên báo cho ông biết ngân hàng được chào vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.

Cũng tương tự, phó tổng giám đốc một ngân hàng cũng chia sẻ, ngân hàng ông cũng được chào bán với mức lãi suất tương tự nhưng theo ông, giao dịch thực thì lãi suất không cao đến vậy.

“Lãi suất 40%/năm có thể là một, hai giao dịch của ngân hàng nào đó, chứ thực tế, số đông giao dịch với mức lãi suất 22 – 24%/năm trong ngày 17/10, còn ngày 18/10 thì cao hơn chút, từ 24 – 25,5%/năm, tất nhiên, tăng đột biến gấp đôi mức trước đây là bất thường”, vị phó tổng giám đốc trên cho biết.

Còn lãnh đạo một ngân hàng khác, khi trao đổi vơi ĐTCK cho biết thêm, tỷ lệ trúng thầu trên thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 18/10 vào khoảng 39%, cao hơn gần 10% so với ngày hôm trước. Điều này có nghĩa NHNN đã “nới” hơn một chút kênh bơm vốn của mình cho các ngân hàng để hạ nhiệt chuyện vay mượn giữa các ngân hàng.

Số liệu mà các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật ngày hôm qua cũng tương ứng với diễn biến trên. Cụ thể, ngày 17/10, NHNN đã bơm ra 10.000 tỷ đồng nhưng thu hồi khoản đáo hạn là 3.000 tỷ đồng, nghĩa là NHNN bơm “ròng” 7.000 tỷ đồng cho thị trường.

Mặc dù động thái theo hướng ‘tích cực hơn’ của NHNN được cập nhật nhưng cũng theo vị lãnh đạo trên, con số bơm ròng này cũng chỉ ngang mức bình thường trước đây. Bản chất nghiệp vụ của OMO là điều hòa, lúc “bơm” lúc “hút”, chính vì vậy, con số bơm ròng như trên không phản ánh việc NHNN can thiệp lên thị trường liên ngân hàng, trừ phi đó là con số lớn hơn nhiều lần.

“Vì vậy, việc bơm ròng của NHNN không có điểm gì đặc biệt”, vị lãnh đạo trên nhận định.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao đang phản ánh một bộ phận nào đó trong hệ thống các NHTM đói vốn, trong điều kiện nguồn cung (thường là các ngân hàng lớn có dư thừa nguồn vốn) đang hạn chế cho vay ra nên đã đẩy lãi suất lên cao.

“Tóm lại, trong hệ thống ngân hàng có vấn đề về thanh khoản. Nhưng đây không phải là câu chuyện mới, không phải là điều bất thường. Câu chuyện này vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần và do những nguyên nhân nội tại gây ra”, TS. Hiếu nói. Có thể vì câu chuyện “lặp lại nhiều lần này” mà trong câu chuyện trao đổi với ĐTCK, hầu hết các chuyên gia ngân hàng tỏ một thái độ khá “thản nhiên”.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn thường xuyên “cho vay” nhiều hơn “đi mượn” thậm chí còn cho rằng, việc thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khó khăn là một điều đáng mừng vì nó đã hiện thực hóa mục tiêu thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

“Tôi tin chắc rằng, NHNN có rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó tình hình này, khái niệm ‘mất thanh khoản’ gần như không được phép xuất hiện trong điều kiện hệ thống ngân hàng vẫn vận hành bình thường”, ông này nói và cho biết: “Việc các ngân hàng cho vay lẫn nhau có thể 25%/năm, thậm chí 30 – 40%/năm (trong thời gian ngắn không phải là nhiều) có thể là một điều dễ hiểu khi thắt chặt tiền tệ. NHNN đã, đang và sẽ bơm thanh khoản vào thị trường nhưng vẫn hướng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.”

Có thể, sự bình thản về một vấn đề đang rất nóng trên thị trường tiền tệ hiện nay, chỉ là một cách nhìn trong nhiều cách nhìn về một vấn đề. Nhưng cách nhìn đó có lý, có lý bởi trình độ quản trị của rất nhiều ngân hàng mà như các ngân hàng tự nhận xét trong các báo cáo của mình, là còn rất thấp. Quản trị kém khiến nguồn vốn lúc thừa, lúc thiếu ở mức cao, lãi suất đương nhiên vì đó sẽ có lúc biến động ở mức cao. Bình thường!

Tất nhiên, sự “bình thường” đó sẽ không còn hợp lý nếu đặt vào yêu cầu của cả nền kinh tế cần một hệ thống tài chính vững mạnh. Loại bỏ những yếu tố gây bất thường cho thị trường tài chính có lẽ sẽ là một nội dung quan trọng mà NHNN cần thực hiện để chấp hành chỉ đạo tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo yêu cầu của Nghị quyết TW 3 vừa qua.

Theo Nhuệ Mẫn

ĐTCK 

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên