MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liều thuốc mạnh đang có phản ứng phụ

Gần 50.000 DN ngưng hoạt động; đã có ngân hàng thông báo mất khả năng thanh khoản…

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội chiều 21-10, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu những tác dụng phụ của các nhóm giải pháp thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vừa qua. Trong đó nổi lên là nguy cơ giải thể của hàng loạt doanh nghiệp (DN), tình trạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mọc ra quá nhiều, dẫn đến “đi đêm”, cạnh tranh lãi suất như một cái “chợ”…

Nhiều doanh nghiệp ngắc ngoải

ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) thắc mắc trong báo cáo của Chính phủ không thấy nêu số lượng DN đã giải thể, ngưng hoạt động. “Theo tôi được biết thì con số này tính từ đầu năm tới nay đã lên tới gần 50.000. DN hiện nay đang rất khó khăn nên cần phải đưa những con số này vào để có hướng tháo gỡ” - bà Yến đề nghị và cho biết thêm thời gian qua, hàng loạt vụ nợ quy mô lớn đã xảy ra trên khắp cả nước.

“Đây là hệ quả của việc siết tín dụng đối với các ngân hàng. Thực tế đến thời điểm này, đã có hai ngân hàng thông báo mất khả năng thanh khoản, một số các ngân hàng khác đang trong tình trạng báo động. Theo tôi, phải xem lại liều lượng siết tín dụng vì các ngân hàng đang đứng trước nguy cơ rất lớn” - bà Yến nói và đề nghị NHNN phải xem lại việc này nếu không từ nay đến cuối năm và sang năm, số lượng DN đổ vỡ còn nhiều hơn nữa.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhận định nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa là liều thuốc nặng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng nó đang có những tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều đến DN. Vì vậy trong năm 2012, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể để giải quyết những tác dụng phụ này.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Bùng nổ ngân hàng, cạnh tranh đủ kiểu

Theo các ĐB, nền kinh tế nước ta về cơ bản vẫn ở quy mô nhỏ nhưng số lượng ngân hàng thương mại quá nhiều. “Hệ thống ngân hàng của chúng ta cả thời gian dài cho bùng nổ ra. Có đất nước nào có ngân hàng nhiều như chúng ta không? Ngay Hàn Quốc hay Singapore, các nền kinh tế lớn như thế cũng chỉ có mấy chục ngân hàng, chúng ta thì có hàng trăm ngân hàng, cạnh tranh đủ kiểu” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu ý kiến.

ĐB Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc cho thành lập đến hàng trăm ngân hàng thương mại đã tạo ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ. Vì nhiều ngân hàng dẫn đến sự cạnh tranh về lãi suất, với nhiều hình thức thiếu lành mạnh nên vô tình hình thành cái chợ về tiền tệ. Trong khi đó, chủ trương về thắt chặt tiền tệ, dù đã có từ đầu năm nhưng phải đến cuối năm mới thực hiện được là quá chậm.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cảnh báo dù chưa có vỡ nợ nhưng với một nền kinh tế đẻ ra quá nhiều tổ chức tín dụng thì đó là bất bình thường. Bên cạnh đó, những biện pháp để ứng phó với tình trạng các tổ chức tín dụng đi đêm cũng triển khai quá chậm. “Cách đây năm năm đổ vỡ hàng loạt tổ chức tín dụng nhân dân cũng là bài học. Cần nghiêm khắc với chính bản thân để tìm giải pháp khắc phục” - ông Quyền nhấn mạnh. Đồng tình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng những ngân hàng nào yếu kém quá thì có thể cho phá sản hoặc sáp nhập.

Cắt đầu tư ngoài ngành của các “ông” lớn

Vấn đề hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn cũng là nội dung được nhiều ĐB quan tâm. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hiện nay nguồn vốn nhà nước đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm đến 50%-70%. Nhưng thực tế, nguồn thu mà các đơn vị trên tạo ra chỉ chiếm được 15%-20%. “Giá trị kinh tế mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tạo ra như thế là rất thấp, thậm chí làm ăn thua lỗ nữa. Nếu cứ như thế thì liệu các tập đoàn, tổng công ty có dẫn dắt nổi nền kinh tế không” - ông Vinh băn khoăn.

ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) nhận định sự chỉ đạo để tái cơ cấu lại các tập đoàn, các tổng công ty, DN nhà nước lớn đang còn chậm. Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty làm ăn kém hiệu quả. Ngoài Tập đoàn Vinashin thì còn có Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Hàng hải… đang bị lỗ. Ngay cả Tập đoàn Vinashin dù đã có chủ trương tái cơ cấu nhưng đến nay làm cũng vẫn chậm.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng tập đoàn kinh tế trong một thời gian dài đầu tư quá dàn trải, đầu tư ra những lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư không hiệu quả… Vì thế, khi tái cơ cấu hệ thống DN, tập đoàn thì trước hết những khoản đầu tư nào ngoài ngành nghề, chức năng chính là phải cắt.

“Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không thể để tình trạng hoạt động trái ngành nghề như hiện nay. Cử tri TP.HCM rất bức xúc và lo lắng trước thông tin ngành hàng không xây dựng sân golf, khách sạn cao tầng ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Đến khi dư luận phản ánh thì lại điều chỉnh xây thấp tầng. Rõ ràng sân golf, khách sạn không phải là ngành nghề chính của hàng không nhưng họ vẫn làm. Như vậy có vấn đề gì trong này?” - ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đặt vấn đề.

Phải thật sự minh bạch

Điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành phải thật sự minh bạch. Nhất là các lĩnh vực độc quyền như xăng dầu, hàng không, điện, nước, phải siết chặt thu chi, lời lỗ như thế nào chứ không thể để tình trạng đổ chung một rổ. Cử tri rất hoan nghênh Bộ Tài chính và Bộ GTVT vừa qua đã có những hành động tích cực trong việc minh bạch thông tin. Mong rằng các bộ tiếp tục đeo bám đến cùng, đừng để lợi ích của một nhóm nhỏ ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn dân.

ĐB TRẦN THỊ DIỆU THÚY (TP.HCM)

Xem lại chỉ tiêu nợ công

Trong báo cáo đưa ra con số nợ công tăng dần: Cuối năm 2011 là 54% GDP, đến hết 2012 lên đến hơn 58% GDP, đến hết 2015 thì lại tăng đến 65% GDP. Như vậy chỉ tiêu này tăng không dừng mà lẽ ra là phải dừng nếu không nói là phải giảm. Chúng tôi đề nghị phải xem lại, xây dựng lại chỉ tiêu này, xác định rõ giới hạn an toàn nợ công ở VN. Các chuyên gia kinh tế cũng đã có nhận định những nước đang phát triển như VN thì giới hạn nợ công ở mức trên 40% GDP cũng là đáng lo rồi.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM)

Theo nhóm PV

Phapluattp

tungdn2

Trở lên trên