MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch STB: Nếu giá dưới 2 chấm sẽ mua đến khi STB về đúng giá trị thực

"Cơ cấu cổ đông của Sacombank chưa có gì thay đổi. Chúng tôi có tới 76.000 cổ đông khi chốt danh sách cuối tháng 8 và việc ai đó nắm hơn 30% là hoàn toàn không có”, ông Thành nói.

Thời gian gần đây, nhiều công ty niêm yết đã đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ của họ nhằm bảo vệ giá trị của cổ phiếu của chính doanh nghiệp và trước áp lược giảm giá của thị trường chứng khoán (TTCK).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), với mã chứng khoán STB, vừa công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ tới khoảng 10% vốn điều lệ từ thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.

Sacombank đang niêm yết 917.923.013 cổ phiếu và đây là lượng cổ phiếu quỹ lớn nhất một công ty định mua lại trên TTCK Việt Nam.

Một công ty khác, Tập đoàn FPT ngày 1-11 đã thông qua phương án mua lại 1.000 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền đã phát hành năm 2009.

Cổ phiếu BIC của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) mới chào sàn được hai tháng, hôm 3-11 đã xin phép thực hiện giao dịch mua tối đa 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với phương thức khớp lệnh theo giá thị trường. Giao dịch diễn ra từ 11-11-2011 đến 31-1-2012 và nguồn tiền mua cổ phiếu lấy từ lợi nhuận để lại và lợi nhuận chưa phân phối.

Còn theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần PVI (PVI) đã đăng ký mua 2.657.800 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ từ 9-11-2011 đến 9-1-2012 theo giá thị trường, bằng phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Kinh phí dùng để mua cổ phiếu quỹ này được trích từ thặng dư vốn và lợi nhuận để lại của công ty. Trước khi giao dịch, PVI đã có 2.342.200 cổ phiếu quỹ.

Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã chứng khoán VOS) cũng vừa đăng ký mua lại 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, dự kiến từ ngày 12-10-2011 đến ngày 30-12-2011 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giá mua các cổ phiếu này khớp lệnh theo giá thị trường và không cao hơn 10.400 đồng/cổ phiếu.

Con số công ty đăng ký mua cổ phiếu quỹ được dự báo sẽ không dừng lại nếu tình hình TTCK không tốt hơn. Song, tuần qua, hai cổ phiếu lớn STB và FPT được thị trường đặt nhiều câu hỏi hơn cả.

Trước những tin đồn trên thị trường cho rằng động thái của họ là nhằm chống lại kế hoạch thâu tóm ngầm doanh nghiệp từ một số cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng: “Chúng tôi đang có trên 76.000 cổ đông và HĐQT đã thống nhất nếu giá dưới 2 chấm, phản ánh không đúng giá trị sổ sách thì chúng tôi sẽ mua lại để khi giá cổ phiếu STB trở về đúng giá trị thực chúng tôi sẽ dừng mua và thoái vốn”.

Đầu tư vào chính doanh nghiệp

Ông Thành của Sacombank khẳng định Sacombank có đủ năng lực và sẽ mua tối đa lượng cổ phiếu bán ra trên thị trường, một phần thông qua hình thức khớp lệnh mà một phần thông qua thỏa thuận. Ông chia sẻ: “Tất nhiên chúng tôi chưa biết sẽ mua được bao nhiêu nhưng sẽ mua hết khả năng của mình mà tối đa là 10% theo quy định," ông nói.

"Chúng tôi mua cổ phiếu của mình là đầu tư chính cho mình, và đó cũng là trách nhiệm của nhà quản trị với cổ đông. Ngân hàng có đủ tiền mặt để mua được số cổ phiếu quỹ đó và không ảnh hưởng đến thanh khoản”, ông Thành khẳng định.

Trả lời câu hỏi có hay không việc một số cá nhân và tổ chức đã thâu tóm gần 40% cổ phiếu của ngân hàng như các tin đồn trên thị trường thời gian qua, ông Thành khẳng định không có ai nắm đến ba hay bốn chục phần trăm cổ phiếu của Sacombank.

"Theo danh sách tôi có trong tay, cơ cấu cổ đông của Sacombank chưa có gì thay đổi. Chúng tôi có tới 76.000 cổ đông khi chốt danh sách cuối tháng 8 và việc ai đó nắm hơn 30% là hoàn toàn không có”, ông Thành nói.

Ông Thành nói việc mua lại cổ phiếu quỹ lần này không liên quan đến số vốn cổ phần của đối tác nước ngoài ANZ đang nắm giữ. Trước thông tin về nguy cơ Sacombank bị thâu tóm, ông nói Sacombank quản trị theo đúng quy tắc của một công ty đại chúng niêm yết và các quy tắc quản trị chuẩn mực.

Ông Thành khẳng định: “Chúng tôi chưa thấy nguy cơ thâu tóm. Bản thân Sacombank cũng có những chuẩn bị và chiến lược chống thâu tóm”.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, việc mua lại trái phiếu kèm chứng quyền do Công ty cổ phần FPT phát hành ngày 9-10-2009 nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn hiện có của công ty. Công ty đang chú trọng đầu tư trong lĩnh vực chủ chốt công nghệ thông tin và viễn thông nên hạn chế các khoản đầu tư tài chính, hay trong các lĩnh vực khác mà FPT không có nhiều kinh nghiệm.

Ông Phương nói, thậm chí, việc mua lại trái phiếu cũng nhằm hạn chế pha loãng cổ phiếu, có thể tạo ra giá trị dài hạn cao hơn cho các cổ đông. Về nguồn tiền sử dụng để mua trái phiếu kèm chứng quyền, ông cho biết số dư tiền công ty hiện có gần 2.500 tỉ đồng (gồm tiền huy động từ phát hành trái phiếu chưa dùng và tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh) và dòng tiền trong tương lai của FPT dự kiến tiếp tục được cải thiện.

“Hiện Công ty hầu như chỉ dùng số tiền này đi gửi với lãi suất 14%/năm nên đã quyết định dùng nguồn tiền nhàn rỗi này để thực hiện việc mua lại Trái phiếu kể trên và đây cũng chính là việc trả nợ trước hạn”, ông Phương cho hay.

Liên quan đến cơ sở pháp lý và phương án xử lý chứng quyền kèm theo trái phiếu khi trái phiếu được FPT mua lại, ông Phương nói sau khi FPT mua lại thì số trái phiếu và chứng quyền được mua lại sẽ bị hủy, không được bán lại. Đối với các trường hợp trái chủ có ý định nắm giữ trái phiếu kèm chứng quyền đến khi đáo hạn, các trái phiếu kèm chứng quyền này tiếp tục có hiệu lực. Theo đó, trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 10-2012 và chứng quyền sẽ hết hạn vào tháng 10-2013.

Trên TTCK tuần qua, những lo ngại về việc các ngân hàng đang ép tín dụng phi sản xuất về dưới 16% và ẩn số về nợ xấu trong khu vực tài chính đã kéo nhiều nhà đầu tư ra khỏi thị trường, gây áp lực bán ra mạnh ở các mã cổ phiếu liên quan đến ngân hàng và bất động sản, xây dựng. Nhiều cổ phiếu lớn, trong đó có FPT và STB đang ở đáy thấp nhất trong nhiều năm.

Việc mua lại cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp, theo giới tài chính, không có gì khó hiểu, bởi ban quản trị của công ty là những người hiểu rõ nhất về giá trị thực của công ty. Các công ty mua lại với mức giá được cho là dưới mức giá trị thực, và sau này sẽ bán ra lại, thường với mức giá cao hơn, và trong một số trường hợp, không có gì lợi ích bằng đầu tư vào chính công ty mình.

Việc mua cổ phiếu quỹ cũng giúp cải thiện các chỉ số tài chính của công ty, như thay đổi tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, công ty được khấu trừ thuế với chứng khoán nợ, khi giảm tỉ lệ vốn chủ sở hữu trong cấu trúc vốn thì công ty sẽ giảm chi phí sử dụng vốn, tăng thu nhập trên cổ phiếu cho cổ đông.

Theo Hồng Phúc

TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên