MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Việt Nam chưa nên nới lỏng tiền tệ

07-12-2011 - 17:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới vừa nhận xét Việt Nam có thể làm suy yếu các tiến bộ đạt được trong việc bình ổn nền kinh tế nếu nới lỏng tay với chính sách tiền tệ vào lúc này.

“Chính quyền cần phải hành động nhanh và quyết đoán hơn để đảm bảo sự lành mạnh trong khu vực tài chính đồng thời tái thiết lại sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu Việt Nam không thực hiện được điều đó hoặc nới lỏng các chính sách ngay bây giờ thì tất cả những tiến bộ đã đạt được sẽ bị đe dọa” Sanjay Kalra, đại diện của IMF tại Việt Nam nhận xét.

Hãng tin Bloomberg đưa tin, Việt Nam đang đối mặt với tỉ lệ lạm phát gần 20%, tỉ lệ cao nhất châu Á, và tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, tăng trưởng kinh tế chậm và nguy cơ từ khu vực ngân hàng. Theo bà Kalra, một khung làm việc rõ ràng để tái vốn hóa và củng cố khu vực tài chính là “cần phải thực hiện khẩn cấp”.

Theo bà, nếu cần thiết các lãnh đạo Việt Nam nên cân nhắc việc tăng lãi suất trở lại để củng cố giá trị đồng tiền và trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên vào mùa hè, thì “dự trữ đó lại đã giảm trở lại”.

Còn ngân hàng thế giới thì cho rằng sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam là “mong manh và các chính sách nới lỏng quá sớm sẽ khiến nền kinh tế quay trở lại tình trạng bất ổn như vừa qua”.

Những nhận xét trên của IMF và Ngân hàng thế giới được đưa ra trong Hội nghị nhóm các nhà tài trợ tại Việt Nam. Nhóm các nhà tài trợ đã cam kết sẽ tài trợ hoặc cho Việt Nam vay lãi suất thấp với tổng lượng tài trợ 7,39 tỷ đô la Mỹ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước các nhà tài trợ rằng dự kiến năm 2012, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống còn mức 9% và hiện đang được kiểm soát. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 nhằm thực thi các chính sách thắt chặt về tài khóa và tiền tệ, đồng thời thực hiện cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Ngân hàng thế giới cho rằng khu vực ngân hàng đang có những dấu hiệu căng thẳng và chất lượng của tài sản đang “đáng lo ngại” và tăng trưởng tín dụng đang “cao một cách bất thường” trong những năm gần đây. Người cho vay có thể thấy tính thanh khoản đã thấp hơn.

Theo Deepak Mishra, kinh tế gia hàng đầu của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng quá nhanh “đã ảnh hưởng đến chất lượng cho vay. Việc củng cố khu vực ngân hàng là một trong các giải pháp”.
 
Theo Lê Dung
Infonet

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên