MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ vàng hộ dân: Nên hay không?

30-08-2011 - 13:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước khẳng định của đại diện NHNN về việc các NHTM chỉ làm chức năng “giữ tiền hộ dân”, và trước bất ổn của thị trường vàng, dư luận đang đặt vấn đề, tới đây NHNN sẽ tiến tới “giữ vàng dài hạn hộ dân”?

Tóm tắt:

- Theo Th.S Trần Trọng Quốc Khanh, NHNN “giữ vàng dài hạn” tốt hơn so với người dân. Việc thu mua hay bán lại vàng tổ chức thông qua những đơn vị đầu mối đấu thầu hoặc chỉ định.

- Các lựa chọn để giải quyết “đầu ra” cho việc giữ vàng: giữ toàn bộ, giữ 1 phần trong nước hoặc gửi 1 phần ra nước ngoài.

- Gia tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của NHNN, duy trì được số vàng trong dân, không để “chết vốn”, tạo niềm tin cho người dân và thị trường.

- Tính toán lộ trình tháo gỡ hàng rào quota xuất nhập khẩu vàng và để các dòng chảy vàng lưu thông.

Theo Th.S Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, việc“giữ vàng dài hạn hộ dân” là một trong những giải pháp thuộc các giải pháp liên hoàn có thể giúp khơi thông vốn, và ổn định thị trường vàng mà NHNN cần sớm tính đến. DĐDN đã có cuộc trao đổi với Th.S Trần Trọng Quốc Khanh xung quanh vấn đề này.

- Ông từng nói rằng NHNN giữ vàng dài hạn sẽ tốt hơn nhiều so với người dân. Vậy ông có thể cho biết cơ sở của nhận định này ?

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cả những công cụ sẵn có, tôi cho rằng NHNN có đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc “giữ vàng dài hạn” tốt hơn so với người dân. Hiện nay, chúng ta vẫn còn duy trì cơ chế cấp phép quota xuất nhập vàng ngắn hạn, trong từng thời điểm.

Ở chiều xuất khẩu, đối tác nước ngoài luôn sẵn sàng mua vàng của ta theo sát giá vàng thế giới. Còn ở chiều nhập khẩu, hầu như khi nào ta có nhu cầu, đối tác nước ngoài cũng sẵn sàng bán lại vàng cho ta với mức giá đang giao dịch trên thị trường. Hai chiều này chưa tính lượng vàng xuất nhập khẩu phi chính thức do NHNN cấp quota, mà sự lũng đoạn giá vàng từ đó là có thể xảy ra và rất khó kiểm soát.

Thay vì để tình trạng DN, người dân bị động, thị trường có thể bị lũng đoạn, NHNN nên xem xét sẵn sàng mua lại vàng của dân sát giá thế giới quy đổi, và bán ra khi cung trong nước tăng lên vượt cầu. Việc thu mua hay bán lại đều có thể tổ chức thông qua những đơn vị đầu mối đấu thầu hoặc chỉ định.

- Với nguồn lực (dự trữ ngoại hối quốc gia) còn khá thấp như hiện nay, việc mua vàng và giữ dài hạn hộ dân liệu có khả thi, thưa ông ?

Dĩ nhiên với tư cách là chủ thể tham gia thị trường, NHNN cần xem xét và tính đến bảo hiểm rủi ro giá cho lô hàng đã mua, cụ thể ở đây là lượng vàng đang “giữ hộ dân” trong từng thời điểm. NHNN cũng sẽ có rất nhiều lựa chọn để giải quyết “đầu ra” cho việc giữ vàng.

Thứ nhất, giữ toàn bộ số vàng vật chất trong kho dự trữ quốc gia. Đây là lựa chọn kém hiệu quả nhất, sẽ gây nhiều chất vấn tại sao giữ số vàng lớn trong kho không sinh lợi.

Thứ hai, giữ một phần trong nước để chủ động bán can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, dẫn tới động cơ nhập khẩu vàng.

Thứ ba, gửi một phần ra nước ngoài và có thể dùng số vàng ký gửi này làm tài sản đảm bảo để tiếp cận các nguồn vốn đa phương cấp quốc gia hoặc cho các mục đích khác.

Ngoài ra, NHNN cũng có thể tham gia các nghiệp vụ bán vàng tài khoản để bảo hiểm số vàng vật chất đã mua trong nước. NHTW của nhiều quốc gia đã và đang thực hiện nghiệp vụ này.

Xét về nguồn lực, trong 6 tháng đầu năm 2011, NHNN đã mua thêm được hơn 4 tỷ USD để bổ sung vào dự trữ ngoại hối quốc gia, đủ bù đắp được nhiều tuần nhập khẩu. Đặc biệt, lượng vàng theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới còn trữ lại trong dân là rất lớn.

Trước mắt, để gia tăng nguồn USD và xuất siêu, vẫn có thể duy trì xuất khẩu vàng ngắn hạn để lấy ngoại tệ về. Muốn ổn định thị trường, tất nhiên NHNN sẽ phải chịu chi phí vốn cho trạng thái tài khoản vàng ở đối tác nước ngoài, tốn công sức điều tiết linh hoạt lượng cung tiền hay chấp nhận những tác động của vấn đề cung tiền tới tỷ giá...

Nhưng xét trong dài hạn, việc bỏ chi phí vốn, điều tiết cung tiền, mất công sức điều chỉnh sổ sách kế toán của NHNN... là những việc đáng phải làm, là “cái giá” cần đánh đổi để thị trường vàng ổn định, liên thông với thị trường thế giới.

- Trong trường hợp NHNN chọn giữ hộ vàng cho dân, điều tiết thị trường bằng phương thức mua, bán linh hoạt thì liệu thị trường vàng có thực sự thoát khỏi bức tranh “méo mó” như hiện tại ?

Tất nhiên là có! Điều đó sẽ mang lại những lợi thế lớn cho NHNN và cả thị trường vàng. NHNN có thể gia tăng vị thế và sức mạnh can thiệp từ việc bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia, duy trì được số vàng trong dân chứ không để “chết vốn” như hiện tại. Vàng cũng không giảm vì xuất khẩu và ngược lại NHNN sẽ không phải bận tâm việc cấp quota vàng miếng dập cho các DN nữa.

Điều đó cũng tạo niềm tin cho người dân và cho thị trường, đảm bảo sự bình đẳng về giá và bảo vệ được quyền lợi của người dân. DN muốn mua được vàng của dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá chào mua của NHNN, nhờ đó triệt tiêu động cơ xuất khẩu vàng. Thị trường vàng không có lý do gì để không bình ổn nữa.

Một yếu tố khác cần tính đến là lạm phát sẽ tác động đến thị trường vàng, khi vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn trong lạm phát. Nhưng khi vàng ổn định, nếu cầu vàng tăng thì NHNN nên chủ động tăng cung vàng... Đó là một sự phối hợp khéo léo mang tính thị trường.

- Thử đặt vấn đề ngược lại, nếu NHNN không chọn phương án “giữ vàng dài hạn hộ dân”, có phương án nào khả thi hơn?

Để thị trường thật sự được tự do và ổn định theo quy luật thị trường giữa lúc mà NHNN không chọn giải pháp giữ vàng hộ dân, thì cần phải xem xét tháo gỡ mọi hàng rào quota xuất nhập khẩu vàng và để các dòng chảy vàng lưu thông theo cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, với thực trạng của nền kinh tế và đặc biệt là trong bối cảnh này, đó cũng là một liệu pháp cần tính toán lộ trình. Nếu không, sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế với sự biến động bất thường của thị trường vàng, áp lực tới tỷ giá và bất ổn xã hội nói chung.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

Trở lên trên