Điều hành tỷ giá đã có nghề!
Chủ động hướng thị trường theo định hướng, không chạy theo thị trường là điểm nổi bật trong điều hành tỷ giá năm 2011, cho thấy điều hành tỷ giá đã mang phong cách quản lý tiền tệ mới: phong cách chuyên nghiệp.
Dấu ấn hợp đồng kỳ hạn và ngoại tệ thứ ba
Kể từ tháng 8-2011, hai động thái điều hành tỷ giá xuất hiện. Thứ nhất trong hai tháng 9 và 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp bán ngoại tệ can thiệp sau khi Thống đốc tuyên bố tỷ giá không biến động quá 1% cho đến cuối năm. Ước đoán khoảng 2 tỉ đô la Mỹ đã được cơ quan quản lý ngành ngân hàng “bơm” vào thị trường nhằm kéo tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá chính thức về gần nhau, chỉ còn chênh lệch khoảng 100-150 đồng/đô la Mỹ. Đây là đợt can thiệp dồn dập, có hệ thống, có chủ đích và công khai nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Kế đó NHNN bắt đầu điều hành linh hoạt tỷ giá bằng 15 lần điều chỉnh tỷ giá công bố hàng ngày. Sự linh hoạt này không báo trước, không theo quy luật và có sự cách biệt về mức độ. Có ngày tỷ giá tăng/giảm 5 đồng, có ngày 10 đồng, thậm chí 15 đồng. Có thời điểm ngày nào cũng điều chỉnh, hoặc hai ngày, ba ngày, 5-7 ngày/lần. Kết quả là thay vì nhìn vào tỷ giá thị trường tự do, giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng quay sang nhìn vào tỷ giá công bố chính thức.
Cùng lúc, các giao dịch ngoại tệ qua một đồng tiền thứ ba (chủ yếu là euro, đô la Úc, đô la Canada, Singapore...) được mở lại. Hai năm trước, giao dịch ngoại hối qua một đồng tiền thứ ba bị cấm hoàn toàn. Bây giờ NHNN không nói rõ là “hết cấm”, song gần như lờ hẳn việc các ngân hàng mời chào doanh nghiệp giao dịch ngoại tệ khác thay thế một khi họ có nhu cầu đô la Mỹ. Giải pháp này ngay lập tức đẩy nguồn cung ngoại tệ tăng lên và tỷ giá giao dịch thật sự trở nên uyển chuyển.
Trong khi đó, việc lãi suất huy động tiền đồng đứng ở mức cao và chưa có dấu hiệu rời khỏi trần 14%/năm, đã đặt các nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ vào tình trạng “khó nghĩ”. Họ không thể không tận dụng lãi suất cao của tiền đồng, nhất là khi tỷ giá có chiều hướng ổn định. Kết quả là các hợp đồng kỳ hạn bán ngoại tệ cho ngân hàng trước khi ngoại tệ về để lấy tiền đồng được áp dụng. Sự găm giữ ngoại tệ giảm hẳn, mà bằng chứng rõ nhất là số tiền ký gửi thanh toán quốc tế trên tài khoản tụt xuống nhanh chóng.
Thay vì nằm bất động một chỗ chờ tỷ giá lên hưởng lợi, ngoại tệ được các doanh nghiệp, thông qua ngân hàng, quay vòng trên thị trường với các hợp đồng giao ngay (spot). Cùng một lượng ngoại tệ, chỉ cần vòng quay kinh doanh tăng lên, thì không những doanh số tăng, mà cung cầu cũng cân bằng hơn.
Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) trích dẫn số liệu từ các ngân hàng, cho biết giao dịch hợp đồng kỳ hạn từ chỗ chỉ chiếm 6-7% thời gian trước đã nhảy lên 10-12% tổng giao dịch ngoại hối hiện tại. Eximbank, Techcombank, Quân đội là những ngân hàng nhạy bén, hoạt động mạnh nhất trong mảng kinh doanh dạng này. “Với thị trường kỳ hạn, một phần cầu ngoại tệ đã được giải thoát trước cuối năm, giúp giải phóng áp lực lên thị trường ngoại hối giao ngay. Đây là một trong những lý do giải thích cho làn sóng bán đô la Mỹ từ nhiều nguồn gần đây” - HSC nhận định.
Gia tăng sức đề kháng cho tiền đồng
Hơn 2 tỉ đô la Mỹ được bán ra, ước 45.000 tỉ đồng đã được NHNN hút về - một sự hút về không có hạn định. Trên thực tế đây là sự rút cung tiền đồng có chủ định, làm giảm tổng phương tiện thanh toán nhằm tới mục tiêu tiết giảm tối đa sự đầu cơ ngoại tệ. Không thể đầu cơ ngoại tệ nếu không có nguồn tiền đồng dồi dào. Chưa kể trước đó trạng thái ngoại hối của các ngân hàng đã được rút xuống 20% vốn tự có từ mức 30% tồn tại từ 10 năm nay; đồng thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ tăng lên.
Như vậy tiền đồng đã có hai cái neo vững chắc: lãi suất huy động cố định ở mức hấp dẫn và tổng phương tiện thanh toán không được “bơm” thêm, trái lại còn giảm bớt. Bên cạnh đó, giá trị của đồng tiền Việt được bồi đắp thêm bằng sự yếu thế của đô la Mỹ trong con mắt người gửi tiền: chênh lệch lãi suất tiết kiệm đồng nội tệ và ngoại tệ lên tới 10 điểm phần trăm/năm - một tỷ lệ đủ sức bù đắp cho sự phá giá tiền đồng nếu có. Từ đây, người dân có xu hướng giữ tiền đồng thay vì ngoại tệ và do đó nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tự do hạ xuống. Sự dịch chuyển tiết kiệm từ đô la Mỹ sang tiền đồng đem lại hiệu ứng tích cực cả về mặt tâm lý lẫn thực tiễn.
Sự “chen ngang” của vàng
Sự biến động mạnh của giá vàng quốc tế, sự chênh lệch ở mức cao tại nhiều thời điểm giữa giá vàng nội và ngoại, niềm tin chưa tuyệt đối vào giá trị đồng tiền Việt Nam là những nhân tố biến vàng trở thành kênh đầu tư, đầu cơ và tích lũy năm nay. Kênh đầu tư vàng càng tỏ ra vượt trội khi mà bất động sản, chứng khoán vô cùng ảm đạm.
Thị trường vàng có mối quan hệ mật thiết với thị trường ngoại tệ và tất nhiên, với tỷ giá. Trong trường hợp giá vàng thế giới không lên xuống (ổn định), nếu tỷ giá tăng (tiền đồng mất giá), thì giá vàng trong nước vẫn tăng lên. Mặt khác, tỷ giá thị trường tự do chịu tác động mạnh của giá vàng. Mỗi khi giá vàng quốc tế giảm, lại phát sinh hiện tượng gom đô la mặt để nhập vàng lậu.
Ba tháng qua, NHNN đã cố gắng khống chế tỷ giá thị trường tự do bằng cách không cho SJC dập thành vàng miếng vàng nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng (chỉ vàng nhập khẩu chính thức theo hạn ngạch được dập thành vàng miếng). NHNN thậm chí chủ trương chuyển SJC thành một đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình và kiểm soát lượng vàng miếng chế tác theo cung cầu thị trường.
Điểm đáng chú ý hơn là với việc cho phép năm ngân hàng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài, nhu cầu đô la Mỹ để nhập khẩu vàng đã chuyển từ thị trường tự do sang thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản nước ngoài để cân đối, nhưng họ không nhập vàng vật chất ngay. Họ thường lựa thời điểm giá vàng quốc tế giảm mới nhập.
Vì thế mỗi khi giá vàng thế giới tụt dưới 1.600 đô la Mỹ/ounce, giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng lại sôi động và tỷ giá lại “ngóc đầu” dậy. Lúc này thay bằng can thiệp thường xuyên, NHNN chỉ can thiệp khi cầu trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng “bùng phát” do nhập vàng.
Sự can thiệp này khiến tỷ giá thị trường tự do không thể biến động mạnh. Bước chuyển biến này của điều hành tỷ giá cho thấy NHNN đã nhìn thấy tâm huyệt của vấn đề và có đối sách phù hợp.
Cùng với các biện pháp hành chính như phạt nặng, tịch thu nếu giao dịch ngoại tệ với tiệm vàng, thu hẹp và kiểm tra, thanh tra liên tục các bàn thu đổi ngoại tệ; giải pháp kiểm soát thị trường liên ngân hàng để qua đó điều khiển thị trường tự do của NHNN đã có thành công nhất định.
Từ chuyên nghiệp đến nghệ thuật
Năm 2012 tỷ giá chịu ảnh hưởng từ nhiều phía.
Thứ nhất, lạm phát tích tụ ba năm (2009-2011) khá cao, làm cho tỷ giá hiện hành có thể phải điều chỉnh 10-15%.
Thứ hai, đồng đô la Mỹ đang mạnh lên trên thị trường quốc tế do bất ổn ở châu Âu, ít nhiều cũng tác động đến đồng Việt Nam.
Thứ ba, lãi suất tiền đồng đang cao và giữ khoảng cách khá lớn so với lãi suất đô la Mỹ. Mức lãi suất cao này không thể duy trì lâu dài bởi sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ tư là biến động của giá vàng quốc tế. Vàng khó giảm giá do Mỹ duy trì lãi suất thấp đến năm 2013. Lạm phát thế giới có thể tăng do các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục in tiền. Như vậy giá vàng ở Việt Nam chưa thể giảm và nhu cầu cũng chưa thể hạ thấp.
Trong tất cả các yếu tố, lãi suất tiền đồng là then chốt với tỷ giá. Từ tháng 8-2011 đến nay, mức tăng chỉ số CPI đều giảm theo tháng. Năm 2012, khi lạm phát giảm dần, lãi suất tiền đồng sẽ phải giảm theo tỷ lệ thuận. Khi lạm phát kỳ vọng đã xuống, lãi suất tiền đồng giảm mức độ nào, thời điểm nào là cả một nghệ thuật điều hành. Nếu lãi suất không đứng ở đúng vị trí của nó, câu chuyện thanh khoản dễ lặp lại, cung cầu tiền đồng có thể căng thẳng ngay cả khi lạm phát suy giảm. Mặt khác, nếu kỳ vọng về vàng còn tăng, dân có thể rút tiền đồng mua vàng. Tiền đồng này bị hút vào, chuyển hóa thành đô la Mỹ thanh toán vàng nhập khẩu. Vòng xoáy có thể cứ thế lặp lại...
Cân nhắc thời điểm, mức độ điều chỉnh lãi suất tiền đồng cũng chính là điều hành tỷ giá. Sáu tháng đầu năm 2012 là thời điểm thách thức của chính sách tiền tệ. Thanh khoản tiền đồng, thanh khoản ngoại tệ trong bối cảnh NHNN vừa tuyên bố tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán 14-16%, sẽ là tâm điểm vận động của thị trường.
“Thanh khoản chỉ là vấn đề lòng tin hơn bất cứ vấn đề nào khác. Chỉ cần doanh nghiệp duy trì lòng tin vào chính sách tiền tệ của NHNN, họ sẽ tiếp tục quay vòng ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và không liều lĩnh găm giữ, đầu cơ. Các tổ chức tài chính và công ty thuộc sở hữu nhà nước cũng hành động tương tự. Đây là nơi mà chính sách tiền tệ khôn ngoan phải hướng tới” - HSC nhận xét trong một báo cáo gần đây.
Có lẽ nên thêm rằng lòng tin vào chính sách tiền tệ cần phải có cả từ phía người dân. Đã có thời điểm người dân đua nhau bán ngoại tệ cho ngân hàng. Liệu bao giờ người dân sẽ lại đua nhau bán vàng và gửi vàng cho ngân hàng? Câu trả lời còn ở phía trước!
Theo Hải Lý
TBKTSG