MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trò chuyện đầu năm với TS Lê Hồng Giang về blog kinhtetaichinh

"Không có gì vui hơn khi nhận được email của các bạn sinh viên nói blog kinhtetaichinh đã truyền say mê và cảm hứng học kinh tế cho các bạn ấy".

Blog kinhtetaichinh là một trong những blog về kinh tế tài chính thú vị nhất với các độc giả yêu thích kinh tế tại Việt Nam vì tính chuyên môn cao trong từng bài viết, sự am hiểu sâu sắc của tác giả về các lý thuyết kinh tế học. Đối với những người quan tâm đến các vấn đề khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới tại Mỹ và châu Âu, kinhtetaichinh được xem là một blog “phải đọc”.

Nhân dịp năm mới, DVT có dịp trò chuyện với TS Lê Hồng Giang, “chủ nhân” blog kinhtetaichinh, một trong những nhà kinh tế học được các bạn sinh viên kinh tế yêu mến qua các bài viết trên blog.

- Bài viết đầu tiên trên blog kinhtetaichinh được công bố khi kế hoạch Paulson được Hạ viện Mỹ thông qua về mặt nguyên tắc ngày 29/9/2008. Vì sao blog ra đời đúng vào dịp kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng?

Lúc đó tôi nghĩ rằng mình đang chứng kiến một sự kiện lịch sử dưới góc nhìn của người trong cuộc nên cần phải ghi lại những quan sát và cảm nghĩ của mình để sau này làm tư liệu. Tôi hoàn toàn không có tiên đoán hay kế hoạch gì dài hạn cho blog kinhtetaichinh, chỉ coi nó như một nhật ký cá nhân và là một trang bookmark lại những link quan trọng mà mình có thể cần trong tương lai.

Dần dần khi kinhtetaichinh được đọc nhiều, nhất là trong giới sinh viên kinh tế Việt Nam, tôi bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình với bạn đọc. Vị trí của blog kinhtetaichinh ở đâu với tôi không quan trọng, điều tôi mong muốn nhất là bạn đọc thấy blog này hữu ích.

- Các phóng viên kinh tế thường xuyên theo dõi các bài viết của anh trên blog nhận định, giangle (nickname của TS Lê Hồng Giang trên blog) là blogger kinh tế số một của Việt Nam. Anh nghĩ sao về danh hiệu được các giới phóng viên kinh tế “phong tặng”?

Có hai cảm giác. Thứ nhất là lâng lâng, ai mà không thích được khen, nhất là những lời khen thật lòng không vụ lợi. Thứ hai là bùi ngùi, nhìn qua ngó lại số lượng blogger VN chuyên về kinh tế tài chính chắc chưa đếm hết trên hai bàn tay. Tại sao những vấn đề nóng bỏng, sát sườn với mọi người như vậy mà các nhà kinh tế VN không nhiệt tình viết blog, khác hẳn với các mảng blog về chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật được viết và bàn luận rất sôi nổi trên Yahoo 360 trước đây và rất nhiều mạng xã hội hiện nay?

- Vấn đề kinh tế của thế giới hay của VN làm anh cảm thấy hứng thú nhất khi viết bài trên blog?

Cả hai. Tôi có thế mạnh về kinh tế và thị trường tài chính thế giới vì đó là công việc hàng ngày (Tiến sĩ Lê Hồng Giang hiện đang Quản lý danh mục đầu tư ngoại hối, quỹ phòng hộ của Tactical Global Management – PV). Nhưng như đa số người Việt sống ở nước ngoài, tôi không thể không “sống” với tình hình và tin tức trong nước. Viết về các đề tài trong nước gần như là một nhu cầu chứ không phải mục tiêu. Thực ra còn một mảng thứ ba nữa là đề tài thuần túy về lý thuyết kinh tế học, tôi chủ ý viết những bài liên quan đến vấn đề này cho các bạn sinh viên kinh tế.

- Nhiều bài viết của anh trên blog hơi khó hiểu đối với độc giả đại chúng. Anh có thể làm “mềm hóa” bài viết trên blog để tiếp cận với đông đảo độc giả hơn không?

Thỉnh thoảng tôi có gửi bài đăng trên một số báo trong nước. Với những bài báo đó mà độc giả đa số là những người không biết nhiều về chuyên môn kinh tế tôi thường cố gắng chọn lựa từ ngữ và cách diễn giải đơn giản để bạn đọc dễ tiếp cận. Trên blog đối tượng bạn đọc đa số là sinh viên kinh tế và những người có ít nhiều kiến thức chuyên môn nên tôi dễ dãi hơn, thường để nguyên các từ ngữ chuyên ngành và không giải thích nhiều.

Thật ra đó còn vì lý do tôi không có nhiều thời gian để cân nhắc và lựa chọn cách viết trên blog, khi mình thấy có một thông tin nào đó quan trọng thì mình viết ngay ra để khỏi quên và thường không có thời gian chỉnh sửa. Tuy nhiên blog có một thế mạnh là sự tương tác qua lại giữa tác giả và bạn đọc, tôi rất khuyến khích bạn đọc đưa ra những thắc mắc của mình, kể cả cách dịch các từ chuyên môn.

- Anh thường hay trích dẫn và bình luận về bài viết các blogger kinh tế nổi tiếng khác trên thế giới. Anh thích những blogger kinh tế nào nhất?

Tôi thường xuyên, có thể nói là đọc hàng ngày blog của Paul Krugman, James Hamilton, Tyler Cowen, Nick Rowe, Scott Sumner, Michael Pettis, Bruce Krasting, Free Exchange (của tạp chí The Economist), Rebecca Wilder, Felix Salmon, John Hampton. Năm người đầu là các giáo sư kinh tế, những người còn lại là phóng viên hoặc chuyên gia tài chính. Ngoài nhóm “phải đọc” này tôi cũng thường xuyên đọc khoảng 30-40 blog khác nếu thời gian cho phép.

- John Maynard Keynes là nhà tư tưởng kinh tế nổi tiếng thế giới được anh trích dẫn ngay phần tiêu đề của blog. Tư tưởng kinh tế của anh có thuộc trường phái Keynes?

Câu tôi trích dẫn "The market can stay irrational longer than you can stay solvent" của Keynes có hai ý. Thứ nhất là sự hoài nghi về tính lý trí (rationality) của các chủ thể trong hệ thống kinh tế. Thứ hai là tính thực dụng khi một nhà kinh tế phải đối mặt với thị trường.

Tôi thích những ý tưởng này của Keynes và nếu phải chọn một trường phái để mình theo đuổi thì đó sẽ là trường phái thực dụng (pragmatism), nghĩa là không giáo điều cứng nhắc theo một lý thuyết nào đó mà bỏ qua thực tế cuộc sống.

- Keynes nổi tiếng với chính sách kích cầu trong thời điểm kinh tế suy thoái. Theo nhận định của cá nhân anh, chính phủ Việt Nam có nên áp dụng chính sách kích cầu trong thời gian tới để vực dậy nền kinh tế không?

Kích cầu chỉ nên thực hiện khi cầu không đủ nên nền kinh tế không chạy hết công suất. Hiện tại kinh tế VN có dấu hiệu đang chạy quá công suất (lạm phát cao, hạ tầng quá tải, hiệu quả đầu tư giảm) nên phải rất cẩn thận khi đề ra ý tưởng kích cầu. Ngoài ra các nhà kinh tế còn quan tâm đến vấn đề liệu chính phủ một nước còn “room” để kích cầu hay không. Nếu không còn "room", ví dụ nợ công đã đến mức báo động, thì dù kích cầu là một chính sách cần thiết vẫn phải rất thận trọng.

Số báo cuối cùng trong năm của The Economist có một bài tường thuật về giới viết blog kinh tế và ảnh hưởng của nó vào dòng chính của kinh tế học. Bài báo nói về sự phát triển của giới viết blog kinh tế và cho rằng lịch sử kinh tế sẽ đánh giá sự ra đời môi trường blog kinh tế trong mấy năm vừa rồi là một bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế học.

Nếu như trước đây các học thuyết kinh tế chỉ được thảo luận trong một giới nhỏ các nhà kinh tế hàn lâm xoay quanh một vài trung tâm (đại học, viện nghiên cứu) lớn, các ý tưởng kinh tế mới đang được phát triển theo dạng phi tập trung, thảo luận tích cực giữa rất nhiều đối tượng (kinh tế gia, nhà báo, chính trị gia, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội).

Một điểm quan trọng nữa là sự phát triển của giới viết blog kinh tế sẽ giúp các nhà kinh tế có tác động trực tiếp và nhanh hơn vào giới hoạch định chính sách. Cách đây 5-7 năm nếu không giữ một vị trí nào đó trực tiếp trong chính quyền (Fed, CEA), những nhà kinh tế như Krugman, Mankiw, Taylor khó có thể buộc các chính trị gia phải cân nhắc ý kiến của họ như bây giờ.

- Các nhà kinh tế VN rất ít viết và phát biểu trên blog, một điều trái ngược với các nhà kinh tế thế giới, anh suy nghĩ gì về hiện tượng trên?

Như đã nói ở trên tôi thấy khó hiểu về hiện tượng này. Blog về các mảng đề tài khác của VN rất phát triển nhưng có quá ít blog kinh tế thuần túy. Các nhà kinh tế VN nên coi blog là một kênh trao đổi học thuật và kiến thức kinh tế rất hiệu quả.

Số báo vừa rồi của tờ The Economist có một bài nói về xu hướng phát triển của giới blogger kinh tế thế giới đang càng ngày càng có ảnh hưởng cả về học thuật lẫn chính sách. Trên thế giới đã bắt đầu có các hội thảo khoa học giữa những người viết blog kinh tế, một số cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính Mỹ hay Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có những buổi làm việc chính thức với giới blogger. Tôi hi vọng xu hướng này sẽ vào VN trong thời gian tới.

- Hiện số thành viên theo dõi blog của anh là 616 thành viên. Anh có thể tiết lộ số lượng khách viếng thăm mỗi ngày và lượt truy cập trung bình mỗi ngày không?

Gần đây trung bình một ngày có khoảng 500 bạn đọc vào blog kinhtetaichinh đọc bài với khoảng 1000 lượt truy cập. Tôi có lần tìm hiểu thống kê của Alexa và được biết phần lớn độc giả trong lứa tuổi 18-23 và đang là sinh viên. Điều này cũng trùng hợp với tỷ lệ các email cá nhân gửi cho tôi từ các bạn sinh viên. Đây là một điều rất đáng mừng và là động lực giúp tôi tiếp tục viết blog. Không có gì vui hơn khi nhận được email của các bạn sinh viên nói blog kinhtetaichinh đã truyền say mê và cảm hứng học kinh tế cho các bạn ấy.

- Anh thích độc giả nhớ tới mình như là TS Lê Hồng Giang hay blogger giangle?

Tôi muốn độc giả nhớ đến blog kinhtetaichinh hơn là tác giả đằng sau nó. Biết đâu sau này kinhtetaichinh sẽ có một nhóm tác giả cùng viết như nhiều blog đang rất nổi tiếng trên thế giới.

- Nhân dịp năm mới 2012, chúc anh và gia đình một năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc

Theo Duy Linh

DVT

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên