MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2012 dưới góc nhìn của một số chuyên gia

Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi lãi suất xuống được mức 10% thì doanh nghiệp mới có lực để phát triển tốt.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều có nhận định chung rằng, năm 2012 doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn, lãi suất. Dưới đây là tổng hợp của chúng tôi về một số ý kiến của các chuyên gia kinh – tài chính.

Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Lãi suất sẽ vẫn cao

Chính phủ đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 cụ thể là: GDP tăng 6-6.5%, xuất khẩu tăng 13,1% đạt 107,4 tỷ USD, nhập siêu bằng 11,5% tương đương 12,4 tỷ USD, tổng thu ngân sách 740,5 ngàn tỷ đồng, tổng chi ngân sách 903,1 ngàn tỷ đồng, bội chi ngân sách 161,6 ngàn tỷ đồng bằng 5,45% GDP, tổng đầu tư xã hội chiếm 34-35% GDP… Do đó, tôi cho rằng, năm 2012 Chính phủ sẽ vẫn kiên trì chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vẫn thắt chặt tín dụng đối với bất động sản.

Cách hỗ trợ thiết thực nhất của Chính phủ đối với các doanh nghiệp là ổn định được kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát xuống dưới mức thấp và duy trì ổn định. Do vậy, lãi suất trong năm 2012 sẽ vẫn cao, doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào sự hỗ trợ về tín dụng, lãi suất không làm tăng thêm áp lực với Chính phủ.

Tuy nhiên, năm 2011-2012 là cột mốc quan trọng như thời kỳ “Đổi Mới” trước đây, là cơ hội lớn để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chú trọng “lượng” sang “chất”.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Năm 2012 DN phải có kịch bản riêng cho mình

Lạm phát khứ hồi nhiều năm đã “vắt kiệt” sức chịu đựng của các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Ngoài khôi phục tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô còn thêm nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đáng mừng nhất là trong các kế hoạch của mình Chính phủ không còn đề cập đến hai từ “tăng trưởng”. Điều đó nói lên rằng, Chính phủ đã rõ ràng trong quyết tâm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Một khi tình hình vĩ mô được cải thiện thì chắc chắn những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp sẽ được giải quyết.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vẫn là vấn đề về khả năng tiếp cận vốn và lãi suất quá cao. Đây sẽ tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại nhất của các doanh nghiệp trong năm 2012.

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2012 nhưng kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy những mục tiêu này thường không cố định mà sẽ có sự điều chỉnh. Do đó, các doanh nghiệp nên chủ động có kịch bản riêng của mình.

Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế: DN sẽ phải chịu vốn tín dụng quốc tế lãi suất cao

Có thể nói năm 2011 là một năm khá khó khăn. Một số chỉ tiêu quan trọng đã không đạt được như lạm phát đầu năm Quốc hội đề ra mục tiêu là 7% nhưng cuối năm đã vượt mức 18%, GDP cũng thấp hơn mục tiêu ban đầu... Đáng chú ý là những thông tin về số lượng doanh nghiệp phá sản, hàng tồn kho tăng mạnh cũng là những điều hết sức đáng quan ngại.

Đặc biệt, hệ quả để lại của năm nay cho các năm tiếp theo, trước mắt là năm 2012 sẽ rất lớn. Một số chỉ số của thế giới đánh giá đối với Việt Nam như: Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, môi trường kinh doanh... đều bị tụt hạng hay một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Do đó, trong năm tới khả năng về tiếp cận vốn tín dụng quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị hạn chế hoặc có thể vay nhưng với lãi suất rất cao.

Mặc dù, vấn đề tụt hạng tín nhiệm xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng hiện nay với lãi suất vay đang phải cao gấp 1,5 lần so với một số nước trong khu vực thì việc tụt xếp hạng này sẽ càng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Full right TP Hồ Chí Minh: Lãi suất cho vay 14 – 15% DN sẽ vẫn khó khăn

Tôi thì cho rằng những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam đã được bộc lộ trước đấy không phải đợi đến năm 2011 khi mà điều kiện về tổng cầu cũng như là tình hình kinh tế có những khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nói về những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam thì có rất là nhiều và nổi bật lên là vấn đề hiệu quả sử dụng vốn rất thấp. Do đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế lần này (trọng tâm sẽ tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng – tài chính) nếu không tăng được hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước thì việc tái cơ cấu chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hay nói một cách khác, những trục trặc mang tính cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam là kết quả của nhiều năm tích lũy và vì vậy không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Điều này có nghĩa là những khó khăn mà nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng hiện nay đang phải trải qua sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2012.

Tôi cho rằng, năm nay Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng của những tác động do chính sách tiền tệ năm 2011 gây ra.

Dù có hạ được mức lãi suất cho vay xuống 14%-15% như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố thì năm 2012 vẫn là năm khó khăn với các doanh nghiệp. Họ sẽ vẫn phải hoạt động cầm chừng do bị “tổn hao” trong năm qua. Chỉ khi lãi suất xuống được mức 10% thì doanh nghiệp mới có lực để phát triển tốt.

Chung quy lại, chính sách quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ như thế nào để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong năm 2012.

Khánh Linh (tổng hợp)

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên