MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lựa chọn nào cho FMC?

13-06-2012 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

Cùng với sự xuất hiện của cổ đông lớn Việt Nam và bà Đoàn Thị Hồng Thúy, giá cổ phiếu FMC cũng đã có sóng tăng giá khá mạnh hồi đầu tháng 5/2012 sau hơn 1 năm xoay quanh mệnh giá.

Phải nói rằng, ngôn từ thâu tóm và bị thâu tóm khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp lo ngại. Bài viết này tôi không đề cập đến lợi/ hại của việc thâu tóm. Tôi xin phân tích tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Sao Ta (FMC), diễn biến về việc bất ngờ xuất hiện thêm những cổ đông lớn, những gì có thể đến và lựa chọn phù hợp của FMC.

Hàng tồn kho tăng mạnh, cạnh tranh khốc liệt

Tại các báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Sao Ta (FMC) hơn 2 năm nay, số dư hàng tồn kho cuối mỗi quý đang nằm trên đường xu hướng tăng trong 9 quý. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2010, số dư hàng tồn kho cuối quý I/2012 tăng 103% và so với cùng kỳ năm 2011 tăng 51,5%.

Trong bản giải trình nguyên nhân lỗ quý I, FMC cho biết, hồi cuối năm 2011, khi giá tôm tăng cao, công ty đã tăng trữ nguyên liệu cho sản xuất 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sang quý I/2012, tôm nuôi ở ĐBSCL liên tục dịch bệnh trong khi tôm nuôi ở Thái Lan bất ngờ được mùa và tôm biển Mexico, tôm nuôi Ấn Độ tồn kho nhiều đẩy giá tôm xuất khẩu giảm mạnh. Điều này đẩy FMC đến tình thế phải điều chỉnh giảm giá hàng sơ chế cho phù hợp với tình hình.


Khả năng thanh toán nhanh thấp


Mặc dù hệ số thanh toán hiện thời (=Tổng tài sản ngắn hạn/ nợ ngắn hạn) của FMC luôn ở mức trên 1 lần nhưng hệ số thanh toán nhanh trong 9 quý gần đây chưa có quý nào vượt quá 0,7 lần. Điều này đặt công ty vào lựa chọn phải đẩy mạnh bán hàng tồn để trả nợ ngắn hạn. Độ lành mạnh tài chính của công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán hàng. Nếu không bán được hàng-dù chỉ trong 1  quý thì dòng tiền của FMC cũng đã bị ảnh hưởng mạnh.

Biến động lợi nhuận của FMC ngoài ảnh hưởng tính mùa vụ của ngành còn bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ của công ty. Sự tăng/ giảm không đồng đều giữa các quý với nhau cho thấy mức độ thiếu ổn định trong vấn đề đầu ra của FMC.

Nhìn vào biểu đồ biến động doanh thu thuần của FMC, có thể thấy, doanh thu của công ty nằm trên đường xu hướng tăng. Tuy nhiên, dù quý I công ty có dư hàng tồn kho thấp hơn quý IV/2011 rất nhiều nhưng doanh thu lại sụt giảm mạnh và lợi nhuận âm.

Nếu đang ''bị'' mua gom?

Chỉ trong tháng 5, FMC có thêm 2 cổ đông lớn. Cùng với sự xuất hiện của cổ đông lớn Công ty TNHH NDH Việt Nam và bà Đoàn Thị Hồng Thúy, giá cổ phiếu FMC cũng đã có sóng tăng giá khá mạnh hồi đầu tháng 5/2012 sau hơn 1 năm xoay quanh mệnh giá.

Công ty TNHH NDH Việt Nam có mối liên hệ lớn với SSI và các quỹ của doanh nghiệp này ở người chủ sở hữu là ông Nguyễn Duy Hưng. Các quỹ của SSI gồm SSIVF và SSIAM hiện đang sở hữu tỷ lệ lớn tại nhiều doanh nghiệp thủy sản HVG, ABT...Bởi việc mua gom cổ phiếu thủy sản của những doanh nghiệp có liên quan tới ông Nguyễn Duy Hưng là có tiền lệ nên ''nghi án'' muốn tăng tỷ lệ sở hữu FMC của nhóm cổ đông này là điều không khó xảy ra.

Nếu sự mua gom có thật, FMC nên hành xử thế nào? Theo phân tích ở trên, FMC tuy không thuộc nhóm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hay hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng quá nặng nề nhưng chưa có nhiều yếu tố khẳng định được sự phát triển bền vững của công ty. Nếu có sự nhập cuộc của những tổ chức có năng lực quản trị tốt và vốn dài hơi hơn thì hoạt động của FMC có thể sẽ vững hơn.
Hải An

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên