MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Tập đoàn Việt Á: Lãi suất đang vượt gần gấp 3 lần sức chịu đựng của doanh nghiệp

17-01-2012 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Loan - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Việt Á cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm khó khăn, khốc liệt nhất đối với doanh nghiệp; đồng thời đây sẽ là năm quyết định sự sống còn cho nhiều doanh nghiệp.

Theo bà Loan, năm 2011 chỉ là một năm thử thách nếu doanh nghiệp nào cố gắng thì đến giờ vẫn có thể tồn tại nhưng đến năm nay mọi khó khăn thách thức sẽ bị nhân lên gấp bội do đó dù cho là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ không tồn tại vào cuối năm nay.

Bà nói nhiều đến từ “khốc liệt” vậy cụ thể ở đây là gì?

Thứ nhất là vấn đề tiếp cận vốn, trong bối cảnh mọi ngân hàng đều gần như đóng cửa vay, doanh nghiệp muốn tiếp cận được với nguồn vốn này sẽ là cả một vấn đề lớn.

Thứ hai, lãi suất sẽ rất cao. Doanh nghiệp có vay được cũng là… chết; bởi lẽ càng làm sẽ càng bị lỗ nặng.

Thứ ba, cơ hội công việc trong năm nay sẽ thật sự là đỉnh điểm. Những câu hỏi lớn sẽ được đặt ra như: Làm sao để có tiền sản xuất? Sản xuất ra rồi ai là người mua? Người mua sẽ mua giá nào?...

Thứ tư, khả năng thu hồi vốn. Năm nay, có thể với một vài doanh nghiệp vẫn đủ sức “trụ” lại để “chiến đấu” nhưng trong bối cảnh khó khăn chung thì dù ít, dù nhiều doanh nghiệp đó cũng sẽ bị các khoản nợ khó đòi (thậm chí không thể đòi).

Từ những khó khăn gần như tạo thành chu trình khép kín này sẽ không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng nợ quá hạn với lãi suất lên đến 150%.

Những tháng nửa đầu năm khó khăn này sẽ chưa bộc lộ rõ nét nhưng đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013, tôi cho rằng số lượng doanh nghiệp “ra đi” thật sự sẽ tăng mạnh.

Khó khăn như bà nói liệu Tập đoàn Việt Á có phải rút bớt các lĩnh vực kinh doanh để giảm chi phí không?

Ngay từ năm 2008 chúng tôi đã xác định thời gian tới sẽ rất khó khăn, do đó chúng tôi đã tiến hành tái cơ cấu cách đây 3 năm. Cụ thể, về bộ máy nhân sự đã có điều chỉnh, kiện toàn theo hướng chú trọng chiều sâu; về đầu tư những lĩnh vực được xác định có lợi thế và không thể phát triển lâu dài chúng tôi đã mạnh dạn cắt bỏ.

Tập đoàn Việt Á bao gồm 14 Công ty, đơn vị thành viên, 6 Nhà máy và 3 Văn phòng Đại diện hoạt động trong các lĩnh vực: Tư vấn, thiết kế, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cơ khí, Thiết bị điện, nhựa, cáp điện, xây lắp điện, bất động sản và khai thác khoáng sản…

Ngay cả những lĩnh vực liên quan đến thế mạnh của Tập đoàn Việt Á như sản xuất điện thì chúng tôi cũng chỉ chọn những dự án nào có vốn, có hiệu quả. Những dự án nào kéo dài, chưa tìm được vốn thì chúng tôi cũng không dám “ôm”. Đây chính là cơ sở để Tập đoàn Việt Á vững bước vượt qua khó khăn của năm 2011 và tôi tin rằng năm 2012 chúng tôi sẽ tiếp tục thành công.

Vậy năm 2012 Việt Á đặt kế hoạch lợi nhuận cụ thể như thế nào?

Năm nay chúng tôi chưa thể nói đến vấn đề lợi nhuận. Trong hoàn cảnh hiện nay mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững và tồn tại, trang trải được nợ nần, giữ được bộ máy và giữ được công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên. Vượt qua được năm 2012 – 2013 mới dám tính tiếp đến chuyện có lãi hay không.

Trên thực tế thì tín dụng từ ngân hàng đã không quá dễ dãi từ mấy năm trở lại đây vậy công ty huy động vốn bằng cách nào?

Có thể những năm trước các ngân hàng cũng hạn chế cho vay nhưng phải nói rằng năm 2011 vừa qua như một năm đỉnh cao của sự thắt chặt đó. Tuy nhiên, đồng hành cùng chúng tôi vẫn có những ngân hàng truyền thống nên các dự án của chúng tôi vẫn thu xếp được vốn.

Lãi suất hiện nay mà công ty đang phải trả là bao nhiêu?

Lãi suất của chúng tôi đang vay là 22%, có những ngân hàng là 25%. Thông thường ở các ngân hàng TMCP thì mức lãi suất sẽ dao động quanh mức 23 – 25%.

Với kinh nghiệp sản xuất kinh doanh thực tế thì theo bà lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu thì các doanh nghiệp có thể chịu được?

Tôi cho rằng, lãi suất dưới 10% thì các doanh nghiệp sẽ chịu được, còn trên 10% sẽ là lãi suất cao và làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất vượt gần 3 lần sức chịu đựng của mình, có đúng không, thưa bà?

Đúng thế. Ngân hàng Nhà nước có quy định các ngân hàng cho vay ra sẽ bằng lãi suất huy động (hiện nay đang quy định trần là 14% - pv) và cộng khoảng 4% nhưng trên thực tế thì không doanh nghiệp nào được hưởng mức lãi suất này.

Chính vì thế tôi mới nói rằng hiện nay chỉ cố gắng làm để tồn tại. Bởi lẽ sẽ không có một ngành nghề kinh doanh nào siêu lợi nhuận đến thế. Tôi lấy ví dụ đơn cử như bất động sản, ở những thời kỳ “hoàng kim”, siêu lợi nhuận nhưng nếu phải vay với mức lãi suất đó thì cũng sẽ lỗ chứ không thể lãi.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Khánh Linh (thực hiện)

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên