4 tiêu chí cần có để xếp hạng ngân hàng
4 tiêu chí cần có là vị thế TCTD, vốn và lợi nhuận, mức độ rủi ro và thanh khoản ngân hàng.
Việc giao chỉ tiêu tín dụng theo nhóm tổ chức tín dụng (TCTD) tùy thuộc vào sức khỏe của các TCTD là hợp lý. Chúng ta không nên cào bằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn bộ hệ thống. Các TCTD có sức mạnh tài chính và phát triển lành mạnh nên được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhiều hơn các TCTD yếu kém. Khi các TCTD tốt có nhiều đất để phát triển sẽ tăng tính bền vững của hệ thống và giảm rủi ro nợ khó đòi trong hệ thống.
Các TCTD yếu kém do có trần tăng trưởng tín dụng hẹp nên sẽ phải tập trung vào nâng cao chất lượng tín dụng và đa dạng hóa dịch vụ để tăng phần phí dịch vụ, thay vì tăng trưởng tín dụng “nóng”. Ngoài ra, các TCTD nằm trong nhóm dưới sẽ phải nỗ lực cải thiện chất lượng tín dụng và phát triển một cách lành mạnh để được chuyển lên nhóm trên, từ đó có nhiều “room” tăng trưởng tín dụng hơn. Như vậy, nỗ lực này cũng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tài chính, giúp các ngân hàng mạnh phát triển tốt hơn và ngân hàng yếu phải tập trung tái cơ cấu để lành mạnh hóa.
Vậy tiêu chí nào NHNN nên sử dụng để xếp hạng từng ngân hàng?
NHNN có thể xem xét sử dụng các tiêu chí sau để cho điểm các ngân hàng.
Thứ nhất là vị thế của TCTD, dựa trên mức độ hoạt động ổn định, chiến lược kinh doanh, hoạt động kinh doanh tập trung vào một vài lĩnh vực hay đa dạng hóa lĩnh vực. Kinh nghiệm điều hành, mức độ chấp nhận rủi ro và khả năng ban quản trị thực hiện được kế hoạch kinh doanh cũng là một điểm quan trọng tạo lập vị thế của TCTD.
Thứ hai là vốn và lợi nhuận. Đánh giá khả năng của TCTD chịu được lỗ trong kinh doanh dựa trên việc có đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cùng với chất lượng vốn và lợi nhuận. Điều kiện tiên quyết là TCTD phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Nếu chưa đáp ứng được, TCTD không nên được phép tăng trưởng tín dụng cao trong năm, vì điều này sẽ càng làm giảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chất lượng vốn và lợi nhuận cũng hết sức quan trọng. Nếu vốn cấp 1 chiếm tỷ lệ không cao, vốn của ngân hàng có khả năng giảm mạnh khi trái phiếu tăng vốn cấp 2 đến hạn và phải mua lại hoặc trái phiếu chuyển đổi đến hạn mà không được chuyển đổi thành cổ phiếu.
Thứ ba là mức độ rủi ro. Đánh giá cách ngân hàng tăng trưởng và thay đổi mức độ rủi ro trong kinh doanh, rủi ro của việc tập trung và đa dạng hóa kinh doanh, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ.
Thứ tư là nguồn vốn và thanh khoản. Xem xét cách TCTD huy động vốn cho hoạt động kinh doanh và mức độ nhạy cảm của nguồn vốn (tăng hay giảm) gây ảnh hưởng lên khả năng duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu thanh toán khi thị trường biến động xấu. NHNN có thể xem xét tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn trung hạn, sự phụ thuộc vào vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng và cơ cấu nguồn vốn.
Để việc xếp hạng được chính xác đòi hỏi sổ sách của các ngân hàng phải trung thực, nhưng thực tế hiện nay vẫn có hiện tượng “xào nấu” sổ sách. Liệu việc xếp hạng các TCTD có còn ý nghĩa?
Đây đúng là một vấn đề khó khăn hiện nay để xác định sức khỏe của các ngân hàng. Về nguyên tắc, nếu một khoản nợ đến hạn không trả được, thì các khoản nợ còn lại chưa đến hạn trả nợ cũng có rủi ro. Do đó, mặc dù chưa đến hạn hoặc đến hạn vẫn trả nợ được, nhưng tình hình tài chính yếu kém, môi trường kinh doanh có biến động không thuận lợi cho khách hàng, thì khoản nợ đó nên được coi là có rủi ro.
Tính chính xác của việc xác định nợ xấu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc ban quản trị và cán bộ ngân hàng có thực sự nghiêm túc nhìn nhận các khoản nợ vay có rủi ro hay không và chính sách quản trị rủi ro có nhằm mục tiêu tạo nên tính minh bạch trong xác định rủi ro hay không. Chúng ta chỉ có thể cải tổ hệ thống ngân hàng thành công khi các ngân hàng công khai “bệnh” của mình để NHNN có thể “bốc thuốc” phù hợp. Ngoài ra, việc xác định chính xác bệnh của mình sẽ là con đường duy nhất để các ngân hàng tiến hành tự cải tổ để phát triển lành mạnh và ổn định trong tương lai. Nếu các ngân hàng vẫn tiếp tục giấu bệnh, các ngân hàng này sẽ gặp rủi ro hoạt động rất lớn trong tương lai và có khả năng không thể trụ lại trên thị trường.
Vậy chế tài nào nên được thực hiện để hạn chế tối đa tình trạng “xào nấu” sổ sách, thưa ông?
Các TCTD bị phát hiện thực hiện “xào nấu” sổ sách nên bị chịu các mức chế tài cao nhất của NHNN như hạn chế mở chi nhánh, giảm trần tăng trưởng tín dụng, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực trong một thời gian nhất định… NHNN có thể xem xét công bố thông tin các ngân hàng “xào nấu” sổ sách để khách hàng biết và hạn chế giao dịch với các ngân hàng này. Chỉ khi có sự nghiêm minh trong việc thực hiện, các ngân hàng mới cùng áp dụng một chuẩn mực tín dụng chung trong toàn bộ hệ thống.
Ông có cho rằng, cần nhiều tổ chức tư nhân tham gia xếp hạng hay chỉ cần một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập với các tiêu chí của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, có độ tin cậy cao?
Chúng ta cần một vài tổ chức định hạng tín nhiệm có chất lượng, thay vì có nhiều tổ chức định hạng tín nhiệm mà ít được tín nhiệm. Hiện nay, do Việt
Theo ông, có nên công khai thông tin về các ngân hàng sau khi đã xếp hạng để người dân biết? Bởi vì, nếu công bố có thể gây ra bất ổn đối với thị trường?
Việc công khai về xếp hạng các ngân hàng là hết sức cần thiết, nhằm tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng. Điều này cũng giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, do người gửi tiền và doanh nghiệp có quyền được biết sức khỏe thực sự của các ngân hàng.
Việc công bố thông tin cũng sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng yếu kém để hoạt động lành mạnh hơn, nhằm được “thăng hạng” lên nhóm tốt hơn. Tôi không nghĩ việc công bố thông tin sẽ tạo nên bất ổn với thị trường, nhất là khi các ngân hàng thuộc nhóm yếu kém chiếm thị phần nhỏ.
Theo Hồng Dung
ĐTCK