MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Apple không muốn sản xuất iPhone tại Mỹ? (1)

30-01-2012 - 07:29 AM | Tài chính quốc tế

iPhone được sản xuất tại Trung Quốc bởi người Trung Quốc mang đến cho các công ty công nghệ nhiều thứ mà nước Mỹ không bao giờ có được.

Khi Barack Obama tham gia buổi họp của giới điều hành thung lũng Silicon tại California vào tháng 2/2011, mỗi vị khách được phép hỏi Tổng thống một câu hỏi.

Thế nhưng khi Steve Jobs phát biểu, Tổng thống Obama cắt ngang bằng một câu hỏi: Cần đến những yếu tố gì để có thể sản xuất được điện thoại iPhone tại Mỹ?

Cách đây không lâu, Apple tuyên bố sản phẩm iPhone được sản xuất tại Mỹ. Hiện nay, còn rất ít sản phẩm được như vậy. Gần như toàn bộ trong số 70 triệu chiếc iPhone, 30 triệu iPad và 59 triệu các sản phẩm khác của Apple được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.

Tổng thống Obama đặt câu hỏi tại sao các sản phẩm đó không được sản xuất tại Mỹ?

Steve Jobs đưa ra câu trả lời không rõ ràng: “Việc làm đó không thể trở lại nước Mỹ được.”

Câu hỏi của Tổng thống Obama đã chạm đến vấn đề quan trọng được nói đến nhiều tại Apple. Apple sản xuất sản phẩm ở nước ngoài không chỉ bởi giá nhân công nước ngoài rẻ hơn. Quan trọng, giới điều hành của Apple tin vào quy mô của các nhà máy ở nước ngoài cũng như sự linh hoạt, nhanh nhạy, kỹ năng công nghiệp tốt của người lao động nước ngoài hiện đã hơn cả người lao động Mỹ. “Made in USA” vì vậy không thể trở thành lựa chọn cho hoạt động sản xuất sản phẩm của Apple.

Apple đã trở thành một trong những công ty nổi tiếng, được ngưỡng mộ và sản phẩm bị sao chép nhiều nhất thế giới. Năm 2011, lợi nhuận thu về tính trên mỗi nhân viên của Apple lên tới hơn 400.000USD, cao hơn nhiều so với Goldman Sachs, Exxon Mobil hay Google.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhà hoạch định chính sách rất không hài lòng khi nhiều công ty công nghệ cao hoặc công ty nổi tiếng của Mỹ không tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ như thời kỳ hoàng kim của họ trước đây.

Apple tuyển dụng 43 nghìn nhân viên tại Mỹ; 20 nghìn nhân viên tại nước ngoài. Vào thập niên 1950, General Motors tuyển dụng tới 400 nghìn nhân viên tại Mỹ. Thập niên 1980, có đến hàng trăm nghìn người làm việc cho General Electric.

Nếu tính số người làm việc cho Apple theo diện hợp đồng, phải có đến 700 nghìn người phụ trách kỹ thuật và lắp đặt máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone và sản phẩm của Apple. Tuy nhiên chẳng ai trong số này làm việc tại Mỹ. Thay vào đó, họ làm tại công ty nước ngoài đóng tại châu Á, châu Âu và nhiều nơi khác.

Giới điều hành của Apple khẳng định ở hiện tại, sản xuất sản phẩm ở nước ngoài là lựa chọn duy nhất của họ. Một cựu điều hành tại Apple đã tiết lộ công ty phụ thuộc vào nhà máy ở Trung Quốc đến thế nào khi muốn thay đổi một phần hoạt động sản xuất iPhone chỉ vài tuần trước khi hàng được bán ra thị trường. Apple thiết kế lại màn hình của iPhone trong những phút cuối cùng, bên sản xuất phải thay đổi dây chuyền sản xuất. Màn hình với thiết kế mới được đưa đến nhà máy ở thời điểm gần nửa đêm.

Người quản đốc lập tức phải gọi 8.000 công nhân bên trong khu nội trú của công ty vào lúc nửa đêm. Mỗi công nhân được bồi dưỡng vài cái bánh quy và một cốc trà và trong nửa giờ họ bắt đầu ca làm việc lắp màn hình vào máy. Trong 96 tiếng, nhà máy sản xuất hơn 10 nghìn chiếc điện thoại iPhone.

Nhà điều hành trên nhận xét: “Tốc độ và sự linh hoạt thật đáng kinh ngạc. Nhà máy ở Mỹ không làm được điều này.”

Câu chuyện tương tự diễn ra tại bất kỳ công ty điện tử nào, hoạt động thuê gia công đã trở nên cực kỳ phổ biến trong hàng trăm ngành nghề của thế giới hiện đại, trong đó bao gồm kế toán, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, sản xuất ô tô và dược phẩm.

Những gì diễn ra tại Apple khiến người ta hiểu được tại sao thành công của nhiều công ty nổi bật nhất Mỹ không mang lại nhiều việc làm tại thị trường nội địa. Không chỉ có vậy, quyết định của lãnh đạo công ty khiến người ta đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp Mỹ nợ nước Mỹ những gì ở thời điểm các nền kinh tế trên toàn cầu liên kết chặt chẽ hơn với nhua.

Ông Betsey Stevenson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Lao động Mỹ vào tháng 9/2011, nói: “Các công ty từng cảm thấy áp lực phải hỗ trợ cho người lao động Mỹ, ngay cả khi đó không phải lựa chọn tài chính tốt nhất. Điều đó nay không còn nữa. Lợi nhuận và tính hiệu quả công việc đã vượt qua sự rộng rãi.”

Đại diện các công ty và nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định quan niệm trên không còn phù hợp nữa. Dù nước Mỹ có lực lượng lao động trình độ cao nhất thế giới, nước Mỹ không còn đào tạo người lao động có kỹ năng tầm trung mà các nhà sản xuất cần.

Để kiếm được tiền, các công ty lập luận họ cần phải chuyển công việc ra nước ngoài để có đủ lợi nhuận và tiền chi trả cho hoạt động đổi mới công nghệ. Nếu họ không làm vậy, họ còn không thể tuyển được lao động tại Mỹ. Trước đây, GM và nhiều công ty khác đã đi xuống trong khi nhiều đối thủ phát triển ngày một mạnh.

Các nhà điều hành của Apple khẳng định thế giới hiện đã thay đổi nhiều đến mức thật sai lầm nếu tính toán đến sự đóng góp của một công ty chỉ bởi số lượng việc tại nội địa mà công ty đó tạo ra, dù họ nhấn mạnh rằng số lượng nhân viên tại Mỹ của họ đang cao hơn bao giờ hết và họ khẳng định nhiệm vụ giảm thất nghiệp không phải trách nhiệm của họ.

Nhà điều hành hiện tại của Apple nói: “Chúng tôi bán sản phẩm iPhone tại hàng trăm nước trên thế giới. Chúng tôi không có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề của nước Mỹ. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.”

Ngọc Diệp

ngocdiep

Nytimes, Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên