ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà?
Giới thạo tin cho rằng, sắp tới ngân hàng ACB sẽ điều chuyển CEO của mình sang điều hành Sacombank.
Gần đây, chân dung người mua rõ nét hơn, dù vẫn qua những lời đồn đoán. Theo đó, giới thạo tin cho rằng, sắp tới ngân hàng ACB sẽ điều chuyển CEO của mình sang điều hành Sacombank.
Ngân hàng ACB sẽ đưa tổng giám đốc sang tham gia điều hành ở Sacombank? Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc và là người phát ngôn của ACB, khẳng định đó là tin không đúng. “Tôi khẳng định không có chuyện này”, ông nói.
CEO ACB cầm cương Sacombank: không là điều ngạc nhiên
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank, đơn vị mà ACB là cổ đông lớn, nói hoàn toàn không biết có việc này. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, giả sử có xảy ra, ông cũng không ngạc nhiên: “Cũng bình thường thôi, nếu người nào đã mua mảnh ruộng thì trước sau gì cũng đưa máy móc đến để cày bừa, gieo trồng”.
Tương tự, một lãnh đạo cấp cao của ACB cũng không thừa nhận, nhưng lấp lửng rằng, nếu có, thì đó là lựa chọn nhân sự đứng ở vị trí đầu bảng của ACB. Tin cho biết thêm, ACB đã có kế hoạch nhân sự thay cho vị trí CEO Lý Xuân Hải, người đã có hơn bảy năm “cầm cương” ngân hàng này.
Sacombank hiện có vốn điều lệ là 10.739 tỉ đồng (lấy số tròn). Giá cổ phiếu của Sacombank hiện nay đang gấp đôi mệnh giá. Những người mua đã bền bỉ từ hơn một năm rưỡi nay bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua lúc giá cổ phiếu Sacombank giảm xuống 12.000 – 13.000 đồng.
Gia đình ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Sacombank, và các công ty có liên quan đang nắm giữ khoảng 13,81%; cổ phiếu quỹ là 9,31%, bà Huỳnh Quế Hà, phó chủ tịch Sacombank và chồng nắm giữ 5,22%. Tổng cộng 28,34%. Ông Thành từng khẳng định trên báo chí, không có ai nắm giữ đến 30% vốn điều lệ Sacombank, tính đến lần chốt danh sách cổ đông gần nhất từ tháng 8.2011. Nhưng nếu đó là một liên minh thì là chuyện khác.
Theo đó, giới thạo tin cho rằng, người mua cổ phiếu của Sacombank lâu nay là ACB và những người có liên quan. Hiện nay chưa rõ ACB đang nắm tỷ lệ bao nhiêu, song Eximbank, đơn vị mà ACB là cổ đông lớn, đang nắm giữ 10,81% Sacombank. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, ước đoán liên minh ACB – Eximbank và những người liên quan có thể đang nắm giữ một tỷ lệ mà, dù đại hội đồng cổ đông Sacombank vừa qua đã bầu HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ đến 2015, thì liên minh trên đủ sức để triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm biểu quyết vấn đề thay đổi cơ cấu lãnh đạo.
Cụ thể hoá tham vọng
ACB là ngân hàng có bộ máy lãnh đạo ổn định nhất trong những ngân hàng TMCP. Khác với những ngân hàng chỉ đặt mục tiêu chung chung là “ngân hàng hàng đầu”, ACB mang tham vọng đến năm 2015 sẽ là ngân hàng nằm trong nhóm bốn ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Nghĩa là, ACB sẽ phải vượt qua và thay thế vị trí của một trong bốn ngân hàng hàng đầu hiện nay, xét về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ: Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Agribank là ngân hàng lớn nhất hiện nay với tổng tài sản đang là 524.000 tỉ đồng, VCB là ngân hàng đứng thứ tư với tổng tài sản gần 333.735 tỉ đồng. Cộng tổng tài sản của ba ngân hàng ACB, Sacombank, Eximbank thì sẽ được 298.000 tỉ đồng, gần vươn đến vị trí thứ tư của VCB.
Nếu giới thạo tin không nhầm, việc mua bán sẽ khiến ba ngân hàng này trở thành người một nhà. Và như thế không loại trừ họ có sự bàn bạc nội bộ trước khi đưa ra chính sách kinh doanh. Như thế, vô hình trung tạo hạn chế tính cạnh tranh trong ngành ngân hàng, bởi họ nằm trong tốp 12 ngân hàng lớn nhất. Cũng vậy, thị phần ngành ngân hàng sẽ có sự phân chia lại.
Thay đổi cơ cấu cổ đông một ngân hàng là chuyện bình thường, nếu sự “đổi ngôi” mang lại lợi ích cho các bên và đem đến sức mạnh mới cho ngân hàng. Ông Đặng Văn Thành, người đã có hơn 20 năm gắn bó với Sacombank, từng cho biết trên báo chí những thành viên sáng lập sẵn sàng chuyển giao quyền nếu những người mới có năng lực, trình độ, tâm huyết.
Theo Hồng Sương
SGTT