MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa tận dụng hiệu quả báo cáo quản trị

Đầu tháng 2, khi đọc thông tin về việc HOSE công bố danh sách 37 công ty niêm yết chưa nộp báo cáo quản trị (BCQT) công ty quý IV-2011, nhiều NĐT đã “ngớ người” và đặt câu hỏi: BCQT là gì?

Ngoài những báo cáo quen thuộc như báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên (BCTN), hiện nay doanh nghiệp còn phải công bố BCQT, nhưng để “thấy” được BCQT không phải dễ. Những cổng thông tin liên quan đến chứng khoán cũng không sắp xếp, đăng tải BCQT rõ ràng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng không “buồn” công bố BCQT của mình trên website, ngay cả những doanh nghiệp có tiếng là minh bạch. Nội dung của BCQT bao gồm các hoạt động của HĐQT trong khoảng thời gian (quý, năm), nghị quyết, thay đổi nhân sự và các giao dịch CP của các cổ đông lớn và các vấn đề khác.

Thực tế, những nội dung trên đã được doanh nghiệp công bố rải rác mỗi khi xuất hiện, nên BCQT có thể xem như một sự tổng hợp lại. Đối với những cổ đông, NĐT thường xuyên theo dõi một doanh nghiệp nào đó, BCQT có thể không quá quan trọng.

Nhưng đối với những người mới tiếp cận, BCQT sẽ khái quát tình hình của doanh nghiệp dễ dàng hơn. Về sức nặng, có thể BCQT không bằng BCTC, BCTN nhưng với cái tên khá rộng của mình, chức năng của BCQT có thể “mở” hơn.

Bởi công tác quản trị vốn dĩ rất rộng, liên quan đến việc tổ chức, điều hành, chiến lược với các vấn đề về tài chính, nhân sự… Vì thế, việc lập ra BCQT để NĐT có thêm một kênh thông tin là rất cần thiết, nhưng thực tế BCQT hiện nay vẫn chưa xứng với cái tên của mình.

Nếu khai thác tốt những cái “nền” sẵn có trong BCQT, lợi ích NĐT được hưởng rất lớn. Thí dụ, trong phần báo cáo hoạt động của HĐQT có các cuộc họp, hiện tại mới chỉ thông báo về mặt số lượng, như bao nhiêu thành viên dự họp, có đầy đủ hay không...

Tại sao không quy định thêm việc công bố nội dung chính của những cuộc họp này là gì để NĐT có thể theo dõi sát hoạt động của HĐQT. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi lẽ vài năm gần đây hiệu quả hoạt động của HĐQT được nhắc lại nhiều lần.

Một mục khác là hoạt động giám sát của HĐQT đối với ban giám đốc, cũng có thể giúp các cổ đông theo sát tình hình hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, rất hữu ích, nhưng không phải BCQT nào cũng có.

Trong BCQT của Hodeco (HDC) có nêu việc HĐQT cùng ban giám đốc tiến hành 3 buổi họp chung nhằm đánh giá, nhận xét tình hình sản xuất kinh doanh, chỉ đạo việc phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu…

Trong khi đó, BCQT của Vinaconex 21 (V21) chỉ vỏn vẹn 1 trang giấy, chủ yếu nói tốt mà không thấy nêu cụ thể về hoạt động của HĐQT như trường hợp của Hodeco.

Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý là giao dịch CP của các thành viên HĐQT, các thành viên luôn là một phần mà khi cần, việc thống kê rất mất thời gian và chưa chắc đã chính xác. Vì vậy, việc nêu rõ tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ trong BCQT vừa công khai minh bạch cũng vừa đem lại lợi ích cho NĐT.

Một câu hỏi cần đặt ra cho các cơ quan quản lý là mục tiêu trong việc yêu cầu doanh nghiệp phải lập BCQT là gì? Chế tài nếu không công bố BCQT sẽ ra sao và có bắt buộc phải công bố ra đại chúng hay không?

Như đã nói ở trên, nếu khai thác tốt những chức năng sẵn có, BCQT sẽ phát huy nhiều hiệu quả, bởi lẽ đã đến lúc NĐT phải biết mình đang đầu tư vào đâu, đưa tiền cho ai và tiền của mình có sử dụng đúng hay không.

Thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần chuẩn hóa nội dung của BCQT, đồng thời mạnh tay trong các chế tài khi doanh nghiệp không hoặc chậm công bố BCQT.

Theo Lê Thụy Thanh Tâm
Nhịp cầu đầu tư


phuongmai

Trở lên trên