MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mark Mobius: "Nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại Việt Nam"

Việc định giá rẻ và nhận định thị trường đang phục hồi đã khiến chứng khoán Việt Nam được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong năm nay.

Hãng CNBC đưa tin, Việt Nam đang là một trong những thị trường cổ phiếu tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào đầu năm 2012. Chỉ số VN Index đã tăng 20,5% tính đến ngày 29/2.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu thị trường này có duy trì được đà tăng bền vững hay không.

Chứng khoán Việt Nam, từng là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trước khi giảm 66% trong năm 2008 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Thị trường đã hồi phục 57% trong năm 2009, tuy nhiên trong năm 2010, một năm tăng trưởng mạnh đối với hầu hết các thị trường châu Á thì cổ phiếu Việt Nam lại mất 2%. Sau đó, năm 2011, chỉ số VN Index mất thêm 27%.

Hiện nay, nền kinh tế đang đón nhận những thông tin tích cực. Tỷ lệ lạm phát hàng năm cao kỷ lục 23% vào tháng 8/2011 đã giảm xuống còn 16,4% trong tháng 1/2012. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2012, trừ khi giá dầu thế giới tăng vọt, đẩy lạm phát lên cao.

Ngày 26/02, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng lạm phát giảm và thương mại cân bằng tại Việt Nam cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định.

Mark Mobius, Chủ tịch điều hành của Templeton Emerging Markets Group , cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại Việt Nam "cùng với tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong nước sau khi chính phủ đã giải quyết hiệu quả thâm hụt thương mại".
 
Quỹ đầu tư Templeton Frontier Markets fund với quy mô 843 triệu USD đang có 8,5% danh mục đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.

Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Giám đốc đầu tư tại Manulife Asset Management Co Ltd, (Việt Nam) cho biết một nền kinh tế ổn định với mức độ lạm phát hợp lý "sẽ tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng tại Việt Nam."

Manulife khuyến cáo rằng các nhà đầu tư nên nhắm đến các công ty trong lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng để có các quyết định tài chính lâu dài.

Một trong những vấn đề chính của thị trường Việt Nam là thiếu các nhà đầu tư tổ chức dài hạn. Bởi vậy, thị trường dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các dòng vốn ra, vào của khối ngoại.

Tuy nhiên, dòng vốn của các nhà đầu tư này phụ thuộc vào những cải cách cụ thể hơn trong lĩnh vực tài chính công của Việt Nam và quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ cho biết sẽ khơi thông làn sóng IPO và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cũng đang có kế hoạch cho phép hoạt động của các quỹ ETFs và quỹ ủy thác mở.

Citigroup, trong một báo cáo ngày 22/2, đã đưa ra đánh giá lạc quan về Việt Nam do triển vọng kinh tế dài hạn hấp dẫn trong bối cảnh dân số phát triển nhanh và lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp. Citi cho biết mặc dù chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh nhưng vẫn rất rẻ đối với các thị trường khác.

Theo dữ liệu từ StarMine, cổ phiếu Việt Nam được giao dịch quanh mức 11 lần lợi nhuận, thấp hơn hẳn so với các thị trường trong khu vực. Số liệu này tại thị trường Indonesia đang phổ biến ở mức 18 lần.

Vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh chỉ dưới 28 tỷ USD trong khi ngày 1/3, vốn hóa thị trường Indonesia đã là 351,5 tỷ USD và Malaysia là 268,4 tỷ USD.

Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi vào ngày 22/2, dữ liệu công bố bởi EPFR Global cho thấy, Việt Nam năm nay đã thu hút được 32,3 triệu USD trong khi thị trường Malaysia chỉ nhận được dòng vốn tương đương 12,2 triệu USD.

Lan Hương

huongtd

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên