MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán hút tiền

Âm thầm đi lên gần như liên tục từ 6.1 với mức tăng tổng cộng 22% và thanh khoản tăng mạnh, có nhiều phiên đạt giá trị hơn 2.000 tỉ đồng thay vì 200 - 300 tỉ đồng/phiên như trước đây.

Điều đó cho thấy dòng tiền của NĐT có vẻ đã bắt đầu đổ mạnh vào thị trường nhằm tiếp sức cho đà tăng điểm trong những phiên tới.

Niềm tin đã trở lại?

Sau phiên điều chỉnh ngày 28.2 với khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục là 135 triệu CP, ngày 29.2 thị trường đã nỗ lực thoát khỏi xu hướng bán chốt lời với VN-Index chốt ngày tại 423,46 điểm, tăng 1,42 điểm (0,34%), VN30 tăng 0,48% và HNX-Index tăng 1,59 điểm (2,37%). Đặc biệt, sàn HoSE khớp lệnh gần 126 triệu CP, đạt giá trị hơn 2.300 tỉ đồng, trong đó riêng giao dịch thỏa thuận đã lên tới 1.150 tỉ đồng (55,9 triệu CP). Có được đà tăng điểm này là do thị trường đã bắt đầu có được niềm tin của NĐT tổ chức và cá nhân.

Điều đáng chú ý là tâm điểm vẫn dồn vào nhóm CP ngành NH. Cụ thể CP mã HBB của Habubank tiếp tục được khớp lệnh 21,2 triệu đơn vị sau khi đã khớp hơn 40 triệu trong phiên giao dịch ngày 28.2. CP của mã EIB của NH Eximbank được giao dịch thỏa thuận 38,7 triệu CP và khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị, đạt giá trị hơn 676 tỉ đồng. Phiên giao dịch ngày 28.2, CP này cũng được giao dịch thỏa thuận 32,55 triệu đơn vị. Các CP của các NH khác cũng được giao dịch với khối lượng lớn như CP mã STB đạt lượng giao dịch 5,9 triệu; CP mã SHB đạt 4 triệu, CP mã MBB đạt 16,6 triệu (trong đó có thỏa thuận 10 triệu)...

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó GĐ đầu tư CK, Cty quản lý quỹ SHB (SHF) thì đợt tăng điểm dài gần như liên tục của TTCK được sự hỗ trợ của ba dòng tiền đang đổ vào thị trường. Dòng tiền thứ nhất là của NĐT nước ngoài. Từ đầu năm 2012 đến nay, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.800 tỉ đồng. “Dòng tiền được đổ vào thị trường do khối ngoại tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô đã qua giai đoạn xấu nhất rồi, như lạm phát đang có xu hướng giảm, tiền đồng chỉ mất giá khoảng 3% như tuyên bố của Thống đốc NHNN....” - ông Đức phân tích.

Một dòng tiền nữa đang được đổ vào thị trường là của các đại gia để tham gia thâu tóm và chống thâu tóm. Đây cũng là động lực đẩy giá CP nhóm NH tăng mạnh trong thời gian qua, mà “ngòi nổ” chính từ CP mã STB mà lan rộng sang các CP của các NH khác và cả những DN ngành nghề khác.

Dòng tiền thứ ba đang đổ vào thị trường là dòng tiền nóng của các NĐT cá nhân. Thường dòng tiền này xuất hiện sau cùng nhưng mạnh mẽ nhất. Với NĐT cá nhân thì lúc nào họ cũng có tiền để tham gia vào thị trường khi có cơ hội.

Chứng khoán lại “lên hương”?

Mặc dù thời gian qua, trong báo cáo ngày của các CTCK luôn cảnh báo NĐT về đợt tăng quá đà của thị trường nhưng dòng tiền vẫn tự tin đổ vào thị trường. Nhiều môi giới chứng khoán tại các CTCK cho biết, khách hàng của họ đã tự tin hơn khi quyết định tham gia thị trường.

Anh Nguyễn Hải Đăng, NĐT trên sàn chứng khoán SSI, cho biết, nhiều tài khoản chứng khoán trong nhóm của anh đã quay lại thị trường. Trước tết, nhiều tài khoản trong nhóm gần như đứng im, không có giao dịch.

Tuy nhiên, theo anh Đăng, hiện thị trường tăng mạnh là do dòng tiền đầu cơ nhiều. “Họ vào cũng nhanh, ra cũng nhanh khi mà thị trường xuất hiện cơ hội kiếm lời” - anh Đăng cho biết. Anh Đăng đưa ra nhóm CP ngành NH làm dẫn chứng. Từ tháng 1.2012 đến nay, nhóm cổ phiếu này đã tăng tới 60%, CP tăng thấp nhất cũng 40%, CP tăng cao nhất cũng gần 100% như STB, EIB.

“CP ngành NH tăng mạnh và kiên trì nhất là do tin đồn mua bán, sáp nhập. Hiện thị trường đang đồn về thông tin sáp nhập của HBB. Ngoài ra, việc STB tăng giá cũng đẩy giá những CP tương đương STB tăng theo. Điều đó đẩy mặt bằng giá CP ngành NH tăng lên. Mặc dù CP các NH hiện không còn rẻ nữa, nhưng nếu đánh lên thì vẫn đánh được” - ông Đức cho biết thêm.

Ngoài ra, nhiều CP penny stock cũng đang được đánh lên. Nhóm CP này là sân chơi riêng của các NĐT trong nước. Hiện thị trường đang tốt đã tạo điều kiện cho dòng tiền nóng đổ vào nhóm CP này. Và phiên điều chỉnh giảm ngày 28.2 là một minh chứng cho động thái chốt lời của NĐT trên thị trường, nhưng do dòng tiền đang vào mạnh nên hấp thụ hết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Phùng - Phó TGĐ CTCK Vietinbank (VietinbankSC) cảnh báo hiện nhiều tổ chức có các khoản đầu tư tài chính trong năm 2011 đã thực hiện trích lập dự phòng đến ngày 31.12.2011, đến nay thị trường tăng trưởng mạnh, các khoản đầu tư này đã có lời nhiều so với giá trích lập dự phòng nên không ít tổ chức chọn việc bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận.

CTCK KimEng cũng cảnh báo, với khối lượng giao dịch cao và dấu hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường đang ở mức quá mua cho thấy xu hướng tăng của thị trường đã giảm bớt phần nào sự tích cực. Các NĐT có tỉ trọng tiền mặt cao cần hạn chế giải ngân. Hiện kháng cự quan trọng của thị trường nằm ở mức 432 điểm, nếu mức này vượt qua nhà đầu tư có thể gia tăng việc giải ngân và vùng hỗ trợ nằm tại 410 điểm. Nếu giá giảm qua vùng hỗ trợ, sẽ cho thấy thị trường tiếp tục xấu đi.

Theo Huệ Như
Lao động

phuongmai

Trở lên trên