MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Qatar muốn mua cả thế giới

02-03-2012 - 11:57 AM | Tài chính quốc tế

Bằng việc đầu tư ra khắp thế giới, Qatar, đang tìm cách khẳng định vị trí của mình trong thế giới Arập, nhưng thái độ can thiệp quá mức của quốc gia này cùng một lúc gây nên những thích thú và lo ngại.

Với diện tích 11.500km2, 1,7 triệu dân, trong đó 85% là dân nhập cư, đất nước nhỏ bé này có uy lực của “một con voi ma mút” về phương diện ngoại giao và kinh tế. Dựa vào một nền công nghiệp chế biến dầu khí thuộc vào loại tiên tiến nhất thế giới, Qatar tiến hành một chính sách can thiệp trên rất nhiều lĩnh vực.

Trong thời gian gần đây, không chỉ giành được quyền tổ chức Giải vô địch Bóng đá Thế giới 2022 và mua lại câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Pháp PSG, Qatar còn đầu tư vào nhiều mỏ vàng ở Hy Lạp (trị giá 1 tỉ USD), mua lại 5% Ngân hàng Santander (Brazil), một cơ sở tài chính lớn nhất ở Nam Mỹ, góp 1 tỉ USD vào một quỹ đầu tư ở Indonesia…

Cùng lúc với các đầu tư tài chính khắp nơi, Qatar cũng đi đầu trong việc ủng hộ các phong trào dân chủ trong thế giới Arập, với việc gửi các máy bay Mirage và các lực lượng đặc biệt chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy Libya và tuyên bố chống lại Tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Để hiểu được các động lực thúc đẩy tiểu quốc này trong cuộc chiến khẳng định vị thế của mình, cần trở lại thời kỳ quốc vương Hamad Ben Khalifa Al-Thani mới lên nắm quyền năm 1995, sau khi lật đổ chính cha mình đang công du ở nước ngoài lúc đó. Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của quốc vương mới là thành lập mạng truyền hình vệ tinh Al-Jazira vào năm 1996. Cơ sở truyền thông mới này là phương tiện gây ảnh hưởng của nền ngoại giaoQatar.

Năm 2003, Qatar mở thêm cánh cửa về phương Tây, với việc cho phép Mỹ lập căn cứ không quân lớn nhất của mình tại tiểu quốc, để sử dụng trong các hoạt động quân sự tại Iraq và Afghanistan. Qatar cũng là nước tiếp nhận các thành viên đối lập thuộc xu thế Hồi giáo cực đoan, chống lại nhiều chế độ đương quyền trong khu vực Arập. Ngay cả tiếng nói của Osama bin Laden – kẻ thù số một của Mỹ – cũng được phát đi từ đài Al-Jazira.

Thái độ liên minh với đủ loại đối tác này của Qatar có mục đích giữ thế cân bằng giữa Iran với Arập Xêút và đặc biệt là bảo đảm lưu thông không gián đoạn qua eo biển Hormuz, nơi Qatar xuất khẩu khí đốt ra ngoài.

Tầm ảnh hưởng của Qatar có thế đã dừng lại ở đó, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã mang lại một cơ hội mới cho tiểu quốc này. Giai đoạn thăng tiến mới nhất của ê-kíp nắm quyềnQatargắn với các sự biến trong Mùa xuân Arập 2011.

Câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng của nền ngoại giao business của Qatar còn kéo dài được bao lâu?

Sắp tới Qatar sẽ phải tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội vào năm 2013, trong đó xu thế Hồi giáo siêu bảo thủ Salafiste có thể sẽ không chấp nhận điều hành đất nước cùng với phe cánh của các cổ động viên bóng đá nhiệt thành. Bên cạnh đó, không thể loại trừ nguy cơ đảo chính. Nhà chính trị học Fatiha Dazi Héni kết luận: “Gia đình quốc vương Al-Thani khó lòng tránh khỏi hậu quả của một cú boomerang – gậy ông đập lưng ông”.

Tăng lương 100%, cấp thực phẩm miễn phí cả năm…

Cũng liên quan tới các nước vùng vịnh, nhằm dập tắt những mầm mống bất ổn xã hội, Arập Xêút vừa quyết định cho xây thêm nửa triệu nhà ở xã hội và cho tăng lương, tuyển thêm 60.000 công chức cho Bộ Nội vụ. Còn ngân sách cho năm 2012 thì đạt mức kỷ lục, trong đó giáo dục và y tế luôn được ưu tiên. Chính phủ trợ cấp cho những người thất nghiệp – tỉ lệ chính thức là 10%, nhưng đối với thanh niên thì lên đến từ 30 đến 40%, còn các công ty ngoại quốc buộc phải áp dụng quota tuyển dụng lao động trong nước.

Nếu Oman thành công trong việc tái lập yên bình với việc tăng lương và tuyển dụng thêm công chức, thì ở Bahrein lại khác. Một nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhận định: “Cho dù đã tăng lương 30%, sự căng thẳng vẫn âm ỉ sau các cuộc nổi dậy đã bị dập tắt nhờ sự hỗ trợ của Arập Xêút. Không biết rồi sẽ ra sao”.

Tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE),Qatar và Kowait, thì chủ yếu là các biện pháp dự phòng. Đây là những nước nhỏ có dân số ít, hiện chưa có vấn đề gì, nhưng các hoàng gia tại đây vẫn tỏ ra quan tâm đến chất lượng cuộc sống của các thần dân hơn.

Một nhà kinh tế của ngân hàng Société Générale, Pháp, cho biết: “Tại UAE, lương công chức các ngành tư pháp, y tế và giáo dục năm ngoái đã tăng từ 35% đến 100%, còn lương hưu của quân nhân vừa được tăng 70%. Ngoài ra một kế hoạch ba năm trị giá 1,6 tỉ USD vừa được đưa ra để giảm bớt bất bình đẳng xã hội nhất là ở miền Bắc”. Còn tại Dubai, nơi có dân số đa dạng nhất trong bảy tiểu quốc này, một quỹ 2,7 tỉ USD đã được thành lập để giúp những người thu nhập thấp.

Ở Kowait, năm ngoái các công dân nhận được món tiền thưởng 3.600USD/người và được cấp thực phẩm miễn phí trong suốt một năm. Tại Qatar, lương công chức được tăng 60% và quân nhân được ưu ái đặc biệt với lương bổng tăng đến 120%. Nếu Qatar không đợi đến “Mùa xuân Arập” để phát triển cơ sở hạ tầng và khí đốt, thì nay lại đưa ra một kế hoạch 100 tỉ USD đầu tư vào mọi lĩnh vực nhất là giáo dục, với tham vọng trở thành trung tâm đại học của khu vực.

Liệu các quốc gia vùng Vịnh có khả năng gia tăng chi ngân sách nhiều đến thế hay không? Đối với UAE, Qatar và Kowait thì không thành vấn đề nhờ có nguồn dầu mỏ dồi dào và ít dân. Nhưng ngược lại, Arập Xêút có khó khăn hơn, nhất là lại đang tài trợ cho nhiều nước Arập như Ai Cập và Jordani. Đó là lý do khiến mới đây Bộ trưởng Dầu mỏ nước này tỏ ý mong muốn giá dầu thô được giữ ở mức 100USD/thùng.

Nhưng kinh tế thế giới đang trì trệ, nhu cầu của Mỹ và châu Âu đang giảm đi, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ sắp tới cũng có thể giảm. Một chuyên gia về các nước Arập cho rằng hiện thời Ryad có thể chịu đựng được, nhưng trong trung hạn thì khó trụ được dài lâu.

Theo Nhạn Thạch

Petrotimes


huongtd

Trở lên trên