MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm 1% và tăng 10%

Hai con số 1% và 10% ở tựa bài viết biểu hiện hai động thái ngược chiều nhau trong việc điều hành lãi suất và giá xăng dầu.

Theo tuyên bố chính thức của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tất cả các loại lãi suất chỉ đạo đã đồng loạt giảm 1 điểm phần trăm. Trước đó, trong chiều ngày 7-3, giá xăng đã được liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh tăng thêm 10%, tương đương 2.100 đồng/lít so với đầu năm.

Cũng cần nói thêm, từ đầu năm đến nay người tiêu dùng đã phải gánh chịu một đợt tăng giá gas rất cao, lên đến 20%, tương đương mức tăng thêm 120.000 đồng/bình.

Nếu xét về chỉ số giá tiêu dùng, đến cuối tháng 2-2012 CPI tăng 2,38% so với đầu năm và tăng 16,44% so cùng kỳ năm 2011. Tác động của đợt tăng giá xăng dầu đợt này sẽ được phản ánh vào xu hướng giá cả trong thời gian đến, trước mắt là CPI của tháng 3-2012.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, áp lực tăng giá, đặc biệt đối với một số mặt hàng chủ chốt, mang tính thiết yếu đến đời sống đại đa số người dân, vẫn là thách thức lớn nhất đối với nỗ lực kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.

Trong bối cảnh nói trên, chủ trương kéo giảm lãi suất chỉ đạo xuống 1 điểm phần trăm có thể xem là động thái hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Xét về con số, đó là mức giảm khá thấp, nhưng lại rất hợp lý, thể hiện sự cẩn trọng, chặt chẽ của NHNN trước xu hướng khó dự đoán của kỳ vọng lạm phát trong thời gian đến.

Ý nghĩa của thông điệp này chính là ở chỗ, chúng ta không bao giờ được lơi lỏng, chủ quan trước diễn biến tình hình vẫn còn nhiều ẩn số phức tạp, cả trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào chủ trương giảm lãi suất, xem đó như “liều thuốc vạn năng” để cứu vãn mọi mong muốn? Một khi lãi suất giảm, nhưng giá xăng dầu lại tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng thêm, áp lực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trước mắt vẫn chưa thể có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Quyết định tăng giá xăng dầu vừa qua có thể là việc chẳng đặng đừng. Theo như dự báo, lần lượt các mặt hàng chủ chốt khác như điện/than/ xi măng... sẽ lần lượt tăng giá theo lộ trình “thị trường hóa” đã vạch ra.

Tuy nhiên, như dư luận đã từng trăn trở và phê phán, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xăng/dầu/gas nói riêng và các lĩnh vực còn mang tính độc quyền nhà nước khác nói chung, yếu tố “lỗi điều hành” (cơ chế quản lý thiếu minh bạch/kỷ cương buôn bán lỏng lẻo/sự thao túng của thế lực độc quyền nhóm) luôn là lý do chính gây bất ổn thị trường, làm thiệt hại lớn lợi ích người tiêu dùng.

Cần thẳng thắn chỉ ra rằng đây chính là một trong những nguyên nhân kích thích tâm lý bất an, khiến cho kỳ vọng lạm phát cao có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm xem ra còn rất nhiều việc phải làm, nhưng trên hết cần phải cân nhắc kỹ lưỡng mỗi khi ban hành các quyết định có liên quan đến mặt bằng lãi suất và giá cả. Nếu đã lựa chọn mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát thì nhất thiết phải chấp nhận đánh đổi để thực hiện bằng được chủ trương đề ra.

Giải pháp trước mắt là giảm tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó giảm tổng cầu trong nền kinh tế, tác động nhằm giảm áp lực tăng giá vật tư/năng lượng/nhiên liệu... Kể cả gia giảm lộ trình “thị trường hóa” các mặt hàng chủ chốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bởi lẽ việc tăng giá thiếu cân nhắc trong bối cảnh hiện nay chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Năm 2012 là năm đầu tiên khởi động chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đi đôi với tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là “thời điểm vàng” để “đặt mọi bài toán lên bàn”, phân tích đúng các nguyên nhân, từ đó tiến hành đồng bộ, kiên quyết những giải pháp cải cách thể chế quản lý nhà nước mang tính dài hạn và có hiệu lực, sớm từ bỏ lề lối điều hành theo kiểu ngắn hạn, bị động, đối phó như thời gian vừa qua.

Theo Tâm Dân

TBKTSG


cucpth

Trở lên trên