MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nếu phát hành tín phiếu, quy mô không thể dưới 40 ngàn tỷ'

18-03-2012 - 09:10 AM | Tài chính - ngân hàng

So sánh với mức 20 ngàn tỷ của năm 2008, GDP thực tế bằng VND đã tăng gấp 2 lần nên quy mô phát hành tín phiếu của NHNN nếu có sẽ không thể dưới 40 ngàn tỷ đồng.

Bao nhiêu là phù hợp?

Tổng trị giá tín phiếu NHNN bắt buộc nếu phát hành đầu năm 2012 phải đủ lớn để đảm bảo hiệu quả giảm lượng cung tiền thực tế và phụ thuộc vào qui mô tín dụng và M2. So sánh với đầu năm 2008, qui mô tín dụng và M2 đầu năm 2012 lần lượt là 107,2%GDP và 113,8%GDP - cao hơn khoảng 10%GDP về tổng tín dụng song thấp hơn khoảng 4%GDP về M2. 

Trong cùng thời gian sau 4 năm, GDP thực tế tính bằng VND của Việt Nam đã tăng khoảng 2 lần nên qui mô đợt phát hành tín phiếu NHNN đầu năm 2012 không thể dưới 40.000 tỷ VND. Đánh giá tác động của con số này tới mục tiêu tăng tổng tín dụng, tổng tiền gửi và M2 của Việt Nam năm 2012 sẽ là một trong những căn cứ để quyết định nên hay không nên phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc vào đầu năm 2012 này. Bên cạnh đó, sẽ rất có ý nghĩa nếu phân tích rõ tác động của mức lãi suất tín phiếu NHNN dưới 8% đến xu thế liên tục giảm lãi suất từ tháng 10/2008 đến tận cuối năm 2009.

Kịch bản phát hành tín phiếu NHNN đầu năm 2012 rất có thể lặp lại kịch bản đầu năm 2008. Theo Quyết định số 346/QĐ-NHNN ngày 13/2/2008 về việc phát hành tín phiếu NHNN dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) thì Tín phiếu có kỳ hạn 364 ngày, lãi suất 7,80%/năm dưới hình thức phát hành ghi sổ. Giá trị tín phiếu được phân bổ cho từng TCTD theo quy mô, tỷ trọng huy động vốn bằng VND của từng TCTD. 

Ai sẽ mua tín phiếu của NHNN?

Năm 2008, có 41 TCTD thuộc đối tượng mua tín phiếu NHNN bắt buộc. Các TCTD hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các TCTD có số dư vốn huy động dưới 1.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/1/2008 không thuộc đối tượng mua. Tín phiếu được phát hành vào ngày 17/3/2008 và được NHNN thanh toán khi đáo hạn vào ngày 16/3/2009, các TCTD không được sử dụng tín phiếu này trong các giao dịch tái cấp vốn với NHNN.

Theo đó, đối tượng bắt buộc mua tín phiếu NHNN đợt 2012 có thể là các NHTM thuộc nhóm 1 và 2 vốn đang chiếm khoảng 80% tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi và một số TCTD đang dư thừa thanh khoản. Sau khi Quyết định số 346/2008/QĐ-NHNN ban hành, hầu như tất cả các TCTD đều phản đối do mức lãi suất tín phiếu NHNN quá thấp và các NHTM đang trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động với việc trần lãi suất huy động thoả thuận 12%/năm không được tuân thủ nghiêm túc, tương tự như tình trạng trần lãi suất huy động bắt buộc vừa được điều chỉnh từ 14% xuống 13% từ ngày 13/3/2012 vừa qua. 

8%/năm là phù hợp

Bên cạnh đó, thiệt hại của các TCTD buộc phải mua tín phiếu NHNN còn lớn hơn khi các lãi suất chủ chốt của NHNN đã tăng vọt từ ngày 19/3/2008, cụ thể, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 6% lên 11% và lãi suất tái cấp vốn từ 7,5% lên 13%. Lãi suất tái chiết khấu còn lên đến đỉnh 13% và lãi suất tái cấp vốn cũng lên đỉnh 15% từ ngày 11/6/2008 trước khi quay về mức 6% và 8% vào đầu năm 2009 - tương đương mức lãi suất đầu năm 2008 do lạm phát bắt đầu giảm từ tháng 8/2008, thậm chí CPI còn giảm liên tục trong 3 tháng cuối năm 2008. 

Với lãi suất tái chiết khấu 12% và lãi suất tái cấp vốn 14% sau khi đã giảm đồng loạt 1% từ 13/3/2012, lãi suất tín phiếu NHNN đợt 2012 nếu phát hành có thể là 8% với điều kiện kịch bản biến động lãi suất và lạm phát năm 2012 tương tự như năm 2008 và đầu năm 2009. Tuy nhiên, điều kiện này không hề đơn giản khi xu thế giảm lạm phát và giảm lãi suất năm 2012 vẫn chưa được xác lập một cách chắc chắn và rõ ràng.

Tóm lại, tuy tình trạng kinh tế tài chính Việt Nam đầu năm 2012 có một số điểm tương đồng với đầu năm 2008 song sự khác biệt là rất lớn, nhất là sự khác biệt về xu thế và tính chất vận động của các yếu tố kinh tế vĩ mô then chốt như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại, đầu tư,… nên việc phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc tương tự như đã làm 4 năm trước cần được phân tích, cân nhắc hết sức chu đáo và cẩn trọng. 

T.S. Vũ Đình Ánh

tungns1

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên