MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản phục hồi năm 2009 liệu có lặp lại?

Thị trường có thể đi lên với độ dốc thấp hơn của chỉ số từ nay đến hết năm 2012 và sẽ không bùng nổ như năm 2009.

Tại hội thảo “Giải mã hiện tượng VN-Index” ngày 30/3, ông Lê Chí Phúc, Giám đốc đầu tư của SaiGon Invest cho rằng mặc dù đang có nhiều yếu tố tương đồng nhưng diễn biến thị trường chứng khoán năm nay sẽ khó bùng nổ như năm 2009.

Sau đợt tăng giá trong quý I nhiều khả năng thị trường sẽ duy trì một xu hướng đi lên với độ dốc thấp hơn của chỉ số VN-Index. Quá trình đi lên của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều hành của chính phủ về các vấn đề hạ lãi suất, kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…

Trong năm 2009, sau giai đoạn đầu đi lên bằng lượng cầu nhằm vào những cổ phiếu có PB thấp (tài sản giá rẻ) thị trường đã tăng điểm mạnh trong nhịp thứ 2 nhờ vào kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp. “Chúng ta vẫn còn nhớ là kết quả kinh doanh của NTL, HSG, DRC và nhiều cổ phiếu khác tăng đột biến trong quý 2, 3 năm 2009. Giá các  cổ phiếu này khi đó đã tăng gấp 2 – 3 lần. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không lặp lại trong năm nay” – Ông Phúc cho biết.

Diễn biến của VNIndex trong năm 2009 và đầu năm 2012

Sự khác biệt chính nằm ở chỗ, năm 2009 một nguồn tiền dồi dào được bơm ra với giá rẻ trong khi năm 2012, tín dụng bị hạn chế tăng trưởng ở mức trung bình khoảng 16% và lãi suất thực tế ở mức cao khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn. Những doanh nghiệp buộc phải vay vốn hiện nay hầu như  chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động. Có rất ít các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh mới được triển khai.

Năm 2009, sau khi các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán dẫn dắt chỉ số trong đợt tăng giá đầu tiên thị trường liên tục chứng kiến các sóng cổ phiếu theo ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, thép,….Tuy nhiên sau khi các cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán) tăng giá trong thời gian vừa qua, rất khó để tìm kiếm nhóm cổ phiếu nào sẽ tăng giá tiêp theo.

Mặc dù vậy ông Phúc cho biết, trong 10 năm qua, tại các thị trường chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (không gồm Nhật Bản, Việt Nam) mức định giá PB chỉ giảm xuống dưới 1.2x hai lần và nếu nhà đầu tư mua được cổ phiếu ở mức này thì lợi nhuận sau 1 năm sẽ dao động từ 60 – 90%. Tại Việt Nam, khi thị trường có định giá PB từ 1 – 1.3x thì mức sinh lợi là 40 – 100%. Hiện tại sàn HOSE (không bao gồm VIC và BVH) và HNX đang có mức định giá PB lần lượt là1.3x và 0.8x.
 
Về cơ bản Ông Phúc cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn reflation (tăng trưởng GDP giảm và lạm phát cao nhưng đang giảm dần) kéo dài từ quý 3/2011 đến quý 3/2012. Ở cuối giai đoạn này, lạm phát sẽ giảm về dưới 10% và không còn là ưu tiên số một của chính sách. Khi đó ngân hàng nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất liên tục và nơi lỏng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn đổ vỡ hệ thống và đà suy thoái kinh tế.

Thống kê trên các TTCK thế giới, giá cổ phiếu sẽ tạo đáy khi nên kinh tế khó khăn nhất. Điểm đáy này hình thành sau khi lãi suất được cắt giảm về mức thấp một thời gian và trước khi GDP tạo đáy. Điều này đã đúng với TTCK Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng 2008 -2009. Do đó thị trường hiện nay có thể tạo đáy trong giai đoạn quý 2 – quý 3.

Mô tả về chu kỳ đầu tư của của Việt Nam
 
 
An Huy

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên