MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Q1: Khối ngoại mua ròng 1.400 tỷ đồng trên sàn niêm yết, đổ mạnh tiền vào kênh phát hành riêng lẻ

Trong Q1, ngoại trừ STB bị bán ròng đột biến do ANZ thoái vốn thì nhà đầu tư ngoài mua mạnh các cổ phiếu ngân hàng như MBB, VCB cùng một số bluechip như DPM, HPG...

Trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua ròng mạnh. Tại HoSE, họ mua ròng hơn 1.370 tỷ đồng. Sau khi bán ròng hơn 2.000 tỷ trong tháng 1 (chủ yếu là do ANZ bán STB), khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 2.900 tỷ đồng trong 2 tháng vừa qua. Tính chung cả Q1, họ mua ròng 841 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng 312 tỷ đồng trong tháng 3, nâng tổng giá trị mua ròng trong cả quý lên 552 tỷ đồng.

Như vậy tính chung cả Q1, khối ngoại mua ròng gần 1.400 tỷ đồng trên sàn niêm yết. Nếu như không tính đến việc ANZ thoái vốn tại STB thì giá trị mua ròng sẽ tăng lên gấp đôi. Xu hướng bán ròng của năm 2011 dường như đã chấm dứt.
 
Mua bán ròng của khối ngoại tại HoSE qua các tháng

Phía mua ròng, dòng tiền khối ngoại chủ yếu chảy vào các cổ phiếu ngân hàng như MBB (35 triệu đơn vị - 506 tỷ đồng), VCB (15 triệu đơn vị - 401 tỷ đồng) và CTG (6,8 triệu đơn vị - 165 tỷ).

Các mã khác được mua ròng mạnh có MSN (322 tỷ), FPT (173 tỷ), DPM, HPG, NTP… Nhìn chung khối ngoại vẫn mua mạnh các cổ phiếu bluechip.

Với việc được quỹ Orchid Fund mua mạnh từ cuối năm ngoái, FPT đã không còn room trống. Quỹ này hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu 9,8% cổ phần của FPT.

Phía bán ròng, khối ngoại bán ròng 99 triệu cổ phiếu STB, trị giá gần 1.500 tỷ đồng. Lượng bán này chủ yếu là do ANZ đã bán lại 103 triệu cổ phiếu cho Eximbank, ngoài ra Temasek cũng bán ra khoảng 20 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, STB đã được lượng cầu từ các quỹ ETF. Market Vectors Vietnam ETF đã mua vào 17,3 triệu cổ phiếu STB chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện khối ngoại đang sở hữu 13,3% cổ phần của Sacombank.

VIC cũng bị bán ròng khá lớn với hơn 5,4 triệu cổ phiếu, tương đương 517 tỷ đồng. Các mã còn lại bị bán ròng không nhiều.

HAG bị bán ra 26,4 triệu và được mua vào 25,8 triệu đơn vị. Lượng bán ra chủ yếu do Deutsche Bank thực hiện trong khi quỹ Vietnam Century Fund thuộc Jaccar Capital đã mua vào.
 
Top 10 mua ròng và bán ròng theo giá trị trên 2 sàn trong Q1

Một thương vụ lớn được thực hiện trên sàn niêm yết là công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic đã thực hiện mua vào 22,7% cổ phần của Nhựa Tiền Phong (NTP) và 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP). Nawaplastic dự kiến sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% tại cả công ty, qua đó thâm nhập vào thị trường nhựa xây dựng của Việt Nam.

Tiền chảy mạnh vào kênh phát hành riêng lẻ

Việc khối ngoại mua ròng hơn 800 tỷ đồng trong Q1 không phản ánh được nhiều dòng tiền ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một lượng tiền lớn gấp nhiều được đổ vào thông qua kênh phát hành riêng lẻ. Trong Q1, Vietcombank đã hoàn tất việc bán 15% cổ phần cho Mizuho Bank, qua đó thu về 11.800 đồng (567 triệu USD) – ghi dấu thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, Kinh Đô phát hành 14 triệu cổ phiếu cho Ezaki Glico, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) phát hành 8 triệu cổ phiếu cho Quỹ DIAIF… Sắp tới, Kusto Group cũng sẽ rót 25 triệu USD mua 24,7% cổ phần của Coteccons.

Vincom cũng mới hoàn tất việc huy động 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ thị trường Singapore.
 
KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM