MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện vướng mắc trong triển khai các dự án PPP

Một số dự án khác có tính khả thi cao nhưng đang gặp vướng mắc khi chuyển sang làm theo mô hình PPP là Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa,Nghi Sơn - Bãi Vọt, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2020 khoảng 15 tỷ USD/năm, và trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì nguồn lực từ khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư ngày càng đóng vai trò quan trọng

Vấn đề này vẫn tiếp tục được nêu ra tại hội nghị về Đầu tư đối tác công - tư (PPP) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội.

Nguồn lực tư nhân còn khiêm tốn

Thời gian qua, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhưng nhu cầu phát triển đòi hỏi phải có thêm nguồn lực đầu tư khác bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vai trò của khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, với quy mô chưa tới 10 tỷ USD.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 đã chỉ ra rằng thiếu vốn cũng là một phần khiến chất lượng hạ tầng của Việt Nam chỉ xếp 90 trên tổng số 142 nước được đưa vào đánh giá, xếp dưới Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Về lý thuyết, cơ chế đầu tư PPP mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, nếu như các dự án do nhà nước đầu tư thường vượt chi phí lên tới 73% và kéo dài thời gian đầu tư 70%, trong khi đó, đầu tư theo hình thức PPP chỉ tăng 22% tổng mức đầu tư, thời gian kéo dài chỉ 24%.

Với sự ra đời của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm triển khai dự án theo hình thức PPP, 30 dự án được đề xuất thí điểm với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD, trong đó 10 dự án đường cao tốc, 4 dự án giao thông đô thị, 3 dự án hạ tầng đô thị, 3 dự án thuộc lĩnh vực điện, 4 dự án nước, 3 dự án liên quan đến lĩnh vực cảng, 1 dự án sân bay và 2 dự án phát triển y tế.

Tính tới thời điểm này, mới chỉcó5 dự án thí điểm đầu tiên được ưu tiên lựa chọn là Dự án xây dựng đường vành đai 4, TP Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao số 1 TP Hồ Chí Minh; Dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch sông Hậu 1; Dự án đầu tư xây dựng đường nối Hạ Long - Hải Phòng; Dự án cầu Nguyệt Viên - Thanh Hóa.

Qua đánh giá, có2 dự án là đường vành đai 4 TP. Hà Nội và Đường trên cao số 1 TP Hồ Chí Minh không có tính khả thi, 3 dự án còn lại đang được tiếp tục xem xét.

Nhiều dự án vướng

Đại diện cho địa phương triển khai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho rằng sau 2 năm thực hiện thí điểm dự án PPP tại Hà Nội vẫn chưa đạt kỳ vọng như mong muốn. Nguyên nhân một phần vì nhà đầu tư không quan tâm, phần lại do cơ quan nhà nước thiếu nguồn lực tài chính, các quy định pháp lý cũng chưa đủ sức nặng. Dưới con mắt nhà đầu tư, nếu so sánh với hình thức đầu tư truyền thống, BOT, BT, thì PPP không hấp dẫn bằng.

Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, một dự án tốt với chiều dài, quy mô dự án vừa phải, tính khả thi sẽ rất cao nếu thực sự chuyển sang hình thức PPP. Dự án đã được phía đối tác đề xuất chính thức hỗ trợ 4-5 triệu USD để chuyên sang hình thức PPP, trong đó, phía Việt Nam phải trả từ 400.000 - 500.000 USD theo tiến độ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ký biên bản ghi nhớ-MOU với các đối tác trong nước để triển khai dự án này theo hình thức BOT.

Trong khi đó, đối với Dự án nước sạch Sông Hậu 1, Chính phủ đang tìm nguồn hỗ trợ để thực hiện dự án theo hình thức PPP, và đối tác Nhật Bản cũng rất quan tâm và mong muốn được triển khai dự án này theo mô hình Quỹ đầu tư tài chính dưới hình thức góp vốn và cho vay đối với các dự án thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo (FISF).

Theo hình thức này, Nhật Bản yêu cầu đối với hình thức góp vốn chủ sở hữu tối đa không quá 25% tổng vốn chủ sở hữu, với hình thức cho vay, tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án với thời hạn tối đa là 20 năm.

Thực chất, chương trình FSIF có nhiều điểm rất khác biệt so với chương trình PPP bởi FSIF luôn gắn liền với các dự án ODA của Nhật Bản nên không thực sự có hiệu quả trong việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, cùng với đó là khó thực hiện nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh.

Một số dự án khác có tính khả thi cao nhưng đang gặp vướng mắc khi chuyển sang làm theo mô hình PPP là Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Cao tốc Nghi Sơn - Bãi Vọt, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Tổ trưởng tổ công tác PPP, Đặng Xuân Quang cho biết các nhà tài trợ đánh giá cao và ủng hộ các dự án PPP song họ thường có xu hướng dùng tài trợ để ảnh hưởng, tác động đến quá trình đề xuất dự án, lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà đầu tư không theo nguyên tắc cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, họ có thể gắn PPP với chính sách ODA như mô hình FISF của Nhật Bản, thậm chí là triển khai các hoạt động riêng không theo chương trình PPP của Việt Nam.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý về PPP để mô hình này phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

Theo Văn Chính

Chinhphu.vn

cucpth

Trở lên trên