MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Lựa chọn những ngành có ưu thế và dư địa phát triển lớn

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tất cả những ngành Đề án Tái cấu trúc kinh tế đặt ra đều có luận cứ, cơ sở khoa học.

Chia sẻ cụ thể hơn về Đề án Tái cấu trúc kinh tế,TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng cần chọn những ngành còn dư địa có thể tăng năng suất, giá trị, cạnh tranh.

Phóng viên: Ông đánh giá thể nào về một số ý kiến cho rằng cách chọn ngành mũi nhọn, ngành đi đầu của Đề án vẫn với quan điểm của một chiến lược phát triển công nghiệp theo kiểu cũ?

TS. Nguyễn Đình Cung: Lâu nay, chúng ta vẫn phê phán việc đầu tư là dàn trải mà không khuyến khích phát triển những ngành nghề, sản phẩm mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh.

Với tinh thần đó, Đề án đã đưa ra một số ngành lợi thế của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, dệt may… Tôi tin rằng tất cả đều đồng thuận rằng Việt Nam đang có khả năng cạnh tranh về những ngành nói trên.

Ở đây chúng tôi đưa ra nhiều tiêu chí để lựa chọn ngành mũi nhọn. Ví dụ,đóng tàu Việt Nam đã từng đứng thứ 5 trên thế giới, mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Và đó cũng là một ngành mới nổi của Việt Nam, với ưu thế địa chính trị, chúng ta có tiềm năng để phát triển.

Còn luyện kim là một ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng. Dù Việt Nam có hội nhập, để tự chủ thì một ngành công nghiệp như vậy rất quan trọng. Các quốc gia công nghiệp phát triển hiện nay đều có ngành thép phát triển.

Tức là phải chọn những ngành Việt Nam có ưu thế và năng lực cạnh tranh, đồng thời đang trên đà phát triển, có dư địa phát triển lớn.

Vấn đề là cần phải triển khai quy hoạch chiến lược phát triển ngành dành cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải là giao cho một doanh nghiệp làm.

Phóng viên: Thảo luận về Đề án, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo chưa đề cập đến chi phí. Ông có thể giải thích thêm về điểm này?

Chúng ta tái cơ cấu theo cách hiện nay đang hướng tới là phân bố lại nguồn lực chứ không tiêu hao nguồn lực. Xét về tổng thể xã hội, nguồn lực chỉ có bao nhiêu đó, phân bổ lại chứ không mất đi.

Ví dụ, chúng ta phân ra ba loại dự án là ưu tiên phân bổ vốn triển khai, thực hiện theo hình thức khác và đình hẳn, thì dự án đình hẳn là mất đi phần vốn đã đầu tư. Nhưng mất đó là theo nghĩa không mất tiếp nữa. Phần mất đó là được tái cơ cấu, cắt lỗ để tạo ra lợi nhuận ở chỗ khác.

Có người nói không có bóng dáng doanh nghiệp tư nhân, nhận định này đúng nhưng xét đến cùng, toàn bộ đề án đều hướng đến khu vực tư nhân. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là công cụ hữu hiệu nhất để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, vì chuyển dư địa, cơ hội, nguồn lực sang cho khu vực tư nhân.

Còn nỗi lo thất nghiệp, theo tôi phải tư duy rộng hơn. Dư địa tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam còn lớn, nằm ở khu vực tư nhân. Tái cơ cấu là khuếch trương lại tinh thần kinh doanh, mở dư địa cho khu vực tư nhân phát triển, thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, chính sách khuyến khích rõ ràng thì sẽ khuyến khích khu vực tư nhân, giải quyết được vấn đề lao động.

Phóng viên: Theo ông, trục tái cơ cấu là như thế nào?

- Phải nhìn vào trung và dài hạn. Trước mắt, trong 3 năm tới là các trọng tâm đã xác lập, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo hợp lý và nâng cao một bước hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra thị trường và hệ thống chính sách phân bố lại nguồn lực và thúc đẩy tái cơ cấu ngành gắn với vùng lãnh thổ; nâng cấp trình độ phát triển nền kinh tế.

Tôi rất ngạc nhiên có ý kiến cho rằng Đề án quay lại ý tưởng về kế hoạch hóa tập trung. Một trong những quan điểm xuyên suốt của  đề án là sử dụng thị trường để tái cơ cấu, và nhà nước có can thiệp phải trên nguyên lý vận hành của thị trường. Nhà nước chỉ thiết lập thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ… theo cơ chế thị trường.

Còn việc triển khai cụ thể các hoạt động tái cơ cấu kinh tế là việc của nhà đầu tư và doanh nghiệp, dựa trên những tín hiệu của chính sách và tín hiệu của thị trường mà họ vận hành.

Theo Huy Thắng

Chinhphu.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên