MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết dòng tiền, CTCK kêu quá chặt

Theo các CTCK, quy định mới trong dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27 có biểu hiện giật cục và “giam” dòng tiền quá chặt, gây khó cho CTCK.

Cơ quan quản lý lo xa!

Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về tổ chức và hoạt động của CTCK đưa ra nhiều quy định mới, nhằm nâng cao điều kiện thành lập và hoạt động của CTCK. Trong đó, hướng các CTCK vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng dựa trên năng lực đảm bảo thanh khoản tốt, hệ thống quản trị rủi ro chặt. Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các CTCK đồng thuận với mục tiêu này. Tuy nhiên, khi đi vào quy định chi tiết, nhất là các nội dung điều chỉnh về hoạt động đầu tư, vay nợ, cho vay…, thì dự thảo Thông tư bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý.

Theo tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết, việc giảm tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK tới 50% so với quy định hiện hành, hay quy định CTCK không được sử dụng quá 40% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua cổ phần hoặc tham gia góp vốn vào các tổ chức khác, hoặc CTCK không được đầu tư quá 20% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức niêm yết… là quá chặt. Thậm chí, các quy định này có phần can thiệp sâu vào hoạt động của CTCK. Cơ quan quản lý đang quá lo cho túi tiền của CTCK, trong khi hơn ai hết, các CTCK luôn lo cho vấn đề này.

“Tôi hiểu, cơ quan quản lý làm như vậy xuất phát từ mong muốn bảo vệ cổ đông, khách hàng mở tài khoản tại CTCK tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, lẽ ra việc thiết kế các quy định cần phải cân bằng lợi ích giữa CTCK và khách hàng, thì dự thảo Thông tư lại ‘ép’ CTCK phải hy sinh lợi ích chính đáng của mình”, vị tổng giám đốc trên nói.

Giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường có đạt tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên, CTCK cũng khó sống được bằng phí môi giới

Để xử lý mối quan hệ nêu trên, lãnh đạo một số CTCK cho rằng, dự thảo Thông tư cần có quy định phân định rõ trách nhiệm của CTCK với khối tài sản thuộc sở hữu của chính họ và khối tài sản của NĐT. Theo đó, buộc các CTCK phải luôn đảm bảo an toàn tài sản của NĐT trong mọi tình huống, bằng cách đưa ra chế tài xử lý thật nặng nếu CTCK có hành vi lạm dụng tài sản của khách hàng. Với khối tài sản thuộc sở hữu của mình, các CTCK phải được quyền chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng, chứ không thể bị “giam” chặt như quy định của dự thảo Thông tư. Điều này vừa dễ triệt tiêu tính năng động, sáng tạo trong kinh doanh của các CTCK, vừa thu hẹp dư địa tìm kiếm lợi nhuận vốn không lấy gì ‘dễ thở’ hiện tại.

Cần có bước chuyển mềm

“Khá sốc” là cảm nhận của một số lãnh đạo CTCK khi tiếp cận dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27, bởi quy định mới “tiến hóa” quá nhanh so với quy định hiện hành, cũng như so với hiện trạng phát triển của CTCK và TTCK.

Hệ quả của tình trạng trên, theo lãnh đạo một CTCK trực thuộc ngân hàng, khiến ngành kinh doanh chứng khoán suy giảm sức hấp dẫn. Có thể điều này là mục tiêu của cơ quan quản lý, để thanh lọc dần các CTCK yếu kém. Tuy nhiên, với quy định khá cứng của dự thảo Thông tư, ngay cả với những CTCK mạnh, dư địa phát triển cũng bị thu hẹp đáng kể. Kể cả khi TTCK phát triển ổn định, với giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên, cũng rất khó đảm bảo cho CTCK sống được bằng phí môi giới. Hoạt động tự doanh vẫn là một trong những nghiệp vụ mang lại lợi nhuận lớn cho CTCK, tuy kèm theo đó là rủi ro lớn.

“Quy định mới cần trao quyền cho CTCK với giới hạn rủi ro chỉ xảy ra trong phạm vi túi tiền của CTCK, chứ không phải khối tài sản của khách hàng. Đây chính là cách giữ được ‘chất’ mạo hiểm lớn đi liền với lợi nhuận cao trong kinh doanh chứng khoán. Triệt tiêu yếu tố này, còn gì là sức hấp dẫn của ngành chứng khoán?”, vị lãnh đạo CTCK trên nhấn mạnh.

Khả năng đáp ứng các quy định mới trong thời gian ngắn không chỉ với các CTCK nhỏ, mà ngay cả với các CTCK mạnh cũng gặp nhiều thách thức. Theo kế hoạch, dự thảo Thông tư sẽ được trình Bộ Tài chính ban hành vào tháng 6 tới và có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các CTCK hiện có tỷ lệ vốn vay, cho vay, đầu tư… vượt các chỉ tiêu nêu trong dự thảo Thông tư đang “mất ăn mất ngủ”, bởi trong thời gian ngắn, phải làm cách nào để đưa các chỉ tiêu đầu tư, kinh doanh về ngưỡng cho phép?

Để chấn chỉnh những lộn xộn trong hoạt động của CTCK, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chọn liệu pháp có phần giật cục, bởi những quy chuẩn mới có khoảng cách khá xa so với quy định hiện tại. Theo các CTCK, dự thảo Thông tư cần có bước chuyển mềm để họ tuân thủ tốt hơn, qua đó, vẫn đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động như mong muốn của không chỉ cơ quan quản lý, mà của chính các CTCK.

Theo Tân Văn
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên